| Hotline: 0983.970.780

Hệ quả từ những nghị quyết mĩ miều câu chữ

[Bài 1]: Vừa thất bại trong tự chủ tài chính vừa giảm hiệu lực, hiệu quả

Thứ Tư 26/07/2023 , 09:13 (GMT+7)

HÀ TĨNH Sau sáp nhập, hoạt động của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Hà Tĩnh không đạt về tự chủ lẫn nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Nguồn thu từ kinh doanh dịch vụ quá ít ỏi nên mỗi năm huyện Can Lộc, Hà Tĩnh vẫn phải cấp bù 1,2 tỷ đồng chi trả thu nhập cho 16 biên chế của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Việt Khánh.

Nguồn thu từ kinh doanh dịch vụ quá ít ỏi nên mỗi năm huyện Can Lộc, Hà Tĩnh vẫn phải cấp bù 1,2 tỷ đồng chi trả thu nhập cho 16 biên chế của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Việt Khánh.

Chưa tự chủ được cái gì đâu!

12 năm trước, HĐND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết 26/2011/NQ-HĐND “Phê duyệt đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban quản lý dự án và tổ chức hội". Trong đó, có nội dung, phân cấp Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV), Trạm Thú y cho cấp huyện quản lý và sáp nhập vào Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp huyện.

Sau khi tổ chức lại vào năm 2012, cái tên “Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi” ở 13 huyện, thị xã, thành phố “khai sinh”.

Mục tiêu sáp nhập này được HĐND tỉnh lúc bấy giờ kỳ vọng rất rõ ràng trong Nghị quyết, đó là: “Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tính ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp; không trùng lắp, không bỏ sót nhiệm vụ; phân định rành mạch giữa quản lý nhà nước với đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; giảm bớt đầu mối; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo về số lượng, chất lượng, đồng thời giảm chi ngân sách của tỉnh, của nhà nước”.

Đọc đến đây, chợt nhận ra lý thuyết suông là một màu xám xịt, bởi thực tế quá trình hoạt động lại cho thấy “lợi bất cập hại”.

Một lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh ngậm ngùi phân tích, sau sáp nhập về cơ bản chỉ giảm được đầu mối và vị trí lãnh đạo cấp trưởng Trạm Thú y, BVTV, Trung tâm, còn biên chế chuyên môn bản chất là chuyển cơ học từ cấp tỉnh về huyện quản lý.

Qua thời gian, biên chế của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện gần như không giảm hoặc giảm không đáng kể nhưng đáng bàn là cán bộ chuyên ngành thú y, BVTV cứ rơi rớt dần.

Sau 12 năm, biên chế tổng giảm không đáng kể nhưng biên chế chuyên môn thú y, BVTV cấp huyện thu hẹp gần 50% so với trước sáp nhập. Ảnh: Việt Khánh.

Sau 12 năm, biên chế tổng giảm không đáng kể nhưng biên chế chuyên môn thú y, BVTV cấp huyện thu hẹp gần 50% so với trước sáp nhập. Ảnh: Việt Khánh.

“Thời điểm chuyển giao, tổng biên chế thú y cấp huyện là 58 người, BVTV 66 người nhưng hiện nay thú y chỉ còn 30 người, BVTV 46 người. Có những thời điểm, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện không có cán bộ chuyên môn chăn nuôi, thú y. Với rất nhiều nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, việc thiếu cán bộ chuyên môn ảnh hưởng rất lớn đến công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn”, vị lãnh đạo Sở nói.

Xét về hiệu quả sau sáp nhập, tính tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp hoàn toàn thất bại. Qua tìm hiểu, đến thời điểm này 13/13 Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện trên địa bàn đang hưởng lương ngân sách 100%, có chăng thay đổi là chuyển từ ngân sách cấp tỉnh sang ngân sách cấp huyện.

"Chưa tự chủ được cái gì đâu!”, ông Phan Thanh Nghi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên thẳng thắn nhìn nhận. Theo ông Nghi, 12 biên chế của Trung tâm mỗi năm tiêu tiền ngân sách khoảng 1,7 tỷ đồng, bao gồm: Lương, phụ cấp, công tác phí, điện, nước, văn phòng phẩm…

Thiếu cán bộ chuyên môn ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Thanh Nga.

Thiếu cán bộ chuyên môn ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài trả lương và các khoản chi thường xuyên, mỗi năm huyện Cẩm Xuyên còn cấp cho Trung tâm khoảng 500 triệu đồng thực hiện các mô hình chuyển giao, phát triển sinh kế cho người dân trên địa bàn.

Còn Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc, Phan Xuân Phượng nói: "Chúng tôi làm bằng nhiều cách, là đơn vị gần như duy nhất của tỉnh làm được dịch vụ máy cấy, kinh doanh giống lúa, thuốc BVTV nhưng mỗi năm lãi cũng chỉ được tầm 200 triệu.

Số tiền này cơ bản đủ trả lương cho lao động hợp đồng làm dịch vụ, còn chi phí tiền lương 16 biên chế (khoảng 1,2 tỷ đồng/năm) vẫn là tiền ngân sách".

Công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng chuyên môn gần như bị... bỏ ngỏ sau khi thành lập Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng. Ảnh: Thanh Nga.

Công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng chuyên môn gần như bị... bỏ ngỏ sau khi thành lập Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng. Ảnh: Thanh Nga.

Tinh gọn được 1 nhưng hiệu quả giảm 10

Đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chuyên môn, một thực tế cần nhìn nhận, công tác dự tính, dự báo, phát hiện hay thực hiện phòng chống dịch ở cả lĩnh vực thú y lẫn BVTV đều có những lỗ hổng và hạn chế rất rõ.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh thừa nhận, sau sáp nhập, công tác báo cáo, cập nhật tình hình dịch bệnh ở cơ sở có phần thiếu kịp thời; việc tập huấn, nâng cao nghiệp vụ gặp nhiều khó khăn; đặc biệt, vai trò quản lý nhà nước hạn chế…

"Trước đây, tổ chức thanh, kiểm tra hoạt động của cơ sở kinh doanh thuốc BVTV chúng tôi điều cán bộ Trạm BVTV rất hiệu quả. Tuy nhiên, mấy năm sau sáp nhập, Chi cục đề nghị huyện cho người tham gia cùng đoàn nhưng huyện lại cử người không đúng chuyên môn hoặc người mới vào nên hiệu quả không đạt kỳ vọng”, ông Hà nói.

Đối với thú y, từ những cán bộ chuyên môn ở Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện cho đến đội ngũ nhân viên thú y cơ sở đều cho rằng, tổ chức lại theo ngành dọc từ cấp tỉnh đến xã là đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động chuyên môn.

“Hơn 20 năm phụ trách thú y xã, tôi thấy để theo ngành dọc mạnh hơn chuyển về cấp huyện như bây giờ. Trước đây, bình quân mỗi tháng chúng tôi được tập huấn chuyên môn 1 lần, nâng cao được nghiệp vụ. Bây giờ chỉ khi nào tổ chức tiêm phòng may ra mới có đợt tập huấn”, Trưởng ban Chăn nuôi, thú y xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà chia sẻ.

Chưa kể, những lúc xảy ra dịch bệnh, việc thiếu cán bộ chuyên môn trầm trọng ảnh hưởng đến công tác giám sát, báo cáo dịch và tham mưu, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Lực lượng thú y cấp xã không có chuyên môn, kiêm nhiệm cũng tác động tiêu cực đến hiệu quả công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Lực lượng thú y cấp xã không có chuyên môn, kiêm nhiệm cũng tác động tiêu cực đến hiệu quả công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Cuối năm 2020, đầu năm 2021, huyện Lộc Hà bùng phát dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Lúc bấy giờ trong tổng 13 biên chế được giao của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi, chỉ có 1 cán bộ thú y phụ trách 12 xã, thị trấn.

Theo ông Phan Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện kiêm Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Lộc Hà, để giúp thú y làm tròn vai, đơn vị phải điều cán bộ trồng trọt hỗ trợ giám sát công tác tiêm phòng, chống dịch.

“Biết là đá lạc sân nhưng vẫn phải điều. Do không có chuyên môn thú y nên lực lượng hỗ trợ chỉ giám sát tiêu độc khử trùng, còn bò, lợn, gà bị bệnh gì, cần tiêm thuốc gì phải “cầu cứu” đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh”, ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Thanh, ngoài khuyết thú y cấp huyện, lực lượng thú y cơ sở cũng rất thiếu và yếu. Ở một số thời điểm, toàn huyện có đến 6/12 xã không có cán bộ chuyên môn thú y còn BVTV chỉ được một hai người.

Lỗ hổng trong công tác BVTV cũng bộc lộ khi chỉ trong vòng 6 năm xảy ra 2 vụ mất mùa do bệnh đạo ôn cổ bông tại hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Lỗ hổng trong công tác BVTV cũng bộc lộ khi chỉ trong vòng 6 năm xảy ra 2 vụ mất mùa do bệnh đạo ôn cổ bông tại hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Nhớ lại bài học mất mùa lịch sử do bệnh đạo ôn cổ bông vụ xuân năm 2017 và vụ xuân 2022, nông dân Hà Tĩnh mất trắng hàng vạn tấn lúa, ảnh hưởng nặng nề đến an sinh xã hội.

Đành rằng có yếu tố khách quan thời tiết bất thuận, chủng nòi đạo ôn độc lực cao, song thời điểm đó, chính cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV thừa nhận: “Do phân cấp Trạm BVTV nhập vào Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi nên công tác chỉ đạo theo ngành dọc hết sức bất cập. Đơn giản, Chi cục muốn cập nhật số liệu cũng phải chờ họ xin ý kiến lãnh đạo huyện mới lấy được”.

Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng, tỉnh Hà Tĩnh cần nghiên cứu, đánh giá lại hoạt động của mô hình sáp nhập này. Bởi, trước đây trạm BVTV hoạt động theo ngành dọc, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước nên công tác chuyên môn rất chuyên sâu.

Khi phân cấp, nhập vào Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện, hoạt động theo đơn vị sự nghiệp, không còn chức năng quản lý nhà nước, xử lý hành chính nên ảnh hưởng nhiều đến việc thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước khi tổ chức sáp nhập, tỉnh Hà Tĩnh gần như chưa bao giờ xảy ra mất mùa diện rộng, nhưng sau khi sáp nhập, dù đánh giá ở góc độ nào 2 mùa vụ thất thu do đạo ôn cổ bông phần nào đã bày ra lỗ hổng trong công tác chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn phòng chống dịch trực tiếp của cơ quan BVTV!.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.