| Hotline: 0983.970.780

Đi đến cùng câu chuyện cơ giới hóa ở ĐBSCL [Bài 2]: Nhân lực cho cơ giới hóa như 'lá mùa thu'

Thứ Ba 21/02/2023 , 07:05 (GMT+7)

Các trường đại học vắng bóng sinh viên ngành cơ khí nông nghiệp. Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao khiến việc nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng cơ giới nông nghiệp èo uột.

Ngành cơ khí nông nghiệp bị "ế"

Khảo sát tại hầu hết các trường đại học hiện nay ở khu vực ĐBSCL, chuyên ngành đào tạo về lĩnh vực cơ khí nói chung và cơ khí nông nghiệp nói riêng rất hiếm. Trường Đại học Trà Vinh hiện có Bộ môn Cơ khí – Động lực thuộc Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, đang đào tạo 3 chuyên ngành chính là: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật ô tô và Thạc sĩ Kỹ thuật cơ khí. Nhưng trong đó, chỉ có chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô có một số học phần đào tạo về cơ khí nông nghiệp, nghiên cứu thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp phù hợp với khu vực ĐBSCL.

Ảnh 2

Tại các trường đại học hiện nay ở khu vực ĐBSCL, chuyên ngành đào tạo về lĩnh vực cơ khí nói chung và cơ khí nông nghiệp nói riêng rất hiếm hoi. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Theo đánh giá của ông Phan Tấn Tài, Trưởng Bộ môn Cơ khí – Động lực, theo xu hướng phát triển của xã hội, đa số sinh viên ngành cơ khí ra trường đều có việc làm, nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với lĩnh vực này rất lớn. Tuy nhiên, việc thu hút sinh viên theo học còn quá khiêm tốn.

Mỗi năm, Trường Đại học Trà Vinh đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh cho các chuyên ngành liên quan đến cơ khí chỉ khoảng 50 sinh viên. Một phần do tâm lý của các em học sinh khi lựa chọn ngành cơ khí, một phần do nhân lực và trang thiết bị phục vụ đào tạo ngành cơ khí tương đối cao nên Trường định hướng sẽ đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Trong một kết quả khảo sát 34 trung tâm khuyến nông ở các tỉnh, thành phố trong cả nước có sản xuất lúa được thực hiện bởi một số chuyên gia thuộc Khoa Công nghệ (nay là Trường Bách khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ) giai đoạn 2015 – 2016 cho thấy, số lượng nguồn nhân lực có chuyên môn liên quan đến lĩnh vực cơ khí nông nghiệp trong các đơn vị này hầu như không có.

Ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Bách Khoa nhận định, nguồn lực về cơ khí nông nghiệp trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay ở vùng ĐBSCL rất yếu. Người sử dụng máy móc thiết bị phục vụ cơ giới nông nghiệp đa phần không được đào tạo bài bản về phương cách sử dụng, bảo dưỡng, an toàn khi sử dụng máy.

Tại Trường Đại học Cần Thơ từ những năm 1978 – 1999 có đào tạo chuyên ngành Cơ khí nông nghiệp. Thế nhưng kể từ năm 1999, do nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa và sự mở cửa thị trường, các khu công nghiệp phát triển mạnh, cộng với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nên thị trường lao động mảng công nghiệp lớn lên, thị trường lao động dành cho kỹ sư cơ khí nông nghiệp thu nhỏ lại.

Ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, nguồn lực phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay ở vùng ĐBSCL rất yếu. Ảnh: Kim Anh.

“Nhiều sinh viên cầm bằng kỹ sư cơ khí nông nghiệp gặp khó khăn để xin việc vào làm việc ở các khu công nghiệp. Từ đó, nhu cầu học sinh đăng ký theo học ngành Cơ khí nông nghiệp không còn nữa. Trường Đại học Cần Thơ đã “lái” theo hướng thị trường lao động, chuyển từ ngành Cơ khí nông nghiệp thành ngành Kỹ thuật Cơ khí. Đến hiện tại, Khoa Kỹ thuật Cơ khí – Trường Bách Khoa (tiền thân là Khoa Cơ khí nông nghiệp) đang đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí với 3 chuyên ngành”, ông Nguyễn Văn Cương bộc bạch.

Hiện nay, trên cả nước chỉ còn 2 khoa thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Khoa Cơ điện) và Đại học Nông lâm TP.HCM (Khoa Cơ khí - Công nghệ) đang đào tạo và có sinh viên theo học kỹ sư cơ khí với chuyên ngành cơ khí nông lâm. Tuy nhiên, gần đây tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, số sinh viên theo học ngành này đã giảm đáng kể. Tại Đại học Nông lâm TP.HCM, liên tiếp trong 4 năm từ 2008 - 2011, số lượng thí sinh thi vào ngành cơ khí nông nghiệp rất ít, chỉ dưới 20 sinh viên, đặc biệt năm 2011 không có thí sinh nào đăng ký học ngành cơ khí nông nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí – Công nghệ (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) đánh giá, nguyên nhân dẫn đến thực trạng ngành học này “ế” xuất phát từ nhận thức xã hội về ngành học. Bên cạnh đó, sự phát triển chậm của tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp làm cho nhu cầu đào tạo của ngành chưa cao.

IMG_3407

Thiếu sự đồng bộ về cơ khí chế tạo trong nước nên rất nhiều sản phẩm máy cơ giới "made by Việt Nam" ra đời què quặt, không hiệu quả, khó phát triển. Ảnh: Lê Bền.

Hơn nữa, việc đầu tư trang thiết bị cho đào tạo chưa được quan tâm đúng mức cũng là nguyên nhân quan trọng. “Công nghệ thay đổi hàng ngày, trong khi chương trình, thiết bị giảng dạy hầu như ít thay đổi. Do đó các thiết bị trở nên lạc hậu, không theo kịp sản xuất ngoài thực tế, kỹ sư ra trường không đáp ứng và thích nghi được với công việc”, PGS.TS Nguyễn Huy Bích phân tích.

Bắt đầu từ năm 2012 trở đi, sinh viên theo học ngành cơ khí nông nghiệp tại Trường Đại học Nông lâm TP.HCM đã có sự chuyển biến, tăng lên và đạt khoảng 70 – 80 sinh viên ở những năm giai đoạn 2015 – 2021. Thế nhưng, đây vẫn là những con số còn khá khiêm tốn, không đáp ứng được nhu cầu phát triển và thực tiễn đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Không thể cơ giới hóa thành công nếu chỉ dựa vào nhập khẩu

Hiện nay, tại Trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ có Khoa Kỹ thuật cơ khí đang đào tạo ngành Kỹ thuật cơ khí với 3 chuyên ngành, bao gồm: Cơ khí chế tạo máy, Cơ khí ô tô và Cơ khí chế biến. Trong đó, chuyên ngành Cơ khí chế biến có thể phục vụ cho tất cả các lĩnh vực thiết kế, phát triển, chế tạo máy móc, thiết bị trong lĩnh vực chế biến sau thu hoạch nông sản.

Empty

Hầu hết những chiếc máy cơ giới trên đồng ruộng ở ĐBSCL hiện nay đều là hàng nhập khẩu. Ảnh: Hữu Đức.

Ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Bách Khoa đánh giá, đầu ra của ngành này hiện đang có tỷ lệ việc làm rất tốt. Chuyên ngành này vừa liên quan đến mảng cơ giới hóa nông nghiệp, vừa có thể phục vụ tốt nhu cầu cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2019, khi số thí sinh đăng ký học chuyên ngành Cơ khí chế biến giảm mạnh, Trường cũng tạm ngừng tuyển sinh từ năm 2020.

Trong chương trình đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí, Trường Bách Khoa cũng giữ lại một số học phần cốt lõi và các chuyên đề liên quan đến cơ khí nông nghiệp như: Chuyên đề về máy và thiết bị chuyên dùng (máy làm đất, chăm sóc, gieo trồng, thu hoạch…); công nghệ sau thu hoạch; kỹ thuật sấy và bảo quản nông sản thực phẩm... Ngoài ra, sinh viên còn được đào tạo về nguồn động lực, động cơ. Học phần Cơ khí nông nghiệp đại cương cũng được giữ lại và giảng dạy cho nhiều ngành, chuyên ngành liên quan tại Trường Đại học Cần Thơ.

Phấn khởi nhất, mặc dù học phần giảng dạy cho lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp không nhiều, nhưng hiện nay có rất nhiều giảng viên và sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đề tài luận văn tốt nghiệp đều tập trung vào nghiên cứu, phát triển các sản phẩm máy móc liên quan đến hệ thống nông nghiệp, thủy sản, môi trường. Từ đó cho thấy nhu cầu, đam mê đối với cơ giới hóa nông nghiệp trong sinh viên rất lớn.

Ảnh 3

Phòng thí nghiệm máy nông nghiệp của Công ty Yanmar Việt Nam được đặt tại Trường Đại học Cần Thơ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu cho sinh viên của Trường và các đơn vị liên quan ở khu vực ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Xét về thị trường lao động, ngành Kỹ thuật cơ khí có “chỗ đứng” rộng lớn. Ngoài làm trong nước, nhiều sinh viên đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động. Hiện nay, Trường Bách Khoa đang đào tạo gần 8.000 sinh viên. Trong đó, ngành Kỹ thuật cơ khí khoảng 1.500 sinh viên. Hàng năm tuyển sinh đầu vào ngành Kỹ thuật cơ khí khoảng từ 150 – 200 sinh viên, có năm lên tới 300 sinh viên, phục vụ nhu cầu nhân lực trong vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Một thực tế trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp hiện nay ở vùng ĐBSCL là nguồn nhân lực đang yếu do công tác đào tạo gần đây bị giảm sút. Song song đó, chiến lược phát triển cơ khí nông nghiệp và định vị công tác chế tạo máy cũng gặp nhiều vấn đề. Thực tế chứng minh, trong tổng số hơn 15.000 chiếc máy gặt đập liên hợp đang hoạt động ở khu vực ĐBSCL, đa phần đều là máy ngoại, nhập khẩu.

“Không một quốc gia nào thành công về cơ giới hóa với việc nhập khẩu máy nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu và “con tàu” chính sách phát triển doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước là giải pháp bền vững và tự chủ trong việc phát triển cơ chế hóa nông nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Huy Bích nhìn nhận.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, ngành nông nghiệp hiện đang có nhu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực cơ khí nông nghiệp, phục vụ tiến trình cơ giới hóa đồng bộ ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Vấn đề quan trọng, cần có một trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp vùng để tập trung đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để khơi gợi ý tưởng sáng tạo của sinh viên trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp.

Xem thêm
Bò dự án lăn đùng ra chết, nhà thầu không cấp bù

Bò dự án cấp chưa đầy 1 tháng thì lăn đùng ra chết. Người dân không biết đi đòi ai trong khi địa phương cũng không có phản ứng gì với nhà thầu.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Có mưa, nông dân vùng hạn mặn Gò Công chuẩn bị xuống giống vụ hè thu

TIỀN GIANG Tại vùng ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lúc này, những cơn mưa đầu mùa đã thấm ướt mặt ruộng khô cằn sau những ngày nắng gắt, nước mặn vây quanh.