Trại phong Quả Cảm hiện là nơi sinh sống của hơn 50 bệnh nhân cùng người thân và các cán bộ quản lý. Đây cũng là nơi sinh sống của nữ y tá Nguyễn Thị Xuân (74 tuổi) - người đàn bà gắn bó lâu năm nhất ở trại phong và là niềm tin cho các bệnh nhân.
Cái duyên với “hủi”
Xuất thân trong một gia đình công giáo, bố mẹ mất sớm, bà Xuân một mình nuôi bốn người em. Hơn ai hết, người phụ nữ này thấu hiểu sự mất mát, cô đơn của những người có hoàn cảnh giống bản thân. Đó là nỗi sợ thường trực, sự ám ảnh của bất kỳ bệnh nhân mắc bệnh phong nào.
Năm 1976, lần đầu tiên bà đọc cuốn tự thuật về cậu thanh niên người Pháp giúp xây dựng trại phong Di Linh, tìm kiếm những bệnh nhân mắc bệnh phong để điều trị. Bà Xuân nghĩ: “Anh ta là người Pháp mà còn làm được như vậy. Mình là phụ nữ người Việt, mình phải làm gì cho người Việt Nam…”.
Sau khi được truyền cảm hứng từ câu chuyện đó, bà Xuân tìm hiểu về căn bệnh quái ác này. Là giáo viên mầm non được phong tặng danh hiệu Giáo viên dạy giỏi chỉ sau 1 năm làm nghề, tất cả những ngày cuối tuần, bà tranh thủ đến các trại phong để trò chuyện với các bệnh nhân mắc bệnh phong. "Có hôm 1 - 2h sáng đã đi, đến 2 - 3h sáng hôm sau mới về…”, bà Xuân nói thêm.
Sau khi được giới thiệu về trại phong Quả Cảm, bà Xuân có đến hỏi thăm một bệnh nhân cùng làng với một người bạn. Và cũng chính nơi đây khiến bà đưa ra quyết định bỏ nghề giáo để đồng hành cùng những bệnh nhân.
Bà Xuân bộc bạch: “Một chủ nhật năm 1987 tôi lên trại Quả Cảm, thấy có ông cụ 84 tuổi nằm ở góc phòng. Nhà thì dột, chỉ có mấy tấm ván ghép vào thôi. Ông nằm, ông ốm lắm rồi. Ông cụ ước gặp lại con, rồi ông muốn điều này điều kia nhưng tôi bất lực, chẳng có gì để giúp ông…”.
Khi quay lại trại phong vào Chủ nhật ngay sau đó, được tin ông cụ đã mất và được chôn cất ở trên núi. Bà Xuân lên núi ngay, tuy nhiên chỉ thấy một vài bệnh nhân tàn tật đang giúp lo liệu cho ông cụ. Không có một tiếng khóc, không có một vành khăn. Bà Xuân lặng người đi. Sau khi chứng kiến nỗi khổ của các bệnh nhân, bà đã quyết định bỏ nghề dạy mẫu giáo để gắn bó với trại “hủi”
Tuy nhiên, quyết định này của bà Xuân vấp phải sự phản đối gay gắt của những người em, của ông và của người làng. Bà kể: “Các em tôi khóc lắm, họ bảo: ‘Chị lo cho chúng em như thế này mà bây giờ chị lại lên trại hủi để ở, người ta nói chúng em bạc bẽo, không quan tâm’. Ông tôi cũng gàn: ‘Cả họ thương con chứ có ghét bỏ gì con đâu mà con lại lên trại hủi ở?’. Những người thân khác thì nói tôi bị thần kinh, bị điên…”.
Khi đó, việc chuyển lên trại phong ở và chăm sóc bệnh nhân là nguyện vọng lớn nhất khi đó của bà Xuân. Thời gian đầu, công việc chính của bà là cõng các cụ đi khám bệnh, chăm sóc, hỗ trợ các cụ. Một thời gian sau, bà Xuân được các bác sĩ khuyên đi học, lấy bằng y tá. Sau đó, bà tham gia lớp học điều trị và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân phong tại Quy Hòa.
Sau đó, bà về công tác tại trại phong Quả Cảm 25 năm chính thức và 12 năm sau hưu. Giờ đây, khi đã nghỉ hưu thực sự, bà Xuân vẫn được lãnh đạo cho phép hoạt động tại trại phong như thời gian chưa nghỉ. Điểm khác là bà không còn bị gò bó về thời gian làm việc cũng như các chế độ lương thưởng nữa.
Thương nặng hơn sợ
Thời gian đầu khi mới tiếp xúc với bệnh nhân phong, bà Xuân cũng mang trong mình nỗi sợ thường trực. Tuy nhiên, vì “thương nặng hơn sợ” mà bà gắn bó, cống hiến với nơi này. Bà Xuân nói: “Khi tôi rời trại trở về nhà, mọi người con sợ cả tôi. Ai cũng gọi tôi là Xuân 'hủi'. Người ta cũng né y tá của trại chứ không phải chỉ né mỗi bệnh nhân… Lúc đó, trại đông, nhà cửa dột nát, quần áo ít, hôi và bẩn lắm”.
Ngày xưa, một trong số “tứ chứng nan y” không được gọi là "phong”, mà mọi người thường gọi là "hủi". Khi đưa các bệnh nhân đi đâu, mọi người thường nói: “Hủi mẹ lại dẫn một lũ hủi con đi”. Nhiều lần bà Xuân dẫn một số bệnh nhân ra ngoài để đỡ cảm thấy tủi thân. Có những bệnh nhân đã 54 năm kể từ khi vào trại mới dám đi ra ngoài.
Hàng ngày, bà luôn bận rộn với công việc phục vụ và giúp đỡ bệnh nhân, từ việc lau nhà, giặt giũ quần áo cho đến tắm rửa, thậm chí khi bệnh nhân sinh con bà cũng có mặt... Mọi công việc đều không tên, người này cần cái này, người kia cần cái khác, sau đó là quét dọn, làm dép, tay chân giả, sửa chân giả... Việc này nối tiếp việc kia từ sáng tới tối khuya.
Thời điểm đó, con đường vào trại vẫn còn là đường đất chứ chưa cứng hóa bê tông như bây giờ. Thấy các cụ gặp khó khăn khi di chuyển, bà còn tự nguyện cõng các cụ đi khám bệnh mặc dù có thời điểm số bệnh nhân ở trại là hơn 300 người.
Bà Xuân nói: Chữ hiếu thì tôi cũng đã lo mồ mả cho bố mẹ xong, dựng gia đình cho các em xong nên không còn gì vướng bận nữa. Tôi không lập gia đình.
“Bà mối” của những mảnh đời bị lãng quên
Không chỉ gắn bó với trại phong Quả Cảm, bà Xuân còn đi nhiều nơi, giúp đỡ nhiều bệnh nhân phong ở các địa phương khác. Gần 40 năm hoạt động, “bà mối” đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh, hơn 200 ngôi nhà đã được xây, tạo dựng lại kinh tế để các bệnh nhân có thể hòa nhập lại với cộng đồng, bắt đầu cuộc sống bình thường mới.
Thậm chí trong quá trình giúp đỡ những bệnh nhân phong xây nhà bà đã giúp một số hoàn cảnh tìm lại được người thân thất lạc. Bà Lý Thị May và ông Lý Văn Hoa là 2 chị em mắc bệnh phong, bố mẹ mất sớm, chị em thất lạc nhau.
Sau khi bà Xuân giúp ông Hoa xây nhà, bà lại tiếp tục giúp bà May xây nhà. Bà Xuân kể câu chuyện về ông Hoa cho người chị gái. Sau đó, nhờ có “bà mối” mà hai chị em bà Hoa, May đã gặp lại nhau sau hơn 12 năm thất lạc.
Bà Xuân hỗ trợ, giúp các bệnh nhân mắc bệnh phong trên 13 tỉnh thành xây nhà, tạo dựng lại kinh tế. Bản thân bà Xuân là người kết nối. Bà tìm những mảnh đời bất hạnh và kết nối họ với những mạnh thường quân.
“Tôi cũng chẳng có vốn đâu, nhưng tôi biết ai cần, ai có, tôi là trung gian đưa người có tiền đến với người cần…”. Thời gian đầu, bà phải tự huy động vốn để có thể giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Sau này, bà Xuân kết nối “người cần” với “người có” nhiều hơn là huy động vốn.
Cũng nhờ có bà Xuân mà những bệnh nhân này được tiếp thêm thêm hy vọng vào cuộc sống, từ đó sống hạnh phúc phần đời còn lại sau khi không còn bị kỳ thị, hắt hủi.
Đôi lúc, những người được bà Xuân giúp nhận ra “ân nhân” trong các chuyến công tác. Thậm chí, có nhiều người biết ơn bà tới mức đặt luôn tên cửa hàng là tên bà cùng với tên của bản thân. Bà Xuân kể: “Hồi xưa có giúp một anh bị phong, cụt một chân xây được nhà. Sau này, họ đặt luôn tên cửa hàng sửa xe là Xuân Sỹ. Xuân là tên tôi, Sỹ là tên anh…”.
Những sự ghi nhận của bệnh nhân hay thậm chí là người nhà bệnh nhân cũng làm cho bà Xuân cảm thấy vui vì công sức của mình được ghi nhận. Bà Xuân làm những công việc này không phải vì muốn được ghi nhận, muốn được vinh danh mà bởi bà cảm thấy đó là việc nên làm. Tuy nhiên khi nhận được sự ghi nhận của nhà nước, của chính quyền hay chỉ đơn giản là của bệnh nhân, bà Xuân cũng cảm thấy an lòng.
Đến thời điểm hiện tại, bà Xuân không còn nuối tiếc điều gì bởi những trường hợp được kết nối với bà, bà đều đã giúp đỡ hết sức trong khả năng.