| Hotline: 0983.970.780

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam kể chuyện ngày Tết ở bệnh viện

Thứ Hai 23/01/2023 , 10:55 (GMT+7)

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam chia sẻ những trải nghiệm khó quên của đội ngũ nhân viên y tế phải trực chiến tại bệnh viện trong những ngày Tết cổ truyền.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam có học hàm Phó Giáo sư và học vị Tiến sĩ y khoa. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam không chỉ là Chủ tịch Hội Tĩnh mạch TP.HCM mà còn là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam là tác giả của những cuốn sách “Viết từ bệnh viện”, “Câu chuyện y khoa”, “Phẫu thuật nội soi lồng ngực”, “Nửa đêm xuống phố”, “Những linh hồn sau cánh cửa”, “Chuyện tình cuối mùa đông”...

Những ghi chép chân thật của bác sĩ Nguyễn Hoài Nam ít nhiều giúp công chúng hiểu thêm về tấm lòng thầy thuốc trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Không khí tết đến bệnh viện hơi sớm. Thông thường khoảng một tháng trước ngày Noel và tết dương lịch, khắp các khoa phòng các Bác sĩ, y tá và hộ lý đã rộn ràng không khí chia trực. Theo thông lệ,  các tua trực cứ thế mà xoay vòng từ đầu năm, tuy nhiên cũng có một vài thay đổi nho nhỏ, một số anh chị Bác sĩ có quê ở xa phải về ăn tết với gia đình đều đề nghị được trực vào những ngày trước và sau tết.

Có khoa phòng bác sĩ trưởng khoa sẽ chủ trì một buổi họp để phân chia trực, trên tình thần tương trợ lẫn nhau. Trách nhiệm nặng nề nhất sẽ dồn trên vai của các Bác sĩ nội trú, có những người phải trực 3-4 ngày liên tiếp cho các bạn về quê ăn tết. Cũng có khoa phòng để tránh phiền toái, các tua trực tự sắp sếp lẫn nhau và thế là một cuộc chạy đua ngoại giao hành lang xảy ra với những lời hứa hẹn sẽ có quà khi ra tết hay trực bù vào ngày lễ và chủ nhật của năm mới.

Bác sĩ Trần Như Hưng Việt một bác sĩ nội trú chuyên khoa phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch, quê ở tỉnh Bình Thuận, than với tôi: “Tết này em không về thăm nhà được anh ạ, không gửi trực được cho ai, trong khi mình lại phải nhận lời trực giùm suốt từ 30 đến ngày mùng 5 tết”. Với chúng tôi, những người có gia đình ở tại TP.HCM, vấn đề trực tết đơn giản hơn, âu có lẽ là điều may mắn?

Tiếp đến là không khí chuẩn bị vào những ngày giáp tết, kể từ ngày ông táo về trời 23 tháng chạp, phòng khám ngoại chẩn hạn chế nhận bệnh, chỉ xử trí những trường hợp cấp cứu. Các bệnh nhân khác đều được hẹn quay trở lại nhập viện vào những ngày sau tết. Các bệnh nhân mổ chương trình đều được giải quyết nhanh trước ngày 27 tết, có những ngày nhân viên phòng mổ phải làm việc đến tận 8 giờ tối.

Tất cả đều mệt nhoài mặc dù ngoài kia trời đất đang chuyển mùa từ đông sang xuân, nắng hồng rực rỡ khắp các nèo đường phố xá, mặc cho dòng người nô nức mua sắm chuẩn bị cho những ngày tết vui tươi. Chúng tôi, những người bác sĩ vẫn thầm lặng ngày qua ngày miệt mài với những ca mổ, những lo toan đau đớn của người bệnh.

Đến ngày 28 tết lượng bệnh nhân trong khoa chỉ còn khoảng 1/4-1/3 so với những ngày thường. Đó là những bệnh nặng, những người ở quê xa không thể về đón xuân cùng gia đình. Họ chấp nhận đón một năm mới trong cái lạnh và buồn của bệnh viện, với họ không còn con đường nào khác. Tất cả các bệnh nhân còn lại được dồn lại trong một vài phòng để tạo không khí đông vui, để chống lại cái lạnh của những ngày giao mùa và để dành những giừơng bệnh trống để đón tiếp những người bệnh mới nhất là những tai nạn xẩy ra trong ngày tết.

Hai bệnh nhân Trần Văn S và Lâm Thị T quê ở tận An Giang được mổ cắt thùy phổi do ung thư ngày 26 tết đề nghị chúng tôi cho ở lại vì ngoài dịp may hiếm có: lần đầu tiên sau hơn 40 năm sinh ra làm người được ăn tết tại TPHCM dù rằng họ không muốn một chút nào. Ngoài ra chúng tôi giữ họ ở lại để ngay sau tết được điều trị tiếp tục bằng hoá chất cho khỏi bệnh, vì với bệnh ung thư, thời gian để điều trị tốt nhất phải tính đến từng ngày mới mong giành giựt người bệnh ra khỏi lưỡi hái của tử thần.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi với mật độ xe lưu thông dày đặc như hiện nay kèm với đường xá chật chội không bảo đảm an toàn cho giao thông như hiện nay, lượng bệnh nhân bị tai nạn trong ngày tết ngày càng tăng. Bên cạnh đó, những tệ nạn xã hội trong ngày tết nhờ sự giúp sức của rượu, bài bạc và nhiều thứ khác nữa sẽ cũng gia tăng, hầu như năm nào chúng tôi cũng có vài bệnh nhân bị vết thương và chấn thương tim để mổ.

Ngày 28, 29 tháng chạp mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, một số nhân viên Y tế tránh thủ những ngày nghỉ bù trước tết vội vã đi chợ mua một vài thứ chuẩn bị cho mâm cơm rước ông bà ngày 30 hay ra ngoại thành vùng Thủ Đức kiếm một cành mai về chưng trong ba ngày tết. Trong bệnh viện không khí như trầm mặc, chỉ còn một vài Bác sĩ nội trú và các chị điều dưỡng đi đến tận từng giừơng người bệnh để khám, bổ xung thuốc và thay băng, truyền dịch…

Họ làm việc một cách cần cù và lặng lẽ mặc cho thời gian đang dần chuyển dịch đến những giờ phút thiêng liêng của cả trời đất và dân tộc. Ngày hôm nay, hai chị điều dưỡng trẻ nhất khoa đang trực, họ làm giúp cho những người có gia đình có thời gian lo cho mái ấm của mình trong những ngày tết.

Ngày 30 tết đến, buổi sáng mọi công việc đã xong, phòng cấp cứu mọi ngày đông đến thế mà giờ đây quá vắng lặng, chỉ còn một vài bệnh nhân với những cái đầu băng trắng xoá, góc kia một bệnh nhân lên cơn hen đang thở oxy, bà là bệnh nhân thường trực của chúng tôi. Góc nọ một bệnh nhân Trần Minh T, nhà ở quận 4 bi xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày đang nằm tiếp máu, đơn vị máu thứ 5 rồi đấy, bác sĩ Vỹ nội trú trực ngày hôm đó nói với tôi. Bây giờ là thời đểm của những bệnh về hô hấp và tiêu hoá, phấn hoa mùa xuân làm nhiều người bị dị ứng và lên cơn hen, chúng tôi nhớ những năm trước kia khi mà pháo còn chưa bị cấm, hầu như năm nào cũng có người chết vì bị hen ác tính khi gặp khói pháo.

Ngày xuân đến, mọi người được dịp vui chơi thoả thích cho bõ những tháng ngày lao động cật lực vất vả trong năm, nhưng kéo theo cũng là nỗi lo của những ngày năm hết tết đến, nợ nần khó trả, làm ăn thất bát…thế là thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày lại tăng lên, có năm ngay sau giờ giao thừa. Bệnh nhân đầu tiên được mổ vào thời điểm không giờ năm phút mà giới chuyên môn thường gọi là khai đao là một bệnh nhân thủng dạ dày. Thời điểm mà đối với người bác sĩ cũng giống như khoảng thời gian trước giờ nổ súng của người chiến sĩ, thật tĩnh lặng, thật nhẹ nhàng, cái nhẹ nhàng báo trước một sự bùng nổ dữ dội.

Ngày Tết, các bác sĩ ở bệnh viện vẫn lặng lẽ chăm sóc cho các bệnh nhân. 

Ngày Tết, các bác sĩ ở bệnh viện vẫn lặng lẽ chăm sóc cho các bệnh nhân. 

Bên ngoài đường phố nắng vàng vẫn rực rỡ, mọi người đang đổ xô ra các nẻo đường mua nốt  những cành hoa, những chậu mai vàng và chẩn bị cho bữa cơm ngày cuối năm. Bữa cơm trưa trong bệnh viện, khẩu phần ăn của cả bệnh nhân và thầy thuốc đều được tăng lên gấp 3 lần so với ngày thường, cũng có thịt kho tàu, dưa giá, canh chân giò hầm măng và cả thịt gà luộc nữa, thật ngon và thật vui, ai cũng ao ước giá kể ngày nào cũng được ăn như ngày tết thì tốt biết mấy.

Sau bữa ăn là cuộc nói chuyện gần như là trà đàm tại phòng trực, cũng có mứt gừng, mứt bí, một nhành mai vàng và một gói chè ngon được bày biện trong căn phòng bé nhỏ, ở đây chúng tôi nói chuyện với nhau về một năm đã qua về những vui buồn trong nhề nghiệp và mơ ước của một năm tới. Có một  điều không ai nói ra nhưng tất cả đều thấy ngậm ngùi, đó là ai cũng thấy rằng ngày mai mình sẽ già đi thêm một tuổi.

Mới ngày nào khi ra trường mặt còn búng ra sữa thế mà đã gần hai mươi mùa xuân đã trôi qua, trên mái đầu nhiều người tóc đã lốm đốm bạc, đuôi mắt đã có vài nếp nhăn in dấu thời gian, trách nhiệm và bổn phận đã đè nặng lên chúng tôi, có người nào thấu hiểu những đêm thức trắng cùng bệnh nhân, dư luận đều đứng về một phía bỏ mặc những người thầm lặng hy sinh cho sự an vui của nhân loại.

Tối 30 tết, những ca mổ cấp cứu cuối cùng trong năm được kết thúc trước giờ giao thừa, nói thật ra cả người thầy thuốc lẫn bệnh nhân đều không muốn gặp nhau tại phòng mổ trong những giờ phút này. Giao thừa đến, mọi người đều hân hoan ngồi vào bàn tiệc nho nhỏ gồm bánh trái hoa quả và một ấm nuớc chè, họ chúc nhau những lời tốt đẹp nhất.

Các cô điều dưỡng chúc tết các bác sĩ và các đồng nghiệp của mình, chúng tôi cũng vậy, ai cũng mong một năm mới tốt lành sẽ đến cho cả nhân loại. Có những năm, ngay sau phút giao thừa là những ca mổ đầu tiên được thực hiện, nuốt vội miếng bánh chưng của đồng nghiệp gắp vào bát, chúng tôi vội vã xuống phòng mổ và những đường rạch đầu tiên mà giới chuyên môn hay gọi đùa là khai đao đầu xuân ấy không phải trên giấy thơm hay trên những tấm vải lụa dùng để vẽ của những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ trong động tác khai bút mà là trên da thịt của bệnh nhân,  của đồng loại.

 Ngoài buồng bệnh, đèn cũng được bật lên, đó đây vài thân nhân bệnh nhân thắp nhang, họ đang cầu khấn cùng trời đất cho người thân họ được chóng khỏi bệnh, cho đất nước thái bình, cho hạnh phúc mau chóng trở về trên mái nhà thân yêu. Dưới cái se lạnh của ngày cuối năm, ai nấy đều hân hoan vui vẻ, nhưng trong cái vui chung chúng tôi vẫn nghe đâu đó vài tiếng rên khẽ vì đau đớn, những tiếng thở dài nhè nhẹ vì lo âu bệnh tật.

Buổi sáng ngày mùng một tết, sau những ca mổ cấp cứu đầu năm khi mà những tia nắng đầu tiên của năm mới men đến cạnh chiếc giường nhỏ trong phòng trực, mọi người đều dậy, họ chúc nhau một năm mới đầy tốt lành, có một vài cô điều dưỡng trẻ đòi chúng tôi lì xì lấy hên đầu năm. Cuộc họp giao ban đầu tiên trong bệnh viện, phần chuyên môn được thực hiện khá nhanh, phần lớn thời gian còn lại, ông giám đốc bệnh viện thay mặt Ban giám đốc chúc tết tất cả nhân viên. Thời gian trước có một vị giáo sư là giám đốc bệnh viện nay đã nghỉ hưu có thói quen lì xì cho tất cả mọi người, số tiền không là bao nhiêu nhưng ai nấy đều vui vẻ, chúc lại ông luôn mạnh khoẻ, sống lâu và hạnh phúc.

Các tua trực bàn giao lại cho nhau, đến bây giờ số bệnh nhân chưa đông lắm, chủ yếu là các bệnh về đường tiêu hóa và do rượu. Đến trưa khi mọi người đổ ra đưòng đi du xuân và khoảng 5-6 giờ chiều mới thật sự là cuộc đổ bộ của những bệnh nhân chấn thương sọ não, tai nạn giao thông, từng chiếc băng ca đẩy vào, một người nằm trên đó, chân tay đầy cát bẩn, mặt mũi đầy máu và miệng đầy hơi rượu, tiếng xe cấp cứu hú lên từng hồi, giống như cơn ác mộng, chúng tôi làm việc cật lực quên cả bữa cơm chiều. Ngày hôm nay, bệnh viện cấp cứu trên 200 bệnh nhân, có 15 bệnh nhân được mổ do tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt, cô điều dưỡng tiếp nhận bệnh nhân báo cáo. Vâng một năm mới với nghề Y của chúng tôi bao giờ cũng bắt đầu như thế đấy.

Xem thêm
Quyền năng nàng dâu chế ngự thói quen bố mẹ chồng

Quyền năng nàng dâu không chỉ khiến người chồng răm rắp nghe theo, mà đôi khi còn làm bố mẹ chồng phải chấp nhận lép vế để giữ hòa khí gia đình.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?