Tấm gương CH Czech
Trong đợt dịch ASF kéo dài từ giữa năm 2017 và lây lan sang Việt Nam, CH Czech là một trong những nước hiếm hoi ở châu Âu bị ảnh hưởng. Trong cuộc chiến kéo dài gần 2 năm với virus nguy hiểm này, CH Czech trở thành nước đầu tiên và duy nhất được Ủy ban châu Âu thông báo là vượt qua hoàn toàn ASF hồi cuối tháng 3/2019.
Khi được hãng tin Reuters liên hệ, phát ngôn viên của bộ phận truyền thông đối ngoại CH Czech, Petr Majer bật mí rằng bí quyết nằm ở việc nước này tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Liên minh châu Âu (EU), thậm chí còn làm nhiều hơn so với khuyến cáo.
“Cả nước cùng vào cuộc chống lại ASF. Mọi người đều ý thức được sự nguy hiểm của đại dịch và luôn tự giác thực hiện những biện pháp phòng ngừa. Trong gần 2 năm, Cục Thú y đã đưa ra hơn 40 khuyến nghị tới người dân để đẩy lùi ASF trong từng thời điểm riêng biệt. Chẳng hạn, EU chỉ khuyên nên săn bắt lợn rừng ở khu có dịch, chúng tôi còn thúc đẩy các thợ săn tìm kiếm những xác chết động vật và mang đi tiêu hủy”, ông Majer chia sẻ.
Giống như Đan Mạch, từng chi 5,5 tỷ USD để làm hàng rào cách ly lợn hoang, chính phủ CH Czech cũng xem đây là mũi nhọn trong việc đẩy lùi ASF.
Một cá thể lợn hoang tại châu Âu. |
Majer nói tiếp: “Chúng tôi lắp đặt nhiều hàng rào có mùi thơm và điện, đồng thời chủ ý để lại những cánh đồng không thu dọn để lợn rừng trú ngụ, trước khi huy động lực lượng bắn tỉa tiêu diệt. Khu vực nhiễm dịch được khoanh vùng, sau đó thu hẹp dần để loại bỏ hoàn toàn những tác nhân gây bệnh”.
Đàn lợn tại CH Czech không lớn, ước tính chỉ khoảng trên dưới 3 triệu con. Trong tâm dịch, nước này được EU hỗ trợ kinh phí tiêu hủy và đền bù cho ngành chăn nuôi. Chính nhờ hai yếu tố này, quốc gia Trung Âu sớm kiểm soát và đẩy lùi được ASF. Dù vậy, phát ngôn viên Mejer cho rằng chưa thể chủ quan với những gì đạt được.
“Còn quá sớm để an tâm bởi ASF vẫn còn hoành hành ở những nơi khác. CH Czech vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị ASF tấn công trở lại, do chúng tôi chỉ kiểm soát được khả năng lây nhiễm qua con đường tự nhiên, từ quần thể lợn rừng. Hiện chính phủ đang tập trung kiểm soát yếu tố con người, tác nhân trung chuyển ASF qua khắp nơi trên thế giới”.
CH Czech hiện đẩy mạnh việc tái đàn ở những nơi từng có dịch. Nước này tổ chức quy trình xét nghiệp vật nuôi nghiêm ngặt, ngay cả âm tính vẫn phải nuôi riêng với con giống từ nơi khác chuyển đến. Song song với đó, trang trại cần có chứng nhận không có bọ ve (vector truyền bệnh ASF) trong khu vực để sản xuất trở lại.
Manh nha công nghệ nhận diện khuôn mặt
Việc CH Czech đẩy lùi được ASF, ngoài nỗ lực từ chính phủ, còn có nguyên nhân là đàn lợn nước này không lớn. Việc đền bù và theo dõi những khu vực nhiễm bệnh có thể được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, đó lại là rào cản lớn cho Nga và Trung Quốc, hai quốc gia xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới.
Một trong những đề xuất đáng chú ý giúp Nga, Trung Quốc, thậm chí là cả Việt Nam có thể giám sát chặt chẽ đàn lợn là công nghệ nhận diện khuôn mặt và giọng nói tại trang trại. Từ năm 2015, Bộ Công an Trung Quốc đã lắp đặt 200 triệu camera giám sát hành vi của công dân và xây dựng tập dữ liệu khổng lồ về toàn bộ 1,3 tỷ dân nước này.
Những nỗ lực của Trung Quốc giúp nước này dễ dàng nhận diện tội phạm nguy hiểm ở chỗ đông người, thanh toán bằng khuôn mặt… Trước việc ASF hoành hành suốt từ nửa cuối năm 2018, giới khoa học Trung Quốc, đi đầu là Alibaba đang xem xét đưa công nghệ tiên tiến này vào những trang trại nuôi lợn.
Ý tưởng của Alibaba là nhóm những nhà nuôi lợn và trong trang trại lớn, có thể tới hàng triệu con. Với mỗi cá thể lợn, người ta sẽ ghi nhận khuôn mặt và “giọng nói” của chúng.
Công nghệ mới sẽ giúp quản lý đàn lợn hiệu quả hơn. |
Nếu có bất cứ triệu chứng nào như tai bị tím, khó thở, hoặc đột nhiên một con lợn trở nên chậm chạp, chán ăn, hệ thống sẽ thông báo tới chủ trang trại để tiến hành cách ly và chẩn bệnh. Theo Tân Hoa xã, một trang trại ở tỉnh Hà Bắc đã thử nghiệm công nghệ mới này của Alibaba.
Có nhiều điểm mạnh nhưng công nghệ nhận diện khuôn mặt trên đàn lợn gặp rào cản lớn về tài chính. Alibaba cho biết, ngay cả khi áp dụng trên những trang trại có hàng triệu có lớn, giá thành để theo dõi và quản lý một đầu lợn vẫn vào khoảng từ 5-10 USD, gấp hàng chục lần so với cách đánh dấu kiểu cũ và theo dõi bằng sổ sách.
Với tiền lãi trung bình 50 USD trên một đầu lợn, rõ ràng người nông dân có lý do để phân vân trước số tiền đầu tư lớn này.