Đó không phải là khẩu hiệu suông mà đã trở thành một phong trào lan rộng trong các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội thời gian gần đây. Vợ chồng ông bà Nguyễn Đức Thọ - Nguyễn Thị Huê ở khu Tân Mai (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) có 1ha vườn trồng 400 gốc bưởi Diễn, 50 gốc bưởi đỏ Tân Lạc từ lâu đã tiên phong trong việc làm nông kiểu hữu cơ. Ông Thọ kể, nhà ở ngay trong vườn nên lúc còn sử dụng thuốc BVTV hóa học, phun cả tuần sau vẫn còn mùi, phải đóng cửa liên tục, rất sợ. Lo cho sức khỏe của mình đồng thời đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng đã 7 - 8 năm nay họ theo đuổi quả bưởi hữu cơ.
Họ phun mỗi năm 6 - 8 lần bằng thuốc sinh học. Họ diệt cỏ bằng cách hòa đạm với kali kiểu đậm đặc theo công thức 50kg kali cộng 5 kg đạm cùng 200 lít nước rồi phun thay cho thuốc trừ cỏ hóa học vốn độc hại. Họ diệt ruồi vàng bằng bẫy dính, xử lý nấm thân bằng phun kali cộng đạm kiểu đậm đặc giống như công thức diệt cỏ. Họ bón phân hữu cơ trộn với chế phẩm EM, đậu tương, cá ngâm men vi sinh. Họ bọc quả, che nắng cho bưởi để chống lại côn trùng chích hút và đảm bảo mã đẹp. Nhờ vậy, khi giá bưởi trên thị trường xuống thấp, nhiều nhà vườn mấy vụ bưởi nay đều lỗ thì ông bà vẫn lãi mỗi vụ 200 - 300 triệu đồng. Có nhiều người đến tận vườn để mua về ăn thử, thấy ngon quá lần sau cứ gọi điện đặt mua với giá khá cao.
Tại nhiều xã của huyện Phú Xuyên mấy năm nay nông dân đã nói không với thuốc BVTV. Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc HTX xã Chuyên Mỹ thông tin với tôi rằng đơn vị có 260ha thì cỡ 95% không phải dùng thuốc BVTV mà năng suất vẫn đạt xấp xỉ 2 tạ/sào. 10 năm nay toàn xã không còn cửa hàng thuốc BVTV nào. Nhờ đó mà môi trường trở lại sạch sẽ, nông sản an toàn, sức khỏe của người dân và người tiêu dùng đảm bảo:
"Càng phun nhiều thuốc BVTV hóa học bao nhiêu thì sâu bệnh lại càng nhiều bấy nhiêu, sâu bệnh nhờn thuốc hiệu quả phòng trừ thấp lại phải tăng liều. Bởi thế mà chúng tôi áp dụng cách quản lý dịch hại tổng hợp IPM, thâm canh lúa cải tiến SRI và tiến tới không phun thuốc BVTV nữa là thành công trên diện rộng”. Ngoài sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, bà con trong huyện Phú Xuyên còn trồng bưởi theo hướng hữu cơ, trồng rau, màu theo hướng hữu cơ, vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm sức khỏe của nông dân và người tiêu dùng.
Cũng tương tự như thế, tại huyện Phúc Thọ-một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Hà Nội trong 5 năm qua các cấp hội nông dân đã thực hiện cuộc vận động “Vì môi trường trong sạch vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”.
139 hội nghị được tổ chức thu hút gần 12.000 lượt hội viên về nội dung bà con không sử dụng các hóa chất độc hại, đảm bảo thời gian cách ly trong sản xuất cũng như phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm. Duy trì mô hình cánh đồng không vỏ bao bì thuốc BVTV, mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn sử dụng rác hữu cơ ủ làm phân bón cho cây trồng, khởi phát từ xã Xuân Đình, Võng Xuyên phong trào đã lan rộng ra toàn huyện.
Trên phạm vi toàn thành phố, mỗi ngày lại xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn như thế. Tuy nhiên, để kết quả của chương trình bền vững hơn, thành phố cần tạo các chương trình giáo dục và tư vấn về an toàn thực phẩm và quy trình sản xuất nông nghiệp sạch không chỉ nông dân mà còn cả người tiêu dùng. Bởi chính người tiêu dùng một khi đã hiểu biết sẽ đặt ra yêu cầu ngược lại với người sản xuất, chế biến thực phẩm để họ buộc phải tuân thủ.
Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, đơn vị sẽ cùng với các địa phương, cơ quan, ban ngành đẩy mạnh xây dựng chiến dịch quảng bá về thương hiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của Hà Nội. Qua đó giúp người tiêu dùng nhận thức và lựa chọn sản phẩm an toàn, trả giá bán khác biệt so với giá nông sản bình thường, tạo động lực cho nông dân duy trì việc sản xuất an toàn.