| Hotline: 0983.970.780

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

Thứ Tư 27/03/2024 , 08:45 (GMT+7)

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Ông Hoàng Quang Tuấn ở Phùng Hưng (Khoái Châu, Hưng Yên) vốn rất nổi tiếng với nhiều cách làm độc lạ, bắt cây trồng, vật nuôi cho năng suất và hiệu quả sản xuất tăng cao vượt trội khác thường. Gần đây, ông Tuấn lại xuất chiêu "cải lão hoàn đồng"cho hàng trăm cây bưởi già cỗi bỏ đi thành những cây trẻ khoẻ cho quả sai lúc lỉu, ngọt thơm hơn rất đáng kể, luôn bán được giá cao gấp 2 - 3 lần các trái bưởi bán ngoài thị trường cùng thời điểm.

Cây bưởi già cỗi sau khi được 'cải lão hoàn đồng' như thế này năm sau sẽ sai trĩu quả. Ảnh: Hải Tiến.

Cây bưởi già cỗi sau khi được "cải lão hoàn đồng" như thế này năm sau sẽ sai trĩu quả. Ảnh: Hải Tiến.

Hễ nghe thấy nhà nào có cây bưởi già cỗi muốn chặt đi, ông Tuấn lại đến mua với giá dọn vườn, sau đó thuê người cắt bớt cành, rễ, bứng lấy gốc và tán cây mang về trồng giâm cho hồi phục rồi chọn những mắt giống bưởi ngon, sạch bệnh ghép lên các thân cành.

Chỉ sau ghép mắt giống chừng 2 năm, các cây bưởi già cỗi này sẽ sinh trưởng, phát triển khoẻ, cho khai thác kinh doanh, năng suất, chất lượng quả rất cao. Trong khi đó nếu trồng bưởi từ cây giống 1 năm tuổi, phải 5 năm mới ra quả và cần thêm 7 - 8 năm nữa ăn quả mới ngon. Rêng những cây bưởi già cỗi của ông Tuấn chỉ cần trồng 24 tháng (2 năm) đã cho quả ngon ngọt thuần thục.

Cách làm của ông Tuấn được coi là có căn cứ khoa học, vì việc xén bớt cành lá và cắt bỏ một phần rễ các cây ăn quả có múi đồng nghĩa với việc giúp cây trồng trẻ hoá tuổi sinh lý, lấy lại "phong độ" sinh sản, sai hoa, trĩu quả không khác những cây bưởi tơ.

Để có được khả năng này, ông Tuấn phải chọn mua cây bưởi trên 10 năm tuổi, cắt bỏ ngọn, hạ thấp chiều cao cây xuống ngang tầm tay với và tỉa bỏ bớt cành, chỉ để lại các cành cấp 4 cùng 5% số lá khoẻ, sạch sâu bệnh trên cây. Đồng thời tuỳ theo độ lớn mỗi thân cây để đào lấy bầu rễ có đường kính rộng 70 - 90cm. Sau dùng thuốc bảo vệ thực vật kháng khuẩn, phun/xịt vào vết cắt để phòng nấm bệnh và tuyến trùng xâm hại qua các vết thương cơ giới rồi lên líp hoặc đắp nấm trồng bưởi, mật độ trồng 400 cây/ha, khoảng cách 5 x 5m/cây.

Cành giống bưởi tốt được ghép nêm lên cây, sau 3 tháng đã sinh trưởng tốt. Ảnh: Hải Tiến.

Cành giống bưởi tốt được ghép nêm lên cây, sau 3 tháng đã sinh trưởng tốt. Ảnh: Hải Tiến.

Về bón phân/gốc: Bón lót trước trồng 40 - 50kg phân hữu cơ hoai mục, 1,5 - 2kg lân Văn Điển; bón thúc năm đầu 0,1kg NPK (13-13-13+TE)/tháng, kết hợp ngâm hạt đỗ tương với phế phẩm động vật và chế phẩm vi sinh khử hôi, chắt lấy dung dịch pha loãng với nước sạch tưới gốc định kỳ 15 ngày/lần. Khi cây bưởi hồi phục, tưới thêm thuốc kích rễ giúp cây tăng khả năng hút dinh dưỡng trong đất, tăng tốc độ sinh trưởng.

Khi vườn bưởi phát triển ổn định (khoảng 3 tháng sau trồng), tiến hành cắt bỏ nốt ngọn các cành cấp 4 và ghép mắt bưởi giống lên đầu các vết vừa cắt, mỗi cây ghép khoảng 35 - 40 mắt giống chia đều cho 4 hướng tán cây. Yêu cầu áp dụng kỹ thuật ghép đoạn cành, còn gọi là ghép khúc, ghép nêm. Trong đó mỗi khúc cành giống chứa từ 5 - 7 mắt bưởi giống tốt (không ghép mắt nhỏ có gỗ như trong sản xuất giống cây ăn quả có múi cho kinh doanh), mục đích giúp cây bưởi sinh nhiều mầm giống, tạo nhanh tán cây, nhanh cho quả cao sản.

Trong quá trình cành giống phát triển, cần phun bổ sung thuốc kích lộc, giữ lộc (có bán trên thị trường) và theo dõi ngắt bỏ triệt để, kịp thời những mầm dại phát sinh ngoài các mắt giống.

Theo ông Tuấn, để cây bưởi luôn sai hoa, nhiều quả, phải dừng tưới nước vào tháng 11 - 12 (âm lịch) hàng năm và xới đều vùng đất dưới tán cây nhằm cắt đứt một phần rễ tơ của cây, kích thích bưởi phân hoá mầm hoa, kết hợp với bón vôi bột và phân hữu cơ hoai mục rồi vét đất dưới rãnh luống phủ kín phân.

Chú ý theo dõi dự báo thời tiết mùa đông trong năm, nếu tháng 11 và 12 (âm lịch) thấy trời ấm nóng hoặc mưa nhiều hơn thường kỳ thì phải phun chế phẩm "ủ mầm hoa" thúc cho cây phân hoá mầm hoa, tránh mất mùa. Khi cây bưởi vừa tắt hoa, lộ quả non nếu gặp phải mưa axit phải dùng vòi nước phun rửa sạch các giọt mưa dính đọng trên tán cây, giúp hạn chế rụng quả.

Vườn bưởi của ông Tuấn trồng từ những cây giống hơn 10 năm tuổi đã già cỗi. cho quả sai trĩu, chất lượng rất thơm ngon, luôn bán được giá rất cao. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn bưởi của ông Tuấn trồng từ những cây giống hơn 10 năm tuổi đã già cỗi. cho quả sai trĩu, chất lượng rất thơm ngon, luôn bán được giá rất cao. Ảnh: Hải Tiến.

Về chăm sóc cây từ sau trồng năm thứ 3: Bón phân NPK chuyên dùng cho cây ăn quả, liều lượng theo khuyến cáo ghi trên bao gói của nhà sản xuất nhưng phải tuỳ tình hình sinh trưởng và sản lượng quả lấy đi trên cây năm trước để điều chỉnh lượng phân hoá học cho phù hợp. Trong đó tro bếp, vôi bột, phân hữu cơ chỉ bón 1 lần vào tháng 12 âm lịch; bột đậu tương bón 4 lần, mỗi lần bón 05kg/gốc vào các thời điểm sau thu hoạch, thúc hoa, dưỡng quả ngay sau dừng rụng quả sinh lý và bón nuôi quả khoảng tháng 8; kali bón trước thu hoạch 45 ngày (0,15kg/gốc).

Kinh nghiệm trồng bưởi nhiều năm của ông Tuân cho thấy, sâu bệnh trên cây bưởi nguy hiểm nhất là ruồi vàng đục quả, tốt nhất nên bao quả bằng túi chuyên dùng, nhưng chỉ bao quả vào mùa nóng ẩm (tháng 3 - 9) khi ruồi vàng thường phát sinh gây hại nặng nhất, các tháng còn lại trời khô mát, mật độ ruồi vàng giảm căn bản nên tháo túi bao trái để vỏ quả quang hợp, tăng chất lượng và mẫu mã sản phẩm.

Nói về lý do chỉ bón vôi cho vườn bưởi 1 lần, ông Tuấn phân tích: Vào tháng 12 (âm lịch) thời tiết thường hanh khô, côn trùng có ích như giun, dế và vi sinh vật có ích ít không sinh sôi nảy nở, vì vậy bón vôi vào lúc này là hợp lý. Các tháng khác trời ấm, đất vườn ẩm thuận lợi cho các loài này hình thành, hoạt động mạnh, giúp đất đai màu mỡ, tơi xốp, rễ cây hút được nhiều dinh dưỡng, phát triến nhanh, nếu bón vôi sẽ làm chết hoặc giảm mật độ giun dế và vi sinh vật có ích trong đất, giảm khả năng sinh trưởng của cây trồng,... 

Bằng những cách đã nêu, ông Tuấn đã mua và trồng "cải lão hoàn đồng" thành công được 500 gốc bưởi Diễn, bưởi Hoàng và bưởi đỏ Hoà Bình. Trong đó có 300 cây đang cho quả, sản lượng đạt 35.000 quả, doanh thu 525 triệu đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm. Kế hoạch trong năm nay, ông Tuấn sẽ tiếp tục mở rộng trồng thêm 100 gốc bưởi các loại.

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.