| Hotline: 0983.970.780

50 năm trị rắn cắn không công

Thứ Năm 28/07/2011 , 15:41 (GMT+7)

Hơn 50 năm nay, ông Nguyễn Quang Trung đã cứu hàng ngàn người bị rắn độc cắn mà không lấy một cắc bạc nào.

Nhiều người gọi ông Nguyễn Quang Trung là "thần y đất Vĩnh Linh". Riêng ông thì cười hiền và không có nhận xét nào về mình cả. Hơn 50 năm nay, ông đã cứu hàng ngàn người bị rắn độc cắn mà không lấy một cắc bạc nào.

>> Vị lương y của người nhiễm chất độc da cam
>> Cứu hàng vạn bệnh nhân bỏng
>> Chuyện ông Thoàn chữa bỏng

Học lỏm nghề

Ngôi nhà của ông Trung ở thôn Thuỷ Ba Đông, xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Từ đây lên dãy Trường Sơn chẳng bao lâu. Ở xa xôi vậy mà người dân không chỉ riêng ở Quảng Trị, các nơi khác đều biết đến tài chữa rắn cắn của ông. Ông Trung cũng không lý giải nổi tại sao mình lại chọn Vĩnh Thuỷ làm quê hương thứ hai. Chỉ biết rằng, vùng đất này có nhiều loại cây thuốc giúp ông làm việc thiện, cứu người và trở nên nổi tiếng. Năm nay ông Trung đã 75 tuổi song vẫn còn rất minh mẫn.

Ông kể, nghề chữa rắn cắn cứu người ông học được từ người bác ruột. Quê ông ở Quảng Ngãi. Một hôm có người bị rắn độc cắn sùi bọp mép, thân hình tím bầm được người nhà chở đến cầu cứu người bác của ông cứu chữa. Người bác nhận lời cứu người nhưng sợ cháu học lỏm nghề khi chưa đủ "nội công thâm hậu" mà liều lĩnh đi cứu người thì nguy to nên ông bày cách đổ lúa vào cối xay, bắt cháu vừa xay lúa vừa trông gà rồi tự lên rừng một mình.

Đợi bác vừa ra khỏi nhà, ông Trung lấy bao tải ra bịt cối xay lại rồi luồn rừng đi rình bác học lỏm nghề. Đến khi bác phát hiện ra thì người cháu cũng đã biết các thứ thuốc mà bác bí mật chữa trị cho bà con. Song người bác vẫn chưa chịu truyền kinh nghiệm chữa trị rắn độc cắn người cho cháu.

Cho đến một hôm khi người bác đi vắng nhiều ngày thì có người bị rắn độc cắn đến nhờ cứu chữa. Với vốn liếng học lỏm được trước đó từ người bác, ông Trung liều mình chữa giúp nhưng không ngờ thật hiệu nghiệm. Khi người bác về nhà thì bệnh nhân cũng vừa khỏi bệnh. Từ đó người bác mới chịu truyền bí quyết trị rắn độc cho người cháu ruột của mình.

Năm 1962, ông Trung ra miền Bắc hoạt động Cách mạng và mang theo bí quyết gia truyền về bài thuốc chữa rắn độc ấy để cứu hàng trăm cán bộ, chiến sĩ. Chưa có trường hợp nào bị rắn độc cắn mà ông ông Trung phải bó tay. Sau 1975, đất nước giải phóng, ông không trở về quê hương Quảng Ngãi mà ở lại xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh lập gia đình, rồi đem kinh nghiệm chữa bệnh cho bà con.

Tại Vĩnh Thuỷ, do ở gần rừng nên có rất nhiều rắn độc. Vùng này nhiều nhất vẫn là rắn lục và hổ mang chúa. Rắn vào nhà quấn ở chân giường, lẻn vào trong chăn gối, treo lơ lửng ở mái nhà... Có nông dân vô ý bị rắn cắn không chữa trị kịp nên mất mạng oan.

Chữa không công

Có một điều rất đáng kính nể là ông Trung chữa bệnh cứu sống nhiều người bị rắn độc cắn nhưng ông không lấy của ai cắc bạc nào. Ông nói: “Nếu lấy tiền thì tui giàu lắm rồi. Ai cho gì thì cám ơn nhưng thường là một chai rượu gạo uống với bà con cho vui thôi. Có nhiều người bị rắn cắn đến thầy thuốc chữa trị họ đòi 10 triệu đồng. Gia đình không có tiền nên mang con họ đến nhờ tôi chữa. Tôi chữa gần một tháng lành bệnh mà không lấy đồng nào".

Ông Trung cho tôi xem bài thuốc trị rắn độc cắn. Đó là một vài loại lá cây trên rừng, ở rừng thấp cũng có loại cây này. Sau đó được ông hái về giã nhỏ, hoà nước cho bệnh nhân uống. Người bị nhẹ mỗi ngày uống thuốc một lần để đẩy chất độc ra ngoài. Khi bị nặng hơn thì liều lượng thuốc gấp đôi. Với những người bị rắn cắn gây lở loét da thịt, ông có bài thuốc bằng lá cây đắp vào để hút độc trực tiếp. Ở phần da thịt lở loét ấy sau sẽ liền lại, không bị sẹo.

Tôi hỏi ca chữa trị nào ông nhớ nhất trong đời thầy thuốc của mình? Ông cho biết đó là trường hợp của anh Nguyễn Bang ở xã Vĩnh Lâm. Trong khi ra ao cá, anh Bang bị con rắn hổ mang chúa cắn vào tay. Khi vừa trở vào nhà cả thân mình bủn rủn, vợ con anh thấy vậy sợ khóc ngất xỉu. Ông Trung tiếp nhận người bệnh trong tình trạng mê man, sùi bọt ở miệng. Nọc độc của rắn nhanh chóng lan tỏa toàn thân. Nhưng sau hai giờ cho uống thuốc, nạn nhân có dấu hiệu phục hồi, đến chiều cùng ngày thì tỉnh lại. Phải mất gần một tháng được chữa trị, anh Bang mới lành bệnh, sức khoẻ trở lại bình thường.

Ông Trung kể mình đã quyết định chọn hai người để truyền nghề, một ở miền núi và một người ở đồng bằng, đều là những nơi xa bệnh viện để họ kịp thời cứu giúp bà con. Ông dặn họ sống phải có lòng thương người, chữa bệnh không được lợi dụng lấy tiền của người nghèo.

Mong muốn duy nhất của ông Trung hiện nay là xây được một cái phòng rộng 10 m2 tại nhà để có chỗ cho bệnh nhân ở lại mỗi khi điều trị bệnh.

Trong sổ chữa bệnh của ông có không biết bao nhiêu lời cảm ơn của các gia đình nạn nhận với những lời lẽ thể hiện lòng biết ơn vô hạn với người thầy thuốc nông dân này. Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Vĩnh Kim (Vĩnh Linh), đã viết vào ngày 24/6/2000: “Cháu đi cắt cỏ không may bị rắn lục cắn nhiễm độc nặng, bệnh viện đã trả về, tưởng chừng không qua nổi. May mắn được bác tận tình cứu chữa nay cháu đã lành bệnh để trở về nhà. Cháu và gia đình rất cảm ơn bác và ơn đó không biết khi nào cháu trả được”.

Nhiều khi gia đình ông Trung đón cùng lúc mấy nạn nhân đến chữa bệnh bị rắn độc cắn. Cả vợ con ông phải nấu cơm phục vụ, nuôi bệnh nhân hàng tháng trời không công. Ông Trung giải thích: “Thuốc có ở trên rừng, không tốn tiền mua. Mình chỉ bỏ ra một ít thời gian mà cứu được mạng sống cho dân nghèo. Trong cuộc sống mình cần làm việc tốt để phúc đức cho đời. Họ nghèo khổ thì lấy tiền đâu ra để trả. Gia đình tôi làm thêm ruộng vườn, trồng rừng cũng đủ sống".

Tuổi đã già nên ông Trung đang từng bước truyền lại bí quyết chữa rắn độc cắn cho học trò. Ông cho hay, với những bài thuốc gia truyền quan trọng là bí quyết. Thầy phải có thuốc. Thuốc phải có phép. Phép phải có tắc. Thầy thuốc có nội công thâm hậu thì mới có tay nghề giỏi để cứu người. Muốn vậy luôn phải rèn luyện và tu dưỡng nhân cách, lối sống.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.