| Hotline: 0983.970.780

[Bài 9] Những hội quán cùng nhau thành hợp tác xã ở Đồng Tháp

Thứ Năm 07/07/2022 , 06:32 (GMT+7)

Hiện tỉnh Đồng Tháp có 116 mô hình hội quán với hơn 6.192 hội viên, trong số đó đã có 31 hội quán trở thành 'cái nôi' của hợp tác xã.

Đi trên cù lao An Hòa, nơi đầu tiên thành lập hội quán ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Đi trên cù lao An Hòa, nơi đầu tiên thành lập hội quán ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Chuyện ở hội quán đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp

Dòng sông Tiền chảy qua miền đồng bằng châu thổ đã lấy chính phù sa của mình qua thời gian mà tạo thành những cù lao tách biệt với bãi bờ. Ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp có một cù lao như vậy, thuộc địa bàn xã An Nhơn. Nhánh sông Tiền chảy về Sa Đéc cùng với sông Lấp Vò ôm trọn ba ấp cù lao gồm An Hòa, Tân An và Tân Hòa, bồi đắp thành một miệt cồn trù phú, gọi chung là cù lao An Hòa.

Nơi đây không chỉ nổi tiếng với thương hiệu nhãn Châu Thành đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ mà còn là cái nôi của hội quán đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp, Hội quán Canh tân. Nhiều người đánh giá mô hình hội quán ở Đồng Tháp giống như “ngòi nổ” kích hoạt sự thay đổi, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế tập thể. Từ Đồng Tháp, từ miệt cồn An Hòa, mô hình sau đó lan toả ra nhiều tỉnh khác ở đồng bằng.

Qua thị trấn Cái Tàu Hạ, tôi cùng ông Võ Đình Trọng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành lên chuyến phà sang An Hòa. Sông nước mênh mông, đôi bờ miên man nhà vườn trồng nhãn, mít, chôm chôm... Có mấy năm làm lãnh đạo xã An Nhơn, hơn ai hết ông Trọng là người hiểu rõ đất, người nơi này. Đất đai tươi tốt đến nỗi muốn đem cây sầu riêng về trồng mà sợ nhiều phù sa quá. Kênh rạch chia miệt cồn thành những ô bàn cờ dưới màu xanh của cây trái và "ma trận" ao hồ nuôi cá nuôi tôm, có anh bạn lãnh đạo xã qua chơi bao nhiêu bận đều phải cử người đưa ra phà bởi không thể tự tìm đường.

Người xứ miệt cồn vừa có sự chất phác thiệt thà lại vừa ham học hỏi cái hay, cái mới đến lạ kỳ. Nói lạ là bởi như sự ngẫm ngợi của người đứng đầu ngành nông nghiệp huyện Châu Thành: Sau tan rã của mô hình tập đoàn sản xuất nông nghiệp hồi xưa, bà con miền Tây rất ngại nói về kinh tế tập thể. Đã mấy mươi năm tâm lý đó vẫn còn nguyên. Dù rằng kinh tế tập thể những năm qua là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhưng nếu không có mô hình hội quán, dễ gì có được những hợp tác xã kiểu mới ở Đồng Tháp như bây giờ. Nói đâu xa, ở Châu Thành này thôi, 13 hợp tác xã nông nghiệp của huyện đều phôi thai từ hội quán mà thành.

Miệt cồn An Hòa là vùng cây trái nổi tiếng của huyện Châu Thành. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Miệt cồn An Hòa là vùng cây trái nổi tiếng của huyện Châu Thành. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Hội quán Canh tân thường tổ chức sinh hoạt ở miếu Bà Chúa Xứ, tương truyền là người có công khai khẩn miệt cồn An Hòa. Đón tôi với ông Trọng là Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận, bà con gọi là Út Đừng và ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành. Xung quanh miếu bạt ngàn những nhãn, cây trái sum suê, cả hai say sưa nói về hội quán, hợp tác xã, về những thay đổi tư duy nông nghiệp không của riêng xứ miệt cồn An Hòa mà còn là chuyện cây trái Việt Nam, cả chuyện thị trường nông sản tận bên nước Mỹ.

Trong câu chuyện đó, Hội quán Canh tân ra đời như là cơ duyên, thật khéo sắp đặt. Nghe kể, thời còn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Sáu Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan) mỗi lúc có thời gian vẫn thường rủ các nhà khoa học đi thăm hỏi, nói chuyện với bà con, đặc biệt là những nơi cách trở như miệt cồn An Hòa.

Bà con hay tin có Bí thư Tỉnh ủy xuống vui lắm, rủ nhau đến hỏi han, hàn huyên đủ thứ trên đời, chủ yếu vẫn xoay quanh chuyện nhà nông, chuyện ấp chuyện xã. Người này hỏi nhãn vụ này bán đi đâu, người nọ hỏi tới đây nên nuôi loại cá nào... Lần sau đông hơn lần trước, cứ ngồi mãi trong nhà bà con cũng phiền, hay lập hội quán, có chỗ bà con cùng nhau sinh hoạt có phải hơn không. Nghĩ tới nghĩ lui, năm 2016, Hội quán Canh tân được thành lập.

Ông Út Đừng mở cho tôi xem bức thư ông Sáu Hoan gửi bà con từ những ngày đầu. Trong đó viết rằng Hội quán ra đời là để “canh tân”, để đổi mới, để mỗi người, mỗi nhà có điều kiện vươn lên. “Canh tân” là để thoát khỏi nếp nghĩ “Đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy cấy”. “Canh tân” là để mọi người chung tay lại, hợp sức lại, làm cho khu vườn lớn hơn, vùng nguyên liệu quy mô hơn, có như vậy mới thoát ra cái bẫy sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát. “Canh tân” là để giúp nhau, bảo ban nhau, cáng đáng cho nhau, “Tối lửa tắt đèn có nhau”… Rồi chuyện mần ăn thế nào cho tử tế, trái cây quê mình được tin tưởng vì không gây tổn thương sức khỏe của người tiêu dùng. Chuyện đầu trên xóm dưới, chuyện gia đình…

Chủ nhiệm Hội quán Canh tân còn kể, nhờ những buổi sinh hoạt hội quán, được gặp những nhà khoa học như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, cũng là người ở huyện Châu Thành nhưng ở bên tỉnh Trà Vinh, đã giúp đỡ kiến thức cho bà con rất nhiều. Gặp Tiến sĩ Trần Minh Hải của Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp, người vẫn đi khắp đồng bằng để nói chuyện với bà con về cái lợi, cái hay của kinh tế tập thể. Rồi những bữa cùng nhau ngồi với các doanh nghiệp, những buổi sinh hoạt giống như cơn mưa dầm dần dần thay đổi suy nghĩ, thay đổi tư duy bà con. Vừa hiểu thêm về nhau hơn lại vừa có kiến thức để biết sản phẩm của mình như vầy đã đạt hay chưa, làm sao để đáp ứng tiêu chuẩn thị trường…

Hội quán Canh tân trong miếu Bà Chúa Xứ là nơi bà con miệt cồn gặp gỡ, sinh hoạt cùng nhau. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Hội quán Canh tân trong miếu Bà Chúa Xứ là nơi bà con miệt cồn gặp gỡ, sinh hoạt cùng nhau. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Đều đặn hàng tuần, vào chiều thứ Bảy, hội quán lại trở thành ngôi nhà chung để “nói cho nhau nghe và nghe nhau nói”. Có cán bộ xã, huyện, nhiều bận còn có cả cán bộ tỉnh cùng tham gia nhưng ở đây không hề có “mấy vụ” kính thưa, kính gửi. Bước vô hội quán chỉ có “chú Ba khỏe không”, “vườn nhãn nhà cô Năm sao rồi” và trò chuyện với nhau vô cùng thoải mái. Hết phổ biến chính sách mới đến chuyện tổ chức sản xuất, chuyện thị trường, thậm chí nói chuyện chính trị cũng được nữa, miễn là “cùng nhau” trên tinh thần đoàn kết, xây dựng. Chẳng hạn cô Năm kêu “nhãn nhà tui bị bệnh rồi”, ngay lập tức có nhà khoa học tư vấn, có cán bộ nông nghiệp cung cấp tài liệu kỹ thuật phòng ngừa...

Nghe những người như ông Trọng, ông Bình, ông Thuận một mực khẳng định “không có hội quán thì không có hợp tác xã”, tôi chợt nghĩ là bởi vì khi bà con đã “cùng nhau” rồi nói chuyện vào hợp tác xã, phát triển kinh tế tập thể trở nên thuận lợi hơn. 1.300 hộ, hơn 5.000 dân ở cù lao An Hòa bây giờ có rất nhiều người là thành viên của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành và Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa.

Hay ở chỗ hai hợp tác xã này cũng là thành viên của hội quán. Đợt cao điểm dịch Covid-19 vừa rồi mới thấy hết cái lợi của kinh tế tập thể như thế nào. Dù gặp cảnh “ngăn sông cấm chợ” nhưng nhãn, cá tra ở cù lao An Hòa vẫn có thể bán được chính là nhờ các hợp tác xã.

Trước lúc chia tay ông Út Đừng chia sẻ, cù lao An Hòa được như ngày hôm nay, có hơn 800 ha trồng nhãn đạt chuẩn, 35 ha mặt nước nuôi cá tra, đời sống bà con miệt cồn sung túc, yên bình chính là nhờ “cùng nhau” ở hội quán, ở hợp tác xã. Tháng Tám này, Lễ hội nhãn Châu Thành sẽ tổ chức tại đây, giữa cù lao bạt ngàn cây trái, ở Hội quán Canh Tân, bà con ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.

Ở hợp tác xã nông nghiệp kiểu mẫu Tịnh Thới

Sáu năm sau khi Hội quán Canh tân ra đời, đến nay tỉnh Đồng Tháp đã có 116 mô hình hội quán với hơn 6.192 hội viên. Điều đáng quý, cả tỉnh có 176 hợp tác xã nông nghiệp thì có 30 trong số đó được thành lập từ hội quán.

Ông Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Ông Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Như chia sẻ của ông Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, đó là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn. Với phương châm "Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”, những buổi sinh hoạt ở hội quán đã giúp người nông dân được hướng dẫn tiếp cận quy trình sản xuất sạch, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp thông minh; thay đổi nhận thức, thay đổi được tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết, góp phần hình thành các mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu và mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới ở xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh khá đặc biệt, là đơn vị duy nhất được thành lập từ hai hội quán Đồng Tâm và Thịnh Hưng. Không hiểu có phải vì thế không mà Tịnh Thới bây giờ là hợp tác xã kiểu mẫu, có trụ sở làm việc khang trang, nhà xưởng hiện đại vào loại bậc nhất trên đất Sen Hồng.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới Võ Tấn Bảo. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới Võ Tấn Bảo. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Đang bận rộn thu gom khoảng 25 tấn xoài chở từ các nhà vườn để chuẩn bị phục vụ Lễ hội xoài năm 2022 do Thành phố Cao Lãnh tổ chức vào mấy ngày tới nhưng Giám đốc Võ Tấn Bảo vẫn kịp bớt thời gian để “khoe”: Hợp tác xã vừa mới xuất khẩu 3 tấn xoài Cát Chu Cao Lãnh sang Châu Âu, dù chưa phải lớn nhưng đang mở ra những thị trường mới. Chăm chỉ, tự lực, hợp tác là phương châm của hội quán và các hợp tác xã cũng vậy. Không chỉ riêng Tịnh Thới mà các hợp tác xã nông nghiệp khác ở Đồng Tháp đang lớn dậy từng ngày từ “hồn cốt” của mô hình hội quán.

Tịnh Thới là vùng xoài có diện tích hơn 1.100 ha, trồng thoe hình thức rải vụ, bốn mùa cây trái, mỗi năm cung ứng thị trường trên 10.000 tấn. Cũng giống như nhiều vựa trái cây khác ở đồng bằng, bài toán sản xuất thế nào, sản phẩm làm ra bán cho ai, “sản xuất gắn với tiêu thụ” ra làm sao thật không dễ dàng gì. Hợp tác xã là giải pháp, nhưng có phải “một phát làm luôn” được đâu, phải đi từ Đồng Tâm và Thịnh Hưng. Anh Bảo vốn là Phó Chủ tịch Hội nông dân xã, ví von rằng hành trình từ hội quán trở thành hợp tác xã giống như một hành trình leo núi, càng đi càng vất vả, cần sự bền bỉ nhưng thành quả cũng vì thế rất đáng để tự hào.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập hội quán Đồng Tâm và Thịnh Hưng, mới chỉ có 30-40 người. Bà con đã quá quen với tư duy “tui tự làm tự ăn” rồi, bây giờ nói chuyện ngồi lại với nhau, bàn nhau cùng làm cái này cái nọ dễ gì. Đó còn chưa kể cuộc sống thường ngày nhiều khi xích mích, tui không ưa ông này, sao tui phải ngồi với cha kia… Hội quán chính là nơi giải tỏa, giải quyết những ngăn cách đó. Nhất là khi những bà con tham gia trước về kể lại với người khác, vô đó học được nhiều cái hay lắm nghen. Biết chăm sóc cây xoài tốt hơn, biết trái xoài đạt tiêu chuẩn sẽ được mua giá cao hơn bấy lâu nay nhiều.

Từ ba bốn chục dần dà số thành viên hội quán lên hàng trăm, năm 2018 HTX Tịnh Thới ra đời với 156 thành viên, trong đó 95% là thành viên hội quán. Dù nguồn nhân lực, yếu tố con người, chính sách còn nhiều hạn chế nhưng có làm sao khi tư tưởng được đả thông và con đường làm ăn liên kết bền vững vạch sẵn rồi. Nói "cách mạng” xem chừng to tát, như anh Bảo chia sẻ, một khi bà con đã biết “cùng nhau” thì không có việc gì khó khăn.

Từ hội quán thành lập hợp tác xã, mô hình thành công ở Tịnh Thới. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Từ hội quán thành lập hợp tác xã, mô hình thành công ở Tịnh Thới. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Hợp tác xã Tịnh Thới bây giờ hoạt động 4 ngành nghề: bán thuốc BVTV và phân bón, bán nông ngư cụ, bán túi bao xoài và liên kết tiêu thụ xoài cho bà con. Lại phải nói thêm một điều đặc biệt nữa, đa phần các thành viên làm việc trong HTX đều không nhận lương mà chỉ nhận phần lãi cổ phần vào cuối năm, quy định bắt buộc “ông” phải làm ăn tử tế.

Từ đầu vào đến đầu ra, Tịnh Thới phối hợp Viện cây ăn quả miền Nam làm 42 ha sản xuất xoài tiêu chuẩn VietGAP để đi thị trường nước ngoài như: Mỹ, Nga, Hà Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc... Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Cao Lãnh thực hiện mô hình xoài rải vụ hàng trăm ha, liên kết với nhiều công ty phân thuốc hữu cơ cung cấp cho thành viên theo hình thức trả trong 4 tháng không tính lãi. Liên kết với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện mô hình sản xuất xoài theo hướng bền vững thích ứng biến đổi khí hậu gắn với hợp đồng tiêu thụ trên diện tích gần 150 ha…

Thay đổi lớn nhất của Tịnh Thới là chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi. Ở đó, vai trò trung tâm của hợp tác xã được thể hiện rõ khi Tịnh Thới ký hợp đồng tiêu thụ mỗi năm hàng chục ngàn tấn với Công ty TNHH Gò Đàng, Công ty TNHH Cát Tường, HTX công nghệ cao Mặt Trời Mọc, Công ty Kim Nhung, Công ty TNHH Long Uyên… và ký hợp đồng cung cấp xoài các loại cho chuỗi siêu thị Big C.

Anh Bảo tiếp tục ‘khoe”, để hỗ trợ các thành viên liên kết sản xuất và tiêu thụ, hợp tác xã đang phối hợp xây dựng thêm nhà sơ chế đóng gói, xúc tiến quảng bá sản phẩm, phối hợp cấp mã vùng trồng 174 ha và mã số cơ sở đóng gói… Ban quản trị hợp tác xã và hội quán cũng sẽ tập trung nghiên cứu thị trường, áp dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm chế biến sâu, sản xuất xoài hữu cơ…

Xoài Tịnh Thới bây giờ đi Mỹ, đi châu Âu, còn đâu cảnh bán rẻ như cho, bị thương lái ép giá nữa. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Xoài Tịnh Thới bây giờ đi Mỹ, đi châu Âu, còn đâu cảnh bán rẻ như cho, bị thương lái ép giá nữa. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Tôi vốn lầm tưởng khi thành lập hợp tác xã rồi thì hội quán cũng xong sứ mệnh, hóa ra không phải. Đều đặn, đội ngũ quản trị hợp tác xã và Ban chủ nhiệm các hội quán vẫn cùng nhau bàn việc tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, đặc biệt là dịch vụ liên kết tiêu thụ xoài. Gặp bất cứ khó khăn gì cũng cùng nhau sinh hoạt để kịp thời tháo gỡ…

Suy cho cùng, đánh giá một mô hình hay chính sách nào đó có lẽ người dân là chân thực nhất. Lão nông Trần Văn Hỗ (65 tuổi) ở ấp Tân Thạnh Châu nói: "Bà con trồng xoài ở Tịnh Thới, ở Đồng Tháp làm ăn có lời được như giờ là nhờ hội quán, nhờ hợp tác xã. Xoài Tịnh Thới bây giờ đi Mỹ, đi châu Âu chứ đâu còn đâu cảnh bán rẻ như cho, bị thương lái ép giá nữa. Nhờ tham gia sinh hoạt hội quán, vô hợp tác xã mà mỗi năm 1 ha xoài Cát Chu của tui lãi hơn 400 triệu đồng đó nghen".

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

8 con bò bị sét đánh chết sau trận mưa lớn

Quảng Bình Trận mưa lớn kèm sét đã đánh chết 8 con bò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến ở thành phố Đồng Hới.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.