| Hotline: 0983.970.780

Ăn hạt củ đậu, hai bé trai nguy kịch

Thứ Ba 21/01/2020 , 19:52 (GMT+7)

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Trung tâm Sản Nhi vừa cấp cứu và điều trị thành công cho hai anh em bé trai bị ngộ độc nặng sau khi ăn hạt củ đậu.

Bệnh nhi Đ.B.N đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc - Ảnh: BVCC.

Trước đó, Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận 2 bệnh nhi Đ.T.L. (6 tuổi) và Đ.B.N. (3 tuổi, cùng trú tại Ba Vì - Hà Nội) được chuyển đến từ Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy. Trong đó bé Đ.B.N. đã rơi vào hôn mê, da tái lạnh, gọi, hỏi không có đáp ứng, đã được cấp cứu đặt ống nội khí quản.

Anh Đ.Q.T (32 tuổi, bố của 2 bệnh nhi) cho biết ngày 13/1/2020, anh chị có đưa 2 con trai đến chơi ở nhà bà ngoại (Yên Lãng – Thanh Sơn – Phú Thọ) sau đó đi làm giúp. Do không có người trông nên 2 bé tự chơi và được cho hạt củ đậu luộc để ăn.

Vào khoảng 16h chiều cùng ngày, sau khi đi làm về anh T. phát hiện bé Đ.B.N. mệt mỏi, quấy khóc và nôn ra nhiều hạt củ đậu. Tuy nhiên, do không biết loại hạt này có độc tố rất mạnh nên gia đình chủ quan, không đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế.

Đến khoảng 18h, trên đường đưa 2 con trở về nhà, anh chị thấy con đột nhiên ngất xỉu, tay chân duỗi, gọi, hỏi không có đáp ứng nên vội đưa trẻ vào cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy.

Sau khi được thực hiện các biện pháp cấp cứu tích cực như đặt ống nội khí quản kết hợp sử dụng các thuốc vận mạch, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Trung tâm Sản Nhi.

Tại Trung tâm Sản Nhi, qua khai thác bệnh sử, căn cứ kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng toan hóa máu nặng kết hợp đối chiếu với dữ liệu trẻ đã ăn hạt củ đậu trước đó và các biểu hiện bệnh khác, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhi Đ.B.N. bị ngộ độc hạt củ đậu rất nặng. Bệnh nhi ngay lập tức được chỉ định lọc máu liên tục, sử dụng các thuốc vận mạch liều cao kết hợp với kháng sinh. Sau 3 ngày được điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi Đ.B.N ổn định, bệnh nhân tỉnh táo, cai được máy thở.

Riêng trường hợp bé Đ.T.L., sau khi được đưa vào Trung tâm Sản Nhi, bé cũng nôn ra nhiều hạt củ đậu. Tuy nhiên, do được các bác sỹ cấp cứu kịp thời nên tình trạng sức khỏe của bé nhanh chóng ổn định và được xuất viện ngay sau đó.

Thông tin về trường hợp ngộ độc tương đối hiếm này, ThS.BS Cao Việt Hưng  - Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Trung tâm Sản Nhi cho biết, ngoài phần củ được dùng làm thực phẩm, phần thân, lá, hoa, quả của cây củ đậu đều có chứa Rotenon – một chất rất độc thường được dùng làm chế phẩm thuốc trừ sâu.

Khi được hấp thu vào cơ thể, Rotenon gây ức chế hô hấp của tế bào gây tăng sinh lactate nhiễm toan hóa máu, tăng hình thành các gốc oxy hóa tự do và gây chết tế bào. Sau khi ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, ý thức lơ mơ.

Ở mức độ nặng hơn, Rotenon gây ức chế thần kinh khiến người bệnh rơi vào hôn mê, co giật, ngừng thở, ngừng tim dẫn tới tử vong nhanh chóng.

Đặc biệt, ngộ độc Rotenon trong hạt củ đậu không có thuốc giải độc đặc hiệu và các triệu chứng có thể tiến triển rất nhanh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong trong thời gian từ 2 – 5 giờ sau khi ăn phải chất độc. Do đó, bác sỹ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa con đến ngay các cơ sở y tế nếu phát hiện con mình ăn phải các loại quả, hạt lạ mà có các biểu hiện bất thường sau đó để được kiểm soát tình trạng ngộ độc, tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.

Cũng theo Bác sỹ Hưng, hầu hết các trường hợp ngộ độc liên quan đến hạt củ đậu chủ yếu là do người dân không hiểu biết nên hái ăn. Tháng 12/2019, Khoa Hồi sức – Tích cực Chống độc tiếp nhận một bệnh nhi 7 tuổi ở Ba Vì – Hà Nội bị ngộ độc rất nặng nghi do ăn hạt củ đậu nướng. Trong lúc chơi đùa ở nhà, hai anh em đã hái quả củ đậu và nướng ăn. Trẻ nhập viện cũng trong tình trạng tương tự.

Tuy nhiên do được đưa đi cấp cứu quá muộn nên bệnh nhi bị tổn thương não nặng và không thể hồi phục. Trước đó vào năm 2014, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng tiếp nhận 4 trường hợp bệnh nhân ngộ độc rất nặng sau khi cùng nhau ăn hạt củ đậu luộc. Trong đó, một bệnh nhân ăn nhiều nhất đã tử vong sau 3 ngày điều trị.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất