| Hotline: 0983.970.780

Nhận diện thanh niên nông thôn

Thứ Ba 07/10/2008 , 12:53 (GMT+7)

Hội nghị Trung ương 7, khoá X xác định “Thanh niên là rường cột của nước nhà. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người”. Trong loạt bài viết này, chúng tôi chỉ đi tìm và nhận diện một tầng lớp thanh niên sống ở nông thôn, để xem họ làm gì, sống ra sao…

Hội nghị Trung ương 7, khoá X xác định “Thanh niên là rường cột của nước nhà… Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người”. Trong loạt bài viết này, chúng tôi chỉ đi tìm và nhận diện một tầng lớp thanh niên sống ở nông thôn, để xem họ làm gì, sống ra sao…

Bài 1: Đi vãn cả làng 

Chúng tôi không có tham vọng đưa ra cái nhìn đầy đủ nhất về thanh niên nông thôn mà chỉ kể ra những điều mắt thấy, tai nghe tại một số địa phương… 

Thanh niên nông thôn rời làng quê không chỉ vì miếng ăn (ảnh V.MV)

Những làng "trắng" thanh niên

Ông Phó chủ tịch huyện Đông Hưng (Thái Bình) giới thiệu tôi về Minh Châu, một xã “bình bình” nơi đây để “tìm” thanh niên làng.

 Minh Châu có hơn 4.000 dân. Lực lượng lao động (LLLĐ) 1.821 người. Thống kê của Đoàn TN, cuối năm 2006 toàn xã có gần 600 người trong độ tuổi TN (từ 16 đến 30 tuổi). Đến cuối năm 2007 thì chỉ còn gần 400, bằng 10% dân số và 22% LLLĐ. Trong số 400 TN đó có một nửa  thường xuyên rời địa phương đi làm ăn xa. Nửa còn lại bao gồm cả TN còn học THPT và TN đi làm thuê theo thời vụ. Tính ra, số TN là lao động chính và thường xuyên có mặt ở nhà chỉ khoảng 70 - 80 người. Gần 60% số này lại là TN nữ có chồng đi làm xa…

Theo anh Nguyễn Hữu Bách - Bí thư Đoàn xã Minh Châu thì vào vụ nông nhàn, số TN còn lại trong xã chỉ khoảng 25 đến 30 người - chiếm chưa đầy 2% LLLĐ (so với mức bình quân cả nước hiện nay khoảng 47%).

Tôi tìm đến UBND xã Minh Châu. Trụ sở UBND vốn là nhà kho của HTX từ những năm 70, trông xập xệ. Cạnh đó, nhiều nhà cao tầng vôi ve sáng choang mọc san sát. Ông Nguyễn Hữu Bắc - cán bộ TB -XH xã giải thích: "Toàn của nơi khác mang về. Những nhà cao tầng là của dân đi miền Nam, cuối năm lại mang tiền về xây nhà. TN khoẻ mạnh trong làng nếu không đi học thì kéo vào miền Nam, lên Hà Nội... làm thuê. TN cưới vợ xong hoặc để vợ ở quê, hoặc cho ruộng, gửi con cho bố mẹ rồi đi cả hai. Những người trung tuổi còn sức khoẻ cũng đi nốt. Ở Minh Châu bây giờ tìm được một TN "cho ra hồn" khó lắm…” 

Xã An Thịnh, một xã đông dân nhất huyện Lương Tài (Bắc Ninh) nhưng số TN còn ở lại ở các thôn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vào vụ nông nhàn, nhiều thôn "trắng" TN nên BCH Đoàn TN  ở các thôn cũng không có.

Theo điều tra của Đoàn TN xã An Thịnh tháng 2 năm 2008, tổng số người trong độ tuổi TN là 1.796 người, trong đó có gần 50% rời khỏi địa phương đi làm thuê dài hạn. Số người trong độ tuổi TN năm 2008 đã giảm 450 người so với năm 2002.

Ông Trần Viết Chiên - Phó chủ tịch UBND xã An Thịnh ước tính: "TN trong độ tuổi còn ở địa phương chỉ khoảng 300, trừ đi số TN đang học THPT khoảng 240, tính ra số TN là lao động chính toàn xã chỉ khoảng 60 đến 80 người - chiếm khoảng 2% LLLĐ và 0,7% dân số toàn xã”. 

Cạnh xã An Thịnh, thôn Mỹ Xuyên (xã Mỹ Hương, Lương Tài, Bắc Ninh) có hơn 2.600 dân chiếm hơn 50% dân số xã Mỹ Hương hiện cũng chỉ còn khoảng hơn 20 TN bám lại ở làng. Trong số này có vài cô ở nhà "chờ lấy chồng", một số có chồng đi làm xa, còn lại là TN đã có vợ, gia đình neo người buộc phải ở nhà..

Làng không còn thanh niên, gánh nặng việc đồng áng đổ lên vai người già, (Trong ảnh: Vợ chồng ông Hải, (xóm 5, xã Minh Châu, Đông Hưng, Thái Bình) gần 60 tuổi vẫn phải làm 8 sào ruộng)

Gánh nặng đổ lên vai người già 

Vào đầu thôn 5, xã Minh Châu (Đông Hưng, Thái Bình), tôi gặpvợ chồng ông Nguyễn Văn Hải - một bệnh binh mất sức gần 60 tuổi đang gò lưng xe phân ra ruộng giữa 12h trưa. Tôi thắc mắc: "Ruộng nhiều thế, sao ông không để con cái làm cho?". Vừa hì hục đánh phân, ông Hải vừa trút sự bực bội vì thằng con trai biếng làm ruộng: "Nhà có hai mụn con, con gái lớn sinh năm 1985 đi dạy trường Mầm non tư thục ở Hà Nội, lương tám trăm nghìn/tháng nên vẫn phải cho thêm.

Thằng con trai 19 tuổi thi ĐH không đỗ, đến mùa vụ bảo đi gặt, đi cấy thì thộn mặt ra, suốt ngày lêu têu ở mấy quán Internet, chỉ tổ rách việc nên phải đẩy nó lên Hà Nội học nghề Cơ khí. Nhà có hai thân già phải làm chừng đó ruộng, từ cấy, làm cỏ, bón phân, phun thuốc sâu 7 - 8 lần/vụ, rồi gặt hái... lả hết cả hơi. Đến vụ cấy phải làm cả đêm cho kịp thời vụ. 2h sáng đã chong đèn ngoài ruộng nhổ mạ... Cực vậy nhưng không làm thì ai làm thay, rồi lấy gì chi tiêu... ?"

Tôi hỏi, vậy chừng dăm năm nữa, lúc đó 2 ông bà không còn sức làm ruộng thì ai làm? Ông Hải chậc lưỡi: "Làm được đến đâu biết đến đó, lúc nào không làm được nữa thì cho người ta, không thì trả ruộng cho Uỷ ban!"

Ông Hải cho biết không riêng gì nhà ông mà cả thôn 5 xã Minh Châu có đến 80% hộ làm ruộng, trung bình có 7 sào đến 1,5 mẫu/hộ chỉ toàn do ông bà già đảm nhiệm. 20% số hộ còn lại là các gia đình trẻ có chồng đi làm ăn xa. Bà vợ trẻ ở nhà cũng đảm đương chừng đó ruộng, rồi chăm sóc con cái, làm nghề phụ... ".

Xã An Thịnh (Lương Tài, Bắc Ninh) có bình quân đất nông nghiệp thấp nhất huyện (gần 290m2/người). Nhưng nghịch lí là "ruộng ít nhưng vẫn thừa". Nguyên nhân là xã này đang dần không có người làm ruộng, đặc biệt là lực lượng TN sung sức. Toàn xã hiện chỉ còn 3.000 LĐ - tương đương 25,4% dân số (11.800 người). Bình quân một LĐ đảm nhiệm 3,2 sào ruộng, trong đó hầu hết là những người trên 45 tuổi. Mỗi hộ dân ở An Thịnh hiện có từ 5 sào đến 1,5 mẫu ruộng. Lực lượng chủ yêu đảm nhận số ruộng này hầu hết là... ông bà già!"

Ông Trần Viết Chiên - Phó chủ tịch UBND xã An Thịnh trăn trở: "5 đến 7 năm nữa, khi số LĐ "U50" này không còn sức làm ruộng mà TN vẫn mất đều đều như hiện nay thì không biết ai sẽ làm thay!".

Trên những cánh đồng màu mỡ ở khu Cát Khê (xã An Thịnh), chúng tôi thấy lác đác những thửa ruộng bị bỏ hoang. Anh Nguyễn Tăng Mai - thôn An Trụ cho biết đó là những thửa ruộng cho không ai nhận, hoặc những nhà neo người không làm xuể.

Những xã như Minh Châu hay An Thịnh chưa phải là nhiều ruộng so với nhiều địa phương ở ĐBSH. Nhưng số ruộng này hầu hết đang dồn lên vai những người già trên 50 tuổi, thậm chí 70 tuổi vẫn phải còng lưng ra đồng. (Còn nữa)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.