| Hotline: 0983.970.780

Cuộc di dân âm thầm ở ĐBSCL

[Bài 4] Báo động phụ nữ ly hương

Thứ Năm 11/03/2021 , 16:31 (GMT+7)

Tỉ lệ phụ nữ ở ĐBSCL rời quê hương kiếm việc làm, lấy chồng xa xứ đáng báo động. Riêng tỉnh Kiên Giang mỗi năm có khoảng 7000 phụ nữ đi lao động ngoại tỉnh...

Một số nữ khác không có điều kiện học cao thì cũng sớm lập gia đình hơn nam giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một số nữ khác không có điều kiện học cao thì cũng sớm lập gia đình hơn nam giới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trước kia, phần lớn phụ nữ chỉ làm công việc “tề gia” trong một gia đình, ít khi tham gia công việc xã hội. Ngày nay, đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ hội nhập, vai trò phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày càng trở nên quan trọng. Có thể nói, việc gì nam nhân làm được thì người phụ nữ cũng làm được, từ việc lãnh đạo đất nước, cơ quan, đoàn thể đến việc nghiên cứu khoa học, quản trị kinh doanh.

ĐBSCL mỗi năm có hàng chục ngàn phụ nữ xuất cư

Căn cứ vào chỉ số SRB (tỉ số giới tính khi sinh), ở VN đã có sự mất cân bằng giới tính ở mức khoảng 111 bé trai/100 bé gái (năm 2019). Như vậy, số bé gái ở ĐBSCL tuy có ít hơn, nhưng tỉ lệ này vẫn chưa đến mức để báo động. Có điều đến khi trưởng thành ở tuổi 18, nữ giới lại có nhiều điều kiện để xuất gia hơn nam giới. Có thể kể đến 3 điều kiện chính yếu sau:

Nữ giới học hành tốt hơn nam giới nên số đi xa tham gia học đại học sẽ nhiều hơn nam giới. Mặt khác, khi tốt nghiệp đại học, họ cũng có điều kiện được đi tiếp học bậc sau đại học và sau khi hoàn thành sự nghiệp, họ dễ gặp ý trung nhân là người tỉnh khác nên chấp nhận theo chồng lập nghiệp tại địa phương mới, nhất là số sinh viên có điều kiện học tập tại Sài Gòn.  

Nhưng ngày nay, phần lớn cô gái thích chọn chồng thành phố để có đời sống gia đình tốt hơn, nhất là việc nuôi dạy con cái sau này. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhưng ngày nay, phần lớn cô gái thích chọn chồng thành phố để có đời sống gia đình tốt hơn, nhất là việc nuôi dạy con cái sau này. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một số nữ khác không có điều kiện học cao thì cũng sớm lập gia đình hơn nam giới. Đó cũng là điều kiện họ phải xuất cư theo chồng về xứ lạ. Chưa có một thống kê về việc chọn bạn đời của nữ giới. Nhưng ngày nay, phần lớn cô gái thích chọn chồng thành phố để có đời sống gia đình tốt hơn, nhất là việc nuôi dạy con cái sau này.

Trong giai đoạn từ năm 2004 - 2009, di cư thuần từ vùng ĐBSCL vào khu vực Đông Nam Bộ (gồm TP. HCM) đã đạt đến 714.000 người. Tính đến nay, đây là cuộc di cư lớn nhất ở Việt Nam (Tổng cục Thống kê VN, 2009). Con số thống kê này cho thấy, nếu phụ nữ tại các tỉnh, thành ĐBSCL chiếm một nửa (50%), thì tình trạng xuất cư của nữ giới là đáng báo động; bởi con số này đã lên đến vài trăm ngàn phụ nữ; mỗi năm cũng có đến vài chục ngàn chị em.

Bà Nguyễn Thu Nhanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang cho biết: Những năm gần đây, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có từ 5-7 ngàn phụ nữ đi lao động ngoài tỉnh. Họ chủ yếu tìm đến các tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp phát triển, tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp để tìm việc làm.

Ngày nay, phụ nữ là một trong hai trụ cột gia đình, nên việc đi tìm nghề sinh sống cho bản thân và gia đình luôn được học quan tâm. Vì vậy, họ dễ rời bỏ quê hương nếu có điều kiện được tham gia lao động tốt hơn.

Theo bà Nhanh, lực lượng lao động nữ đi nhiều là người trẻ chưa có gia đình riêng hoặc theo chồng, theo con cùng đi. Việc lao động trẻ ra đi, xét ở góc độ kinh tế thì địa phương không mất, vì họ đi làm, có thu nhập gửi về cho cha mẹ, chăm lo cho con cái… Tuy nhiên, địa phương sẽ mất đi sức lao động, sự sáng tạo của thế hệ trẻ đễ tăng trưởng phát triển. Đó mới là điều quan trọng đáng nói.

“Năm 2020, các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp Thạnh Lộc, cụm công nghiệp Tắc Cậu (Châu Thành), Vĩnh Hòa, Hưng Nam (Gò Quao)… phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh đến Hội Phụ nữ đặt vấn đề cần tìm khoảng 8 ngàn lao động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất, nhưng ở địa phương không còn lao động để giới thiệu. Lao động thì phải đi xa ngoài tỉnh để tìm việc làm, trong khi doanh nghiệp tại địa phương cần tuyển lại không có người làm. Đây là một thực tế đáng buồn hiện nay”, bà Nhanh trăn trở.

 Không thể thiếu phụ nữ cho chiến lược phát triển đồng bằng

Việc để người lao động xuất cư, rời khu vực ĐBSCL là nỗi lo của chính quyền địa phương các cấp. Bởi điều đó dẫn tới việc thiếu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài ra, để nữ giới ra đi còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, khiến cho địa phương mất dần nguồn nhân lực kế thừa, gia đình và địa phương mất đi sự ổn định, bền vững. Do vậy, Hội phụ nữ tỉnh, thành ĐBSCL cũng nhiều ưu tư trong việc tìm ra đối sách để giữ chân chị em ở lại.

Hiện nay việc để người lao động xuất cư, rời khu vực ĐBSCL là nỗi lo của chính quyền địa phương các cấp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Hiện nay việc để người lao động xuất cư, rời khu vực ĐBSCL là nỗi lo của chính quyền địa phương các cấp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Bà Trương Hồng Trang - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu cho biết: Đề án của Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu đang triển khai là “Tiếp sức cho hội viên, phụ nữ trong phát triển kinh tế” là nhằm giúp phụ nữ làm chủ về kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các cấp hội đã vận động các nguồn lực tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - công nghệ, tuyên truyền về vai trò, vị trí của phụ nữ đối với phát triển kinh tế, hỗ trợ các kỹ năng quan trọng trong kinh doanh, kiến thức phát triển kinh tế hộ… Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Để giữ chân lao động, nhất là phụ nữ, Hội LHPN tỉnh Kiên Giang cũng có nhiều mô hình giúp khởi nghiệp… Bà Nguyễn Thị Tình, Trưởng Ban Kinh tế - Gia đình, Hội LHPN tỉnh Kiên Giang cho biết: Những năm qua, Hội đã thực hiện nhiều biện pháp có hiệu quả. Cụ thể như vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ hạnh phúc. Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thông qua việc dạy nghề, tập huấn kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm, hoạch toán lỗ lãi. Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để cùng nhau phát triển kinh tế. Thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp nữ, nhóm phụ nữ kinh doanh, phụ nữ kinh doanh khởi nghiệp…

Đồng thời còn hưởng ứng hoạt động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Hội LHPN tỉnh Hậu Giang đã vận động “Xây dựng gia đình 5 không và 3 sạch” gắn với phong trào “Phụ nữ thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cuộc vận động đã đẩy mạnh được phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, phụ nữ làm kinh tế giỏi, hạn chế được tình trạng phụ nữ li hương…

Tại Đồng Tháp có 300 phụ nữ đăng ký kinh doanh được hỗ trợ, phối hợp, hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại Đồng Tháp có 300 phụ nữ đăng ký kinh doanh được hỗ trợ, phối hợp, hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoài ra, LHPN tỉnh Hậu Giang còn thực hiện các biện pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh, còn hỗ trợ chị em đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường đạt tiêu chuẩn OCOP cho các loại thực phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu địa phương.

Còn Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện kế hoạch: 100% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ít nhất 600 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Trong đó có 300 phụ nữ đăng ký kinh doanh được hỗ trợ, phối hợp, hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã và 50 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý. Ngoài ra, còn hỗ trợ quỹ đất cho Hội nữ Doanh nhân tỉnh Đồng Tháp khởi nghiệp với dự án “Trồng rau sạch trong nhà lưới” và triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững ở các xã biên giới tỉnh Đồng Tháp.

Xã hội bình quyền giới nữ có điều kiện thể hiện một vai trò quan trọng trong xã hội. Họ không chỉ là người của gia đình như trước đây. Quan trọng hơn, rất nhiều người trong số họ là trụ cột gia đình, là nhân vật trung tâm của tổ chức, cơ quan, đoàn thể xã hội, không chỉ trong nước mà còn ở thế giới. Từ thực tế này mà khi trưởng thành, thành đạt, phụ nữ lại là giới có khuynh hướng xuất gia, xuất cư nhiều hơn. Nhưng điều đáng ngại trong việc li hương ở ĐBSCL là hiện tượng ồ ạt ra đi vì sinh kế. Còn buồn hơn, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình mà phải chấp nhận làm dâu xứ lạ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.