| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kinh tố ‘Mỹ biến sông Mekong thành mặt trận chống Trung Quốc’

Thứ Tư 16/09/2020 , 11:03 (GMT+7)

Giới chức Bắc Kinh cáo buộc Mỹ bơm tiền vào khối ASEAN nhằm gia tăng ảnh hưởng và chính trị hóa vấn đề tài nguyên nước sông Mekong để chống lại Trung Quốc.

Xã luận "đả" ông Mike Pompeo

Tờ Thời báo Hoàn cầu- cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua loan báo, với khoản đầu tư ban đầu 156,4 triệu USD của Washington, cùng với việc tuyên bố khởi động quan hệ đối tác Mekong-Mỹ như một phần không thể thiếu trong "tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" là một mặt trận mới chống lại Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 53 hôm 11/9/2020. Ảnh: NST

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 53 hôm 11/9/2020. Ảnh: NST

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng các nước ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cáo buộc Bắc Kinh đang "ngày càng đe dọa môi trường tự nhiên cũng như quyền tự chủ kinh tế tại khu vực sông Mekong".

Theo giới chuyên gia Trung Quốc, phát biểu của ông Pompeo đã đi quá xa hàm chứa dư âm lớn về ý thức hệ, cho thấy Mỹ đang cố gắng biến lưu vực Mekong thành một chiến trường mới chống lại Trung Quốc, tương tự như vấn đề Biển Đông.

Bài xã luận cũng khơi lại cuộc chiến gay gắt trong khu vực mà chính quyền Mỹ đã khởi động chống lại Trung Quốc suốt từ đầu năm 2020 đến nay khi đưa các tổ chức phi chính phủ các tổ chức tư vấn, các nhà vận động hành lang và giới truyền thông do Mỹ hậu thuẫn đã thổi phồng các vấn đề tài nguyên- môi trường và gây bất hòa giữa các quốc gia, bằng cách làm hoen ố các nỗ lực của Trung Quốc trong khu vực.

Một ví dụ điển hình là dòng tweet của ông Pompeo vào ngày 14/8 đã vu khống Trung Quốc "thao túng dòng chảy một cách không minh bạch", cố tình phớt lờ cam kết dài hạn và nỗ lực chia sẻ dữ liệu của Trung Quốc với các nước liên quan tại lưu vực sông Mekong.

Ngược lại, Bắc Kinh cho rằng, trong suốt 18 năm qua, Trung Quốc đã cung cấp dữ liệu thủy văn miễn phí trên sông Lan Thương hay còn được gọi là sông Mekong cho các quốc gia Đông Nam Á, nhất là trong mùa lũ để hỗ trợ các kế hoạch kiểm soát lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai ở các nước phía hạ nguồn.

“Chính các chuyên gia từ Mỹ, Anh và các nước ở hạ lưu sông Mekong tại một hội thảo quốc tế trực tuyến hôm ngày 14/7 đã nhất trí rằng hệ thống các hồ chứa dọc sông Lan Thương đã giúp giảm bớt hạn hán ở hạ lưu. Hồi năm ngoái, một số phương tiện truyền thông phương Tây đã tuyên bố rằng, các đập thủy điện của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở các nước khác vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong- tổ chức liên chính phủ và các chuyên gia thủy lợi Trung Quốc đã viện dẫn các bằng chứng khoa học và đi đến kết luận rằng, hạn hán chủ yếu là do lượng mưa giảm và hiện tượng El Niño”, bài báo có đoạn.

Bi Shihong, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học Vân Nam (Trung Quốc) tố cáo: “Nhiều nhà nghiên cứu tự xưng của Mỹ thậm chí đã không tiến hành nghiên cứu tại thực địa ở lưu vực sông Mekong nhưng vẫn đưa ra 'kết luận của họ'.   Thực chất những báo cáo của các tổ chức đó rất ít có giá trị khoa học và các nước thành viên thường phải cân nhắc, kết luận một cách độc lập và thận trọng".

Quan hệ Mỹ- Trung xuống thấp kỷ lục

Theo giới phân tích quốc tế, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử ngoại giao khi hai bên liên tục tung các đòn “ăn miếng trả miếng” trên nhiều mặt trận, từ thương mại, công nghệ, đến tranh cãi về nguồn gốc coronavirus suốt nhiều tháng qua.

Ngày 15/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích Mỹ thổi phồng các vấn đề tài nguyên sông Mekong nhằm gieo rắc mối bất hòa giữa các nước trong khu vực. Trong ảnh là đập thủy điện Vân Nam của Trung Quốc xây dựng chặn ngang dòng Mekong. Ảnh: Mekong Eye

Ngày 15/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích Mỹ thổi phồng các vấn đề tài nguyên sông Mekong nhằm gieo rắc mối bất hòa giữa các nước trong khu vực. Trong ảnh là đập thủy điện Vân Nam của Trung Quốc xây dựng chặn ngang dòng Mekong. Ảnh: Mekong Eye

Hôm đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại thêm một lần nữa tuyên bố, việc các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án xây dựng ở các nước trong vùng Mekong là để thực hành chiến lược "kinh doanh săn mồi và mập mờ". Ông Pompeo cũng đồng thời đổ lỗi cho Bắc Kinh gây ra hàng loạt các vấn đề nhưng không nói chi tiết bằng chứng.

“Rõ ràng những cáo buộc này là có động cơ chính trị, cho thấy Mỹ đang tuyệt vọng tìm kiếm một chương trình nghị sự mới nhằm trấn áp Trung Quốc để bá chủ thế giới” ông Bi nói.

Còn ông Zhang Li, trợ lý giáo sư về Ngoại giao nước và khu vực sông Mekong tại Đại học Phúc Đán thì nhận xét: “Trung Quốc đang phải đối mặt với các sức ép ngày càng tăng từ bên ngoài khu vực sông Mekong, giống như những lời bôi nhọ từ các quốc gia không liên quan đang muốn can thiệp vào khu vực này”.

Tuyên bố ngày 11/9/2020 sau cuộc họp với các Ngoại trưởng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 53 do chủ nhà Việt Nam chủ trì, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cam kết ủng hộ ASEAN trong việc bảo vệ pháp luật, tôn trọng chủ quyền và minh bạch trên Biển Đông và khu vực sông Mekong, đồng thời chỉ trích các mối đe dọa của Trung Quốc trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định sẽ “bảo vệ sự minh bạch và tôn trọng chủ quyền, thượng tôn pháp luật, minh bạch, mở rộng và hội nhập” của các nước trong vùng, nơi mà theo ông Pompeo đã bị “Bắc Kinh đơn phương thao túng nguồn nước ở thượng nguồn gây hạn hán cho các nước ở hạ lưu hoặc mua bán vũ khí và ma túy bất hợp pháp”. (The Strait Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.