| Hotline: 0983.970.780

Đi đến cùng câu chuyện cơ giới hóa ở ĐBSCL [Bài 3]: Sớm gỡ những 'hòn đá' cản đường cơ giới hóa

Thứ Tư 22/02/2023 , 06:55 (GMT+7)

Nhiều chương trình ứng dụng cơ giới hóa hiệu quả chưa như kỳ vọng. Cơ chế, chính sách cho cơ giới hóa có nhiều, nhưng khi thực thi chưa có sự nhất quán, đồng bộ...

Nở rộ dịch vụ cơ giới hóa 

Bài liên quan

Để đưa cơ giới hóa ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thời gian, các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân, HTX đầu tư máy móc, thiết bị.

Tại TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp rất quan tâm đến việc nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, trong đó có việc ứng dụng các thiết bị cơ giới hóa vào sản xuất. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, thông qua các dự án như: Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), Dự án Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm (GIC) hay các chương trình khuyến nông, với sự đồng hành của một số doanh nghiệp, đã xây dựng được các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất.

Ảnh 1

Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, khuyến khích nông dân, HTX đầu tư máy móc, thiết bị đã được triển khai mạnh mẽ ở các địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Nổi bật là các mô hình ứng dụng máy cấy, máy sạ cụm, máy bay nông nghiệp không người lái (drone), máy cuộn rơm, máy phối trộn sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ… Thông qua các mô hình, đã lan tỏa những phương pháp, thiết bị có hiệu quả cao, tạo điều kiện cho các HTX, cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư trang thiết bị để thực hiện dịch vụ cơ giới hóa.

Song song đó, vừa qua Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Thành phố đúc kết, nhân rộng những sáng kiến của người dân về thiết bị cơ giới hóa phục vụ nhu cầu thiết thực cho các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp.

Kết quả đáng phấn khởi là thời gian qua, trên địa bàn TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang hình thành các tổ, nhóm dịch vụ chuyên nghiệp trong các khâu sản xuất. Bởi hiện nay, từng nông hộ với quy mô nhỏ để đầu tư cơ giới hóa cần lựa chọn loại hình đầu tư phù hợp.

Tại HTX Nông nghiệp Toàn Phát ở huyện Cờ Đỏ, với sự hỗ trợ từ một số dự án do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố triển khai, đơn vị có điều kiện trang bị 10 chiếc máy cuộn rơm để làm dịch vụ cho bà con nông dân trong và ngoài địa bàn. Ngoài ra, sắp tới HTX sẽ được hỗ trợ vốn để ứng dụng thiết bị drone, khép kín quy trình sản xuất lúa bằng cơ giới hóa 100%.

Tại tỉnh Sóc Trăng cũng xây dựng nhiều nghị quyết, kế hoạch hành động để khuyến khích nông dân, HTX đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa. Cụ thể như: Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020 – 2025; Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 14/12/2022 về cơ giới hóa nông nghiệp và cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ảnh 2

Tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, Sóc Trăng cũng triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực từ chăn nuôi, thủy sản đến sản xuất lúa. Có thể kể đến như: Mô hình tôm thẻ chân trắng ao nuôi lót bạt đáy thực hành VietGAP ở huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu; mô hình liên kết sản xuất theo chuối gắn với sơ chế, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Châu Thành. Trong lĩnh vực sản xuất lúa, bà con nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng được hỗ trợ máy làm đất, máy tách hạt, máy xay xát gạo mini, trạm bơm điện... Từ đó góp phần hoàn thiện và mở rộng quy mô sản xuất gắn với cơ giới hóa đồng bộ.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng xây dựng và triển khai nhiều dự án ứng dụng cơ giới hóa tại khu vực ĐBSCL như: Dự án ứng dụng công nghệ cấy máy trong sản xuất lúa tại các tỉnh ĐBSCL (giai đoạn 2019 – 2021); Dự án xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa tại tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu (giai đoạn 2020 – 2022); Dự án xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay - máy cấy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh ĐBSCL như Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng (giai đoạn 2020 – 2022).

Sớm gỡ bỏ những “hòn đá” cản đường

Không thể phủ nhận, từ các chương trình, chính sách và đề án hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa, đã tạo nên bước tiến mới quan trọng cho vùng. Thế nhưng, để cơ giới hóa trở nên đồng bộ, việc loại bỏ những “hòn đá tảng” cản trở làn gió cơ giới hóa nông nghiệp đang là yêu cầu cấp thiết. Trong đó, khó khăn lớn nhất phải kể đến là vốn.

Ảnh 3

Thiết bị máy sạ cụm gắn trên máy cày vừa được HTX Nông nghiệp Toàn Phát đầu tư trong vụ lúa đông xuân 2022 – 2023, hướng tới khép kín quy trình sản xuất bằng cơ giới hóa. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, việc vay vốn ứng dụng cơ giới hóa đang rất khó khăn. Hầu hết các HTX ở khu vực ĐBSCL không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không có tài sản thế chấp. Những HTX hoặc nông dân có tiềm lực đủ mạnh mới có thể tự đầu tư và làm dịch vụ cho bà con. Nhiều doanh nghiệp cung ứng máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, mua máy dưới hình thức trả góp, thế nhưng yếu tố giá thành cao cũng trở thành nỗi ngán ngại.

Vấn đề nguồn vốn cũng được ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận, cơ chế chính sách về cơ giới hóa đã được Nhà nước ban hành tương đối đầy đủ, thế nhưng khi thực thi còn hạn chế và chưa có sự nhất quán, đồng bộ.

Điển hình là chính sách hỗ trợ nông dân, HTX mua máy sản xuất nông nghiệp tại Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khả năng tiếp cận vốn vay của người dân, HTX còn khó khăn do không có tài sản thế chấp. Hay cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp lại không thực sự hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí cũng dẫn đến kết quả không như mong muốn.

DSCF0274

Trong giai đoạn dài vừa qua, hầu hết máy móc, thiết bị cơ giới hóa cho đồng ruộng Việt Nam đều phụ thuộc vào nhập khẩu, thậm chí nhập một lượng lớn hàng "second hand", nhiều nhất là từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: Lê Bền.

Với những chính sách đặc thù riêng của một số địa phương về cơ giới hóa, mức độ hỗ trợ còn thấp. Nếu các địa phương có sự điều chỉnh mức hỗ trợ một cách hợp lý, phù hợp với giá cả thị trường sẽ tạo được động lực cho người dân, HTX đầu tư máy móc công suất lớn phục vụ sản xuất.

Một tồn tại nữa khi hiện nay, số lượng dự án, chương trình hỗ trợ về ứng dụng cơ giới hóa nếu xét quy mô rộng, toàn vùng ĐBSCL thì không nhiều, nhất là các dự án về bảo quản, chế biến do công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản còn nghèo, lạc hậu.

Đẩy mạnh nghiên cứu và tạo chính sách phát triển doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước là giải pháp bền vững và tự chủ trong việc phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Đây là điều được PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng khoa Cơ khí - Công nghệ (Ðại học Nông lâm TP.HCM) đặc biệt nhấn mạnh.

Ông Bích cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ để khuyến khích đầu tư vào các dự án chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp. Có thể là các chính sách về thuế, tín dụng, đất đai..., hỗ trợ mạnh mẽ các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp trong nước nâng cấp công nghệ. Đặc biệt là công tác nghiên cứu vật liệu, luyện kim, đúc, công nghiệp phụ trợ và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ảnh 4

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận, cơ chế chính sách về cơ giới hóa tương đối đầy đủ, nhưng khi thực thi chưa có sự nhất quán, đồng bộ. Ảnh: Kim Anh.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Toàn Phát ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) chỉ ra một thực tế: Hiện nay, bản thân HTX cũng như bà con xã viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng, điều khiển các máy móc, thiết bị khi đầu tư. Để thực hiện được các dịch vụ cơ giới hóa cho bà con xã viên, HTX phải có lực lượng trẻ theo học các khóa đào tạo do doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn tổ chức. Thế nhưng hiện nay, đa phần lãnh đạo HTX tuổi đời cao, trình độ hạn chế, dẫn đến khi ứng dụng thiết bị không được như kỳ vọng.

Theo mục tiêu, tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030 trong trồng trọt của nước ta đạt 70%, chăn nuôi đạt 60%, sản xuất thuỷ sản đạt 90%, lâm nghiệp đạt 50% và diêm nghiệp đạt 90%. Đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 thế giới. Hiện thực hóa mục tiêu này, cần thiết phải có sự quyết liệt đầu tư cho cơ giới hóa một cách đồng bộ, kết hợp tổ chức lại sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và hành trình tri thức hóa nông dân. Nếu thành công, việc ứng dụng máy móc, thiết bị nông nghiệp sẽ nằm trong tầm tay, thiết bị cơ giới hóa sẽ phát huy đúng vai trò và hiệu quả của nó.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.