| Hotline: 0983.970.780

Lo sợ con gái dính vào bạo lực học đường

Thứ Tư 22/07/2020 , 14:12 (GMT+7)

Con học lên, cũng đồng nghĩa với nỗi lo nhiều lên không phải cơm áo gạo tiền mà là bạo lực học đường, nên và hư đó cô.

Cô kính mến!

Con gái cháu năm nay vừa xong lớp 5. Cháu học giỏi, hộ khẩu chung phường với ngôi trường công có tiếng mà vợ chồng cháu muốn nó học cấp 2 ở đó nên không có gì phải lo. Vấn đề lo âu ở hai khía cạnh khác mà cháu sẽ trình bày dưới đây.

Cô ơi, như mọi người phải làm việc để kiếm sống, con của cháu luôn ở nhà với bà nội và người giúp việc. Từ nhỏ, đã phải dỗ cháu ăn bằng ti-vi và điện thoại thông minh.

Trẻ con bập vào mấy thứ đó thì nó nhanh và sáng rỡ lên, rất đáng yêu. Khi vào tiểu học, chúng cháu biết là phải hạn chế hai thứ đó nhưng không có cách khác.

Bây giờ thì iPad, iPhone nhà nào cũng sẵn, trẻ con nhà nào cũng sử dụng chúng thành thạo, bởi vì chúng quá yêu thích các thứ chúng tìm được trên đó.

Rồi các cháu và đám bạn bè phát hiện con cái tránh giao tiếp với cha mẹ, chúng có những lúc ngây độn, đờ ra như robot. Và không đọc sách, không thiết tha đi đâu trừ siêu thị để đòi mua các thứ và sà vào phòng game.

Biết làm sao, cả vợ chồng đều thống nhất không đẻ nữa, để nuôi dạy một đứa này thôi cho trọn vẹn. Nhưng một đứa cũng không biết dạy dỗ kèm cặp ra sao khi mà nó nghiện các thứ tiện ích từ công nghệ số như vậy.

Vấn đề thứ hai là nó nói với vợ chồng cháu về bạo lực học đường. Nó nói nó sẽ không để yên nếu bạn nó xử bạo lực với nó, nó sẽ chống lại và kết bạn với đứa dám chống lại.

Cháu hình dung, vậy là ngay từ lớp 6 đã phải xem và lập nhóm, mà đã là nhóm thì khuynh hướng và áp lực, nếu xảy ra xô xát, phải chiến đấu chứ gì? Nghe mà sợ quá đó cô.

Con học lên, cũng đồng nghĩa với nỗi lo nhiều lên không phải cơm áo gạo tiền mà là bạo lực học đường, nên và hư đó cô.

----------------------

Cháu thân mến!

Cô đã nhiều lần nói với các con của cô về vấn nạn trẻ con thời công nghệ số. Ở các nước văn minh, con người biết cảnh giác sớm nên hậu quả có vẻ đỡ hơn.

Ví như trẻ con không được tự tiện cầm điện thoại của bố mẹ, ban đêm phòng của trẻ bị cắt cáp truyền hình và cắt Internet để chúng ngủ yên giấc (do các con họ đều có phòng riêng), ví như bố mẹ làm gương với con nên không vừa ăn vừa cắm mặt vào smartphone… Vân vân và vân vân.

Nước mình bố mẹ sấp mặt kiếm sống, con cái có thể được hỗ trợ của ông bà, nhưng ông bà thuộc thế hệ khác, ông bà mù tịt kỹ thuật số, ông bà lại vin vào người giúp việc, thế là trẻ bị bỏ mặc cho ti-vi và iPad, iPhone…

Nhà nào cũng như vậy, đó là cái giá của lạc hậu khi bước ra đại lộ với thế giới, cái giá của mưu sinh trong thời buổi vừa chạy vừa xếp hàng, cái giá của đẻ con dễ mà nuôi chúng thật khó khăn, thật tốn kém, thật nhiều kỹ năng của thời đại số hóa.

Thôi, chuyện ấy cố tránh từ tấm gương của chính mình cho con, cháu nhé. Chuyện đáng lo là bạo lực học đường.

Con gái của cháu lên lớp 6, sự quan tâm của nó là của đứa bé dậy thì rồi đó. Là sao? Là nó đã biết hình dung chuyện sắp tới, biết nghĩ đến tổn thương và tự vệ, biết nhìn bằng con mắt xã hội của một cô bé bắt đầu tuổi thiếu nữ.

Mừng hay lo? Mừng vì đó là ý nghĩ của đứa sẽ trưởng thành: sống sao đây, kết bạn với những ai, nhóm bạn sẽ làm những gì để mạnh và keo sơn? Lo cũng có lo chứ, thậm chí lo nhiều, là vì hiện tượng bạo lực học đường không đơn lẻ, cá biệt nữa rồi.

Vẫn nên theo sát con cháu ơi. Con gái là từ mẹ, việc của mẹ nhiều hơn. Tâm tình, quan sát, quan tâm, lắng nghe…Phải cho con ý thức chọn bạn, chơi với bạn hiền bạn ngoan, không chơi rộng, không ngổ ngáo, không ngông nghênh, không ỷ lại…Nói chung, nếu không để mắt là sẽ có hậu quả: hoặc con mình là đứa bị bắt nạt, hoặc con mình vào hùa với cái phe chủ động gây sự hành hung người khác.

Thở dài ngao ngán. Nhưng không vì thế mà không sống, không yêu thương nhau, không có ấm êm hạnh phúc. Vẫn rất nhiều gia đình bình an mà cháu. Cố gắng với đường trường, cả cha mẹ, không được lơ là, cho đến khi con thực sự trưởng thành, nhé cháu. 

Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Đàn ông toan tính không thể có hạnh phúc hôn nhân

Đàn ông toan tính chạy theo nhan sắc và tiền bạc, thì dù có khéo léo đến mấy cũng lộ ra khuôn mặt bội bạc và khó giữ mái ấm đích thực.