| Hotline: 0983.970.780

'Đại án' Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Kẻ bật khóc, người bình thản

Thứ Năm 19/09/2024 , 21:50 (GMT+7)

Bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm bị cáo buộc phạm các tội 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản', 'rửa tiền' và 'vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới'.

Ngày 19/9, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử giai đoạn 2 “đại án” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan. Vụ án được cơ quan tố tụng xác định có 35.824 bị hại và 534 tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Nhiều bị cáo khóc nức nở tại tòa

Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, các bị cáo phạm tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc phạm cả 3 tội danh trên.

Trong buổi sáng, khi HĐXX hỏi về nhân thân, bà Lan khai, tại phiên xét xử sơ thẩm trước đó (từ ngày 5/3 đến 11/4 tại TAND TP.HCM), bà "bị quy buộc" 3 tội danh: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ. 

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên toà ngày 19/9/2024. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên toà ngày 19/9/2024. Ảnh: HT.

Tương tự như phiên xét xử trước đó, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan, bị cáo buộc tội "Rửa tiền"), tiếp tục được hỗ trợ bởi phiên dịch viên tiếng Anh để đảm bảo ông có thể hiểu và tham gia vào quá trình xét hỏi.

Trong phiên xét xử, cả ông Chu Lập Cơ và Trương Huệ Vân (bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản), cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan, đều giữ thái độ bình tĩnh, không bộc lộ nhiều cảm xúc trước những câu hỏi của HĐXX.

Trong khi đó, các bị cáo Thái Thị Thanh Thảo (cựu giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale thuộc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn; bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"), bị cáo Tô Thị Anh Đào (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát; bị cáo buộc tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới") đã không giữ được bình tĩnh, bật khóc khi HĐXX thẩm vấn, khiến Chủ toạ phiên toà phải nhiều lần nhắc nhở. 

Bị cáo Chu Lập Cơ. Ảnh: HT.

Bị cáo Chu Lập Cơ. Ảnh: HT.

Theo cáo trạng, bị cáo Thái Thị Thanh Thảo đã chỉ đạo Trần Thị Thuý Ái (cựu kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn) và các giao dịch viên Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn đi lệnh nộp/chuyển/rút tiền trong dòng tiền khống để tạo lập trái phiếu do các Công ty An Đông và Sunny World giúp Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu của Công ty An Đông và Sunny World chiếm đoạt số tiền hơn 26.500 tỉ đồng của 30.744 bị hại.

Bị cáo Tô Thị Anh Đào bị cáo buộc là người quản lý Công ty Helios để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam và chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hợp đồng vay nợ "khống" giữa Công ty Helios với Công ty ở nước ngoài. Theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Tô Thị Anh Đào thực hiện các thủ tục khống để Công ty Helios nhận từ nước ngoài về 40 triệu USD, đồng thời chuyển đi nước ngoài 40 triệu USD. 

Ngoài ra, khi kế toán trưởng Công ty VIPD (Công ty CP Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam) đã ký 2 ủy nhiệm chi chuyển số tiền 445.133 tỷ đồng từ Công ty VIPD đến Công ty Blue Pearl để Công ty Blue Pearl chuyển thành 19,6 triệu USD chuyển ra nước ngoài cho Công ty Leader Vission. VKSND Tối cao cáo buộc hành vi của Tô Thị Anh Đào đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép hơn 99 triệu USD qua biên giới. 

Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: HT.

Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: HT.

Đề nghị triệu tập đại diện Cục phòng, chống rửa tiền đến tòa 

Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Lan) đề nghị HĐXX triệu tập bổ sung 3 đơn vị là Cục phòng chống rửa tiền (thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), Cục quản lý ngoại hối và Ủy ban chứng khoán Nhà nước. 

Theo HĐXX, tòa đã triệu tập đại diện 3 cơ quan này để tham gia phiên xét xử, song đại diện các cơ quan này không có mặt. Trong những ngày làm việc tiếp theo, nếu cần thiết HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập.

Bị cáo Trương Mỹ Lan là một trong bốn bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về cả ba tội. Theo đó, trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trương Mỹ Lan đã họp với các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB để chọn và sử dụng bốn công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với mục đích để tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ.

Phiên tòa 'đại án' Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 do Thẩm phán Nguyễn Thị Hà làm Chủ tọa. Ảnh: HT.

Phiên tòa “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 do Thẩm phán Nguyễn Thị Hà làm Chủ tọa. Ảnh: HT.

Theo đó, từ năm 2018 đến 2020, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo phát hành hơn 308 triệu trái phiếu "khống" thông qua các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, với tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng. Số tiền huy động từ 35.824 nhà đầu tư không được sử dụng đúng mục đích mà chuyển sang các mục tiêu khác, khiến các công ty này không thể thanh toán nợ trái phiếu. 

Từ năm 2018 đến 2022, bà Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỷ đồng qua nhiều hành vi gian lận và phát hành trái phiếu bất hợp pháp. Bà Lan cũng chỉ đạo việc rút và chuyển tiền ra khỏi Ngân hàng SCB, sử dụng các hợp đồng "khống" để che giấu tài sản phi pháp và chuyển khoảng 4,5 tỷ USD (hơn 106.000 tỉ đồng) ra nước ngoài.

Ở tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cơ quan tố tụng cũng xác định được trong khoảng thời gian từ năm 2012-2020, 23 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam trái quy định với tổng số tiền là 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106.000 tỉ đồng. Trong đó, tiền chuyển ra nước ngoài là 1,5 tỉ USD, tiền nhận từ nước ngoài là 3 tỉ USD.

Đại diện VKS tham gia tranh tụng tại tòa. Ảnh: HT.

Đại diện VKS tham gia tranh tụng tại tòa. Ảnh: HT.

Ở tội rửa tiền, 445.000 tỷ đồng là số tiền được Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm dùng nhiều phương thức để cắt đứt dòng tiền do phạm tội mà có. Trong đó, hơn 415.000 tỉ đồng là từ "rút ruột" SCB và 30.000 tỉ đồng là lừa đảo chiếm đoạt của nhà đầu tư thông qua phát hành trái phiếu.

Tại giai đoạn 1 của vụ án, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức tử hình cho ba tội danh gồm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tham ô tài sản và đưa hối lộ. 85 bị cáo còn lại, từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân. HĐXX còn buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho Ngân hàng SCB hơn 673.800 tỉ đồng. Bị cáo Trương Mỹ Lan đã kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án giai đoạn 1. 

Đến giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan và 10 bị cáo tại giai đoạn 1 tiếp tục bị VKSND Tối cao cáo buộc các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Phiên tòa “đại án” Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 do Thẩm phán Nguyễn Thị Hà làm Chủ tọa, cùng với thẩm phán Vũ Hoài Nam và 3 hội thẩm nhân dân. Ngoài ra, phiên tòa có sự tham gia của 2 thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Văn Hà và ông Phạm Viết Hùng.

Đại diện VKSND TP.HCM gồm có ông Vũ Tất Ba, ông Đào Lê Văn, ông Nguyễn Hồng Hiệp, bà Bùi Thanh Hằng và bà Lê Trương Hà Linh. Kiểm sát viên dự khuyết của phiên tòa là ông Nguyễn Việt Dũng. 

Để chuẩn bị cho phiên xét xử, TAND TP.HCM đã bố trí thêm gần 1.000 chỗ ngồi tại khu vực sân tòa án. Hình ảnh, diễn biến phiên tòa được truyền trực tiếp từ trong phòng xử án ra ngoài qua màn hình LED cỡ lớn.

Dự kiến, phiên tòa kéo dài trong 1 tháng.

Xem thêm
Người dân chặn xe vào bãi rác An Hiệp vì ô nhiễm môi trường

Hiện có 5 xe chở rác phải xếp hàng trên đường vào bãi rác An Hiệp để đợi cơ quan chức năng xử lý.

Bắt khẩn cấp tài xế xe 7 chỗ gây tai nạn

Lâm Đồng Tối ngày 1/9, Công an thành phố Bảo Lộc ra quyết định bắt khẩn cấp một tài xế vì hành vi Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.