| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản bền vững, trách nhiệm: Không còn đường khác

[Bài 4] Con hàu… làm du lịch

Thứ Sáu 12/05/2023 , 15:55 (GMT+7)

Với lợi thế là tỉnh du lịch, việc nuôi trồng thủy hải sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu mang lợi ích kép: vừa thu giá trị sản xuất, vừa phát triển du lịch sinh thái biển.

Hướng đi mới

Từ nhiều năm nay, xã đảo Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) được mệnh danh là "vương quốc hàu", không chỉ dồi dào về số lượng mà còn cả về chủng loại. Sản lượng các loài thủy sản tại Long Sơn đạt khoảng 15.000 - 20.000 tấn/năm, trong đó đa phần là con hàu.

Tại Long Sơn, có hơn 300 cơ sở nuôi với hơn 13.500 lồng nuôi, diện tích mặt nước đạt 3.000 ha với các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Vị trí gần biển, nồng độ muối phù hợp, tập trung nhiều sinh vật phù du, là nguồn thức ăn tự nhiên, giàu dinh dưỡng cho hàu...

'Vương quốc hàu' Long Sơn đang trở thành điểm sáng trong việc phát triển nông trồng thủy sản gắn liền với phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Minh Sáng.

"Vương quốc hàu" Long Sơn đang trở thành điểm sáng trong việc phát triển nông trồng thủy sản gắn liền với phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Minh Sáng.

Trước đây, ở xã đảo Long Sơn, việc nuôi trồng thủy sản ở đây còn mang tính tự phát, thiếu bền vững, chưa có sự liên kết chặt chẽ, rõ ràng giữa du lịch với ẩm thực và hướng đến xuất khẩu.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của việc nuôi hàu lồng bè, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm…, cuối năm 2022, HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn được thành lập. Tuy chỉ mới đi vào hoạt động nhưng HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn đã chứng minh được chuỗi liên kết từ người nuôi trồng đến bàn tiệc, từ nuôi trồng đến tinh chế và đóng gói xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Quý Trọng Bình - Giám đốc HTX Như Ý Long Sơn, trước mắt HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người nuôi với giá cả ổn định. Tại Long Sơn, có nhà hàng phục vụ du khách.

"Ngoài việc tăng cường phối hợp với các công ty du lịch lữ hành để cùng đưa du khách sau khi tham quan Long Sơn sẽ thưởng thức đặc sản hàu của địa phương. Chúng tôi cũng đang xúc tiến việc đóng gói hàu phục vụ trong nước và xuất khẩu", ông Bình thông tin.

Đến xã đảo Long Sơn, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam không khỏi bất ngờ trước quy mô và sự bài bản của mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái ở đây. Nằm dưới chân cầu Chà Và, hệ thống làng bè Long Sơn nuôi hải sản rộng lớn, nối dài với nhau hiện lên mộc mạc và nên thơ, đã trở thành một điểm nhấn quen thuộc của nơi đây.

Lần đầu đến với làng bè Như Ý Long Sơn, gia đình anh Nguyễn Quang Phúc (ngụ TP. Thủ Đức, TP. HCM) khá bất ngờ và thích thú khi vừa tham quan ngắm cảnh, vừa thưởng thức các đặc sản tươi sống. Nhiều lần trước đây, anh Phúc chỉ đến Vũng Tàu tắm biển, thưởng thức hải sản rồi về lại TP. HCM chứ chưa được trải nghiệm hình thức du lịch sinh thái mới mẻ này.

"Rất ít để có cơ hội trực tiếp tìm hiểu về quá trình sinh trưởng của con hàu, các loài cá tại lồng bè ở dòng sông thiên nhiên như thế này. Gia đình đã có dịp thú vị để tìm hiểu về làng nghề nuôi trồng thủy sản, cũng như các hoạt động nghề cá một cách trực quan, sinh động", anh Phúc chia sẻ.

Với 13.500 lồng nuôi hàu và các loại thủy sản khác, sản lượng mà HTX Như Ý Long Sơn đạt khoảng 15.000 - 20.000 tấn/năm. Ảnh: Lê Bình.

Với 13.500 lồng nuôi hàu và các loại thủy sản khác, sản lượng mà HTX Như Ý Long Sơn đạt khoảng 15.000 - 20.000 tấn/năm. Ảnh: Lê Bình.

Theo bà Phạm Thị Na - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở đánh giá đây là một trong những mô hình trọng điểm của tỉnh và đang nghiên cứu, nhân rộng mô hình trên địa bàn.

"Du lịch và thủy hải sản là hai trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mô hình này của HTX Như Ý Long Sơn hội tụ cả hai điều này. Đây là hướng đi mới không chỉ cho ngành du lịch tỉnh mà còn là mô hình điểm của ngành nông nghiệp tỉnh”, bà Na thông tin.

Đồng quan điểm, ông Trần Công Khôi (Cục Thủy sản), cho biết Bà Rịa - Vũng Tàu nên nhân rộng mô hình này bởi tính hiệu quả. Du lịch gắn liền với hàu không chỉ bó hẹp ở phạm vi sông Chà Và mà còn cần được tận dụng ở các nơi có diện tích mặt sông, hồ khác. Bởi, con hàu là một trong những sản phẩm nổi tiếng trong phạm vi cả nước và có giá trị thực phẩm tốt nhất so với các tỉnh khác.

“Chúng tôi đánh giá mô hình này hiệu quả. Hợp tác xã và các cơ sở này cũng đã thu mua được các sản phẩm nuôi trồng của bà con ngư dân, đảm bảo được giá trị ổn định và có lãi cho ngư dân”, ông Khôi chia sẻ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, diện tích nuôi hàu Thái Bình Dương hiện nay đang phát triển mạnh tại Long Sơn với 120 hộ thả nuôi thương phẩm, trung bình khoảng 2.000m2/hộ, sản lượng hàng năm đạt khoảng 2.000 tấn (loại 20-30 con/kg).

Nuôi hàu Thái Bình Dương treo trên bè đơn hoặc treo kết hợp trên bè nuôi cá, vốn đầu tư không nhiều, không phải cung cấp thức ăn. Cũng như các loài nhuyễn thể khác, hàu Thái Bình Dương sử dụng thức ăn bằng phương pháp lọc góp phần làm sạch môi trường nước.

Nuôi trồng hải sản gắn du lịch sinh thái 

Hậu đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch gắn với thiên nhiên, về vùng thôn dã cũng nhiều hơn. Đây là lợi thế để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng khai thác nông thôn, nông nghiệp phát triển du lịch.

Một số mô hình sản nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch tại tỉnh đã và đang đi vào hoạt động khá tốt với sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm chất lượng, sau đó tạo thành tour du lịch trải nghiệm khép kín.

Nhờ đó, người dân không chỉ tăng thu nhập với sản phẩm nuôi trồng mà còn tạo làn gió mới thu hút du khách trong hành trình tham quan du lịch.

Con hàu Long Sơn không chỉ hướng đến phục vụ ẩm thực trên bàn ăn của người Việt mà còn sẽ 'xuất ngoại', phục vụ nhu cầu ăn uống của các nước trên thế giới. Ảnh: Lê Bình.

Con hàu Long Sơn không chỉ hướng đến phục vụ ẩm thực trên bàn ăn của người Việt mà còn sẽ "xuất ngoại", phục vụ nhu cầu ăn uống của các nước trên thế giới. Ảnh: Lê Bình.

Cùng với HTX Như Ý Long Sơn, HTX Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) là một điển hình của tỉnh. Tận dụng vị thế đất thấp trũng có sẵn suối hồ tự nhiên, HTX này cải tạo thành ao hồ nuôi cá chình, cá lóc rồi làm thêm nhà chòi hồ bơi, trồng hoa cảnh, dừa và mô hình trang trí đẹp mắt. Từ năm 2019, HTX bắt đầu mở cửa đón người dân địa phương đến câu cá, vui chơi, giải trí, ăn uống cuối tuần.

Trên thế giới, nhiều nước hiện đang áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch rất thành công, đơn cử như Na Uy. Việt Nam có nhiều lợi thế về diện tích mặt nước lớn và có đường bờ biển dài, có nhiều tiềm năng từ lĩnh vực này.

Bà Rịa - Vũng Tàu với 2 trụ cột kinh tế là thủy hải sản và du lịch, lại càng thích hợp để phát triển mô hình nuôi trồng hải sản gắn với du lịch. Tuy nhiên, nhiều năm nay điều này chưa được địa phương chú trọng. Quan trọng, Bà Rịa - Vũng Tàu cần những định hướng để phát triển bền vững ngay từ khi bắt đầu.

Theo ông Trần Công Khôi (Cục Thủy sản), định hướng nuôi thủy kết hợp du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu phù hợp với tình hình mới. Điểm lợi của định hướng này là lấy thủy sản để nuôi du lịch và lấy du lịch để nuôi lại thủy sản.

Tuy nhiên, theo ông Khôi, để những mô hình này đi “đường trường”, cần phải thực hiện đồng bộ, bài bản.

“Thứ nhất là quy hoạch ban hành thì phải đồng bộ giữa thuỷ sản, nông nghiệp, du lịch và các ngành kinh tế khác. Nếu mà thiên về một ngành nào đó thì rất là nguy hiểm đối với các ngành khác và phát triển sẽ bị lệch.

Thứ hai là sản phẩm thủy sản mà sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì phải an toàn, thường xuyên giám sát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt là trong công tác quan sát môi trường và giám sát dịch bệnh.

Thứ ba, cần phải quảng bá, xúc tiến thương mại đối với cái sản phẩm thủy sản. Hiện nay thì các tỉnh khác cũng đã làm tốt vấn đề này. Ví dụ như là Bạc Liêu xúc tiến thương mại về tôm, Cà Mau xúc tiến thương mại về cua, Phú Yên xúc tiến thương mại về cá ngừ và Phú Yên cũng xúc tiến thương mại về tôm hùm. Bà Rịa - Vũng Tàu phải xúc tiến thương mại. Có thể là hội chợ, những cuộc triển lãm, giao lưu ẩm thực. Đặc biệt là hàu Long Sơn tôi thấy rất ngon.

Chúng ta kiểm soát tốt chất lượng thì đương nhiên sản phẩm cũng sẽ phục vụ rất tốt cho du lịch. Và qua đó thì du lịch cũng quay lại cùng với thủy sản để đưa kinh tế của Bà Rịa -Vũng Tàu phát triển”, ông Khôi phân tích.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, ngành thuỷ sản trong vùng từng bước chuyển đổi theo hướng đánh bắt có kiểm soát, giảm khai thác, tăng nuôi trồng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị: "Khuyến khích phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển, thân thiện với môi trường. Thay cho cách hiểu có phần định kiến trước kia "du lịch đi đến đâu, thuỷ sản lùi tới đó", hoặc ngược lại. Giờ đây, du lịch và nuôi trồng thủy sản có thể hỗ trợ cho nhau, qua các hoạt động giáo dục ý thức về môi trường cho các du khách".

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.