| Hotline: 0983.970.780

Những dự án 'bánh vẽ' ngàn tỷ ở Bắc Kạn: [Bài 3] Đóng cửa nhà máy, xuất bán quặng thô?

Thứ Năm 12/05/2022 , 11:15 (GMT+7)

Doanh nghiệp đầu tư một loạt nhà máy chế biến sâu quặng sắt và được Bắc Kạn cấp mỏ, trị giá cả ngàn tỷ, nhưng đến nay lại đóng cửa không hoạt động.

Vung tiền đầu tư

Doanh nghiệp được nói đến là Công ty Cổ phần vật tư và Thiết bị toàn bộ (tên gọi tắt Matexim), có địa chỉ tại đường Phạm Văn Đồng, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Đây là công ty con của Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – Công ty Cổ phần (VEAM), thuộc Bộ Công thương.

Matexim thực hiện 3 dự án lớn tại tỉnh Bắc Kạn là: Dự án Nhà máy chế biến quặng sắt mỏ Bản Cuôn 1 (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn), Dự án đầu tư khai thác quặng sắt khu vực Bản Quân (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn) và Dự án Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn 100.000 tấn/năm (tại Khu công nghiệp Thanh Bình của tỉnh Bắc Kạn).

Nhà máy sắt xốp tại KCN Thanh Bình, một trong 3 dự án khủng của Matexim đầu tư tại Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhà máy sắt xốp tại KCN Thanh Bình, một trong 3 dự án khủng của Matexim đầu tư tại Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Về Dự án Nhà máy chế biến quặng sắt mỏ Bản Cuôn 1, được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 1310000014 ngày 24/01/2008, chứng nhận thay đổi lần 01 ngày 01/6/2015; địa điểm tại Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn; công suất chế biến 200.000 tấn tinh quặng/năm; thời hạn thực hiện dự án là 32 năm, tính từ tháng 01/2008 đến tháng 11/2040.

Công ty Matexim được UBND tỉnh Bắc Kạn cho thuê đất tại Quyết định số 585/QĐ-UBND 30/3/2006. Sau đó được gia hạn sử dụng đất tại Quyết định số 1906/QĐ-UBND ngày 23/7/2015.

Trước đó, Công ty Matexim được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ sắt Bản Cuôn 1, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn tại Giấy phép số 685/GP-UBND ngày 11/4/2006 và gia hạn tại Giấy phép số 2833/GP-UBND ngày 27/12/2010, thời hạn đến tháng 01/2015. Sau khi giấy phép khai thác hết hạn, Matexim đã thực hiện công tác đóng cửa mỏ để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hiện nay toàn bộ khu vực mỏ đã bàn giao cho địa phương quản lý.

Về Dự án đầu tư khai thác quặng sắt khu vực Bản Quân (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn ), được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 13011000037 ngày 13/5/2011; Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác số 1127/GP-BTNMT ngày 13/6/2011; trữ lượng 3.583.498 tấn, thời gian khai thác 28 năm; công suất khai thác từ năm thứ 01 đến năm thứ 10 là 100.000 tấn/năm, từ năm 11 đến năm thứ 28 là 150.000 tấn/năm. Dự án khai thác phục vụ chủ yếu cho Dự án Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn.

Dự án Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn 100.000 tấn/năm (tại KCN Thanh Bình), được Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Kạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 132210000002 ngày 14/8/2009. Sau đó đến ngày 20/7/2010, được điều chỉnh tên Dự án thành Nhà máy luyện kim phi cốc và thời hạn thực hiện dự án là 30 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Đơn vị này đã được UBND tỉnh Bắc Kạn cho thuê đất, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn được Công ty Matexim xây dựng từ năm 2010, đến năm 2013 nhà máy chính thức đi vào hoạt động sản xuất. Riêng chi phí để xây dựng nhà máy sắt xốp lên đến 545 tỷ đồng.

Nhưng bất ngờ đến năm 2016, Matexim đưa ra lý do thị trường tiêu thụ sắt xốp gặp nhiều khó khăn, giá bán sắt xốp giảm mạnh, chi phí sản xuất cao hơn giá bán sản phẩm, vì vậy đã dừng tất cả các hoạt động chính (đã đăng ký ban đầu) tại tỉnh Bắc Kạn từ đó tới nay.

Cổng nhà máy Matexim tại Bắc Kạn dừng hoạt động lâu ngày, phải che chắn tạm bợ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cổng nhà máy Matexim tại Bắc Kạn dừng hoạt động lâu ngày, phải che chắn tạm bợ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Do dự án Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn tạm dừng sản xuất từ năm 2016, theo đó mỏ sắt Bản Quân cũng ngừng sản xuất từ năm 2016. Nhưng đến tháng 7/2019, đơn vị này lại có văn bản xin tỉnh Bắc Kạn sản xuất quặng sắt tại Bản Quân với mục đích bán thương mại ra ngoài. UBND tỉnh Bắc Kạn đã chấp thuận bằng văn bản số 4956/UBND-KTTCKT ngày 04/9/2019 đồng ý cho Công ty Matexim xuất bán tinh quặng cho các đơn vị, nhà máy luyện kim trong nước.

Số liệu do Matexim báo cáo, năm 2020 khối lượng quặng nguyên khai khai thác tại mỏ là 41.199 tấn; đạt khoảng 41,19% so với công suất theo giấy phép khai thác được cấp.

Theo đại diện Sở Công thương Bắc Kạn thông tin, nỗ lực của tỉnh Bắc Kạn là mong muốn Công ty Matexim sẽ khôi phục hoạt động sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và đóng góp cho ngân sách của tỉnh. Sở Công Thương đã chủ động tổng hợp thông tin và tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo giải quyết.

Cỏ dại mọc um tại một nhà máy được đầu tư hơn 500 tỷ đồng của Matexim. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cỏ dại mọc um tại một nhà máy được đầu tư hơn 500 tỷ đồng của Matexim. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nỗ lực giải quyết hậu quả

Sau những văn bản đề nghị của tỉnh Bắc Kạn, ngày 15/02/2019, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương đã có Văn bản số 53/CN-CBCT đề nghị Bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Tổng Công ty máy động lực máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) báo cáo tình hình thực hiện dự án tại tỉnh Bắc Kạn, trường hợp không thể tái hoạt động sản xuất, đề nghị thanh lý dự án, trả lại mặt bằng cho tỉnh Bắc Kạn để thu hút các dự án đầu tư công nghiệp khác.

Năm 2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã nhiều lần chủ trì  họp với Công ty Matexim để đôn đốc khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh mỏ sắt Bản Quân, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn và Nhà máy sắt xốp tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới. Yêu cầu Matexim khẩn trương xây dựng, hoàn thiện phương án khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy sắt xốp tại Khu công nghiệp Thanh Bình để đưa Nhà máy vào hoạt động trong năm 2020.

Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chủ trì làm việc với Công ty Matexim tìm hướng tái hoạt động của các dự án mà đơn vị đã thực hiện. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chủ trì làm việc với Công ty Matexim tìm hướng tái hoạt động của các dự án mà đơn vị đã thực hiện. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngày 11/01/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 26 đề nghị Công ty Matexim báo cáo phương án khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy luyện kim phi cốc tại Khu công nghiệp Thanh Bình theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn.

Sau nhiều nỗ lực của tỉnh Bắc Kạn và chỉ đạo của Bộ Công thương, Công ty Matexim cũng chỉ phản hồi là đã đưa ra được Phương án là tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu đầu tư Nhà máy (trong đó có phương án chuyển đổi công năng, cơ cấu sản xuất sản phẩm của Nhà máy luyện kim phi cốc) và trình Hội đồng quản trị Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM từ ngày 26/11/ 2021. Tuy nhiên, đến nay VEAM chưa phê duyệt nên Công ty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ chưa có nguồn lực để tái cấu trúc nhà máy.

Matexim là đơn vị thành viên của Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam – Công ty Cổ phần (VEAM), thuộc Bộ Công thương. Doanh nghiệp này sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào Bắc Kạn từ năm 2006, đến năm 2016 thì dừng hoạt động.

Đến năm 2017, công ty mẹ là VEAM  mới được cổ phần hóa và tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất vào ngày 18/01/2017.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.