Quảng cáo lên mây!
Trong thời gian qua, trên trang web traiphieu.abond.com.vn, abond.com.vn và App Abond của Tập đoàn APEC cùng nhiều website, trang thông tin, mạng xã hội khác đang quảng cáo rầm rộ loại trái phiếu Abond, gồm 2 loại là Abond 01 và Abond 02. Để thu hút nhà đầu tư, APEC Group đưa ra mức lãi suất lên đến 13%/năm, nhận lãi trực tiếp qua thẻ ATM.
Cụ thể, đối với trái phiếu Abond 01, lãi suất cố định là 13%/năm, kỳ hạn 3 năm, không bán lại trước kỳ hạn. Trái phiếu Abond 02 có lãi suất cố định 12,5%/năm, đặc biệt, trái chủ có thể bán lại trái phiếu trước kỳ hạn với mỗi mức lãi suất khác nhau được tính theo 3 tháng/kỳ. Cả 2 loại trái phiếu này đều trả lãi suất định kỳ 3 tháng/lần.
Lô trái phiếu phát hành lần này tiếp tục được quảng cáo là rủi ro thấp (Bảo lãnh thanh toán gốc & lãi bởi CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam), có tính thanh khoản cao (Trả lãi 3 tháng/lần và rút gốc sau 12 tháng nắm giữ), thủ tục nhanh gọn. Đáng chú ý, nhiều website, trang thông tin về tài chính cũng hiển thị banner quảng bá cho đợt phát hành trái phiếu này. Các quảng cáo này cũng nhấn mạnh chỉ cần mua trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng là đã có thể phát sinh giao dịch.
Đặc biệt, việc giao dịch trái phiếu và quản lý danh mục đầu tư hoàn toàn trực tuyến dựa trên nền tảng ứng dụng Abond, một ứng dụng Fintech do APEC FINANCE quản lý. Ngoài sở hữu nền tảng công nghệ hiện đại, Abond cũng được hậu thuẫn bởi các định chế tài chính lớn gồm ngân hàng, công ty chứng khoán, chính vì vậy kể từ khi ra mắt, nền tảng fintech này đã thu hút được một lượng lớn Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 163/2018/NĐ-CP, Nghị định 153/2020 đều yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet để công bố thông tin chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo, mời chào.
Trái phiếu không có tài sản đảm bảo?
Được biết, ngày 29/12/2021, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn APEC Group đã ban hành Nghị quyết số 22/2021/AG/NQ-HĐQT quyết định việc thông qua phát hành các mã trái phiếu APGCH2124013, APGCH2124014 riêng lẻ thành nhiều đợt, không chuyển đổi và không tài sản đảm bảo.
Theo phương án phát hành của APEC Group, mã trái phiếu trên dự kiến phát hành vào ngày 30/12/2021. Ngoài ra, tại điều khoản về giao dịch trái phiếu trong phương án phát hành, APEC Group cam kết trái phiếu chỉ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp theo quy định tại Luật chứng khoán 2019 và Nghị định 153/2020 NĐ-CP.
Trong khi đó, thời gian phát hành trái phiếu tại ứng dụng Abond có sự chênh lệch với phương án phát hành. Theo đó, các loại trái phiếu mã APGCH2124013, APGCH2124013-ANP, APGCH2124014, APGCH2124014-ANP, theo thông tin trên ứng dụng Abond thì phải đến ngày 4/4/2022 mới phát hành, thế nhưng các nhà đầu tư đã có thể đặt lệnh mua từ trước trên App. Theo số liệu trên ứng dụng Abond, tính đến chiều ngày 8/3/2022, các mã trái phiếu APGCH2124014, APGCH2124014-ANP, APGCH2124013, APGCH2124013-ANP đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tham gia.
Lại bán chui
Theo quy định tại Điều 4, khoản 7 của Nghị định 153/2020/NĐ-CP định nghĩa về Tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu gồm: “Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc tổ chức là thành viên lưu ký của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện dịch vụ đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp”. Mã trái phiếu APGCH2124013, APGCH2124014 dự kiến được phát hành vào ngày 30/12/2021, quy định tại “Bản công bố thông tin trái phiếu theo phương thức riêng lẻ”. Tuy nhiên khi kiểm tra thông tin các mã trái phiếu trên tại Trung tâm lưu ký chứng khoán thì không hiển thị kết quả.
Như vậy việc mã trái phiếu APGCH2124013, APGCH2124014 không được đăng ký, lưu trữ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam hoặc bất kể một tổ chức thuộc Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đã vi phạm Điều 15, khoản 1, điểm b và khoản 2 của Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Trước đó, như Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, ngày 5/11/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra Quyết định số 806 về việc xử phạt hành chính Công ty cổ phần Đầu tư BG Group (tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group) với số tiền 90.000.000 đồng.
Lý do là bởi, công ty này đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch (Công ty cổ phần Đầu tư BG Group, tổ chức có liên quan của ông Nguyễn Hoàng Linh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) đã thực hiện giao dịch mua 1.660.300 cổ phiếu IDJ từ ngày 26/7/2019 đến ngày 15/8/2019 nhưng không báo cáo Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc dự kiến giao dịch).
Mới đây nhất, ngày 6/12/2021, Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước cũng đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group và buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán về hành vi chào bán trái phiếu qua phương tiện thông tin đại chúng, không đăng ký.
Theo đó, APEC Group bị phạt 600 triệu đồng do có hành vi: Chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Group đã phát hành ra công chúng và các nhà đầu tư lô trái phiếu Happybond.H.20.25.001 với trị giá 8,1 tỉ đồng trong năm 2020 với giá trị 8,1 tỷ đồng và 16 lô trái phiếu khác trong đó có lô trái phiếu Abond.AG.H.21.24.001 với tổng giá trị 499.707 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 18/1 - 6/8/2021 thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN theo quy định.
Theo bảng tóm tắt thông tin về đợt phát hành trái phiếu, này lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ, là loại trái phiếu không chuyển đổi và không nêu tài sản đảm bảo. Đây là điều hết sức rủi ro đối với các nhà đầu tư.
Bởi, trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, đối với trái phiếu cần được bảo đảm bằng tài sản, khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý để thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm của trái phiếu theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Điều này được quy định tại Điều 17, khoản 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Ngoài ra, bảng lãi suất do doanh nghiệp này cung cấp thì trái phiếu kỳ hạn 24 tháng là 11%/năm, 36 tháng có lãi suất lên tới 12%/năm. Với trái phiếu có lãi suất 12%/năm, nhà đầu tư không được bán trước hạn.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành mà cụ thể là Nghị định 153/2020/NĐ-CP, nguyên tắc phát hành sử dụng vốn trái phiếu, doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
Trong năm 2021, Bộ Tài chính đã nhiều lần khuyến cáo các nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Đặc biệt, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.