Sau hơn một thập kỷ thử sức với việc dỡ bỏ các chuồng lợn ở trang trại của mình tại Yorkshire, Vicky Scott mất niềm tin về việc dỡ bỏ chuồng lợn vĩnh viễn.
Việc từ bỏ nuôi nhốt đòi hỏi phải xây dựng một chuồng mới có đủ không gian cho đàn lợn tự do. “Sẽ không có ai trả tiền cho việc xây chuồng mới này. Trong khi họ [các nhà bán lẻ] muốn sản phẩm rẻ như khoai tây chiên, và người tiêu dùng muốn thịt rẻ”, Vicky bức xúc.
Vương quốc Anh và EU dự kiến sẽ cấm tất cả các hình thức nuôi nhốt trong chăn nuôi lợn.
Vào tháng 6, Ủy ban châu Âu xác nhận sẽ đưa ra đề xuất loại bỏ dần việc sử dụng các thùng đẻ, được sử dụng để nhốt lợn nái trước và sau khi sinh, vào cuối năm 2023. Vương quốc Anh - và chính Thủ tướng Boris Johnson - cũng nói rõ rằng mục tiêu dài hạn của Anh là làm như vậy.
Tuy nhiên, cũng như việc hạn chế các hành vi và vận động tự nhiên của heo nái, bao gồm cả việc làm ổ và tiếp xúc với heo con, cũng có bằng chứng cho thấy rằng các lồng làm tăng nguy cơ thai chết lưu.
Chuyên gia về lợn Emma Baxter từ Trường Cao đẳng Nông thôn Scotland cho biết: Có thể kiểm soát tỷ lệ tử vong ở lợn con. Các hệ thống nuôi lợn ngoài trời luôn có tỷ lệ tử vong trung bình ở lợn con tương tự như nuôi nhốt lợn trong nhà.
Đồng quan điểm, Jeremy Marchant-Forde, một nhà khoa học nghiên cứu về động vật của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cho biết: “Việc nuôi lợn nái trong nhà mà không có chuồng là hoàn toàn khả thi, nhưng thường đòi hỏi nhiều không gian hơn cho mỗi con lợn nái, do đó, điều đó có liên quan đến chi phí. Lựa chọn mới cũng đòi hỏi có kỹ năng chăn nuôi tốt hơn và chọn loại lợn nái phù hợp - tức là những đặc điểm hợp lý trong kích cỡ của mẹ và số lượng lợn con trong mỗi lứa".
Tuy nhiên, xu hướng của ngành công nghiệp nuôi lợn luôn hướng tới những lứa có nhiều lợn con hơn có thể khiến việc từ bỏ nuôi nhốt trở nên khó khăn hơn.
“Số lượng lợn cai sữa mỗi lứa tăng lên đều đặn”, ông Marchant-Forde nói. “Ngoài ra, hiện vẫn chưa biết được tác động của việc đẻ không dùng thùng lên tỷ lệ tử vong của lợn con”.
Đối với Scott, lựa chọn khả thi duy nhất để loại bỏ dần việc sử dụng thùng là một nâng cấp tốn kém cho hệ thống nuôi trong nhà. Di chuyển ra ngoài trời là không khả thi, do khí hậu và đất ẩm ướt không thích hợp để nuôi lợn ở Yorkshire.
“Tôi không muốn lợn sinh con ngập đầu gối trong bùn. Không có cách nào để tỷ lệ tử vong [lợn con] của tôi tốt hơn ở ngoài trời. Hệ thống phúc lợi cao hơn đối với tôi là ở trong nhà”, Scott nói.
"Một giải pháp khả thi hơn là hệ thống chuồng đẻ tạm thời, nơi lợn nái chỉ được nhốt trong một ngày trước khi sinh và ba hoặc bốn ngày sau đó", Scott chia sẻ. “Tôi nghĩ đó là cách đi đúng đắn. Lợn [mẹ] vui hơn và lợn con an toàn hơn”.
Baxter tin rằng việc nhốt lợn nái trước khi sinh sẽ gây căng thẳng cho lợn nái vì ảnh hưởng đến hành vi làm ổ theo bản năng.
“Nếu bạn định nhốt nó để bảo vệ lợn con thì bạn nên làm điều đó trong vài ngày đầu sau khi sinh, khi lợn con trải qua giai đoạn dễ bị tổn thương nhất", Baxter phân tích. "Nhưng quá trình này cần được quản lý cẩn thận để giảm bớt sự xáo trộn và gián đoạn hành vi bú sớm quan trọng".
Thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào cho đàn 1.700 con lợn của Scott sẽ là một nỗ lực cực kỳ tốn kém. Và một điều là, theo Scott, các nhà bán lẻ đang từ chối hỗ trợ các nhà sản xuất. Họ nói rằng người tiêu dùng sẽ không trả nhiều hơn cho thịt lợn từ các hệ thống trong nhà.
Không có gì ngạc nhiên khi điều đó khiến các nhà sản xuất như Scott cảnh giác với sự thay đổi, đặc biệt là lo ngại về một đợt "lũ" thịt lợn rẻ hơn của Mỹ được sản xuất theo tiêu chuẩn thấp hơn trong trường hợp có thỏa thuận thương mại tự do giữa Anh và Mỹ.
Nhiều người chăn nuôi lợn còn nhớ chính phủ Anh đã ban hành lệnh cấm sử dụng thùng mang thai vào năm 1999. Ngoài các quy định mới, chính phủ nước này thời điểm đó còn cho phép nhập khẩu thịt lợn rẻ hơn từ Hà Lan, Đan Mạch và Đức, những nơi không có lệnh cấm. Kẹt giữa "gọng kìm", số lượng các nhà chăn nuôi lợn ở Vương quốc Anh khi đó giảm tới một nữa. Và quốc gia này hiện nhập khẩu khoảng 50% lượng thịt lợn.
Các nhóm nông dân nói rằng sự hỗ trợ của chính phủ và các nhà bán lẻ là rất quan trọng đối với việc chuyển đổi khỏi chuồng nuôi nhốt, để bảo vệ chống lại việc nhập khẩu dưới tiêu chuẩn và sự sụp đổ ngành sản xuất thịt lợn trong nước.
“Rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào thời gian quá trình chuyển đổi. Chúng tôi không muốn một cuộc di cư", Zoe Davies, Giám đốc điều hành Hiệp hội lợn Vương quốc Anh cho biết. "Chúng tôi chỉ muốn một quá trình chuyển đổi có quản lý để ngành công nghiệp này không chỉ xuất khẩu ra nước ngoài".
“Sẽ là phúc lợi tốt hơn khi cho lợn nái đứng dậy đi lang thang và tiếp xúc lợn con. Nếu chuỗi cung ứng hỗ trợ quá trình chuyển đổi thì đó là điều khả thi và sẽ thu hút thêm những người mới gia nhập vào ngành cũng như tiếp tục cải thiện quy trình chăn nuôi”, ông kết luận.