| Hotline: 0983.970.780

Bán 15.000 gốc mai, làng An Tây ăn tết to!

Thứ Hai 25/01/2021 , 15:48 (GMT+7)

Khoảng 15.000 gốc mai tại làng An Tây (Bình Dương) sẽ cung ứng ra thị trường, thu về hàng chục tỷ đồng, giúp nông dân trồng mai sẽ có một cái tết thật to!

Làng mai An Tây vào vụ tết. Ảnh: Trần Trung.

Làng mai An Tây vào vụ tết. Ảnh: Trần Trung.

Đến làng mai An Tây (xã An Tây, thị xã Bến Cát, Bình Dương) những ngày này, PV NNVN không khỏi choáng ngợp trước những tán mai vàng xanh mượt, nụ nhú đầy cành chuẩn bị khoe sắc.

Hình ảnh nông dân tất bật chăm sóc những gốc mai vàng mơn mởn đã làm cho làng quê trên vùng đất Bình Dương tràn đầy sức sống, tươi vui sau một năm khó khăn vì đại dịch Covid-19.

 Vào mùa làm ăn lớn!

Từ trung tâm xã An Tây, men theo đường bê tông phẳng lỳ rợp bóng cao su đến khu vực ấp Lồ Ồ, nơi mệnh danh là làng mai của địa phương, trước mắt chúng tôi mở ra một khung cảnh rất sôi động. Bà con nông dân trồng mai đang hối hả chạy đua với thời gian để chuẩn bị đưa những gốc mai xinh xắn đến với mọi nhà.

Anh Bùi Đức Dũng tất bật chăm sóc vườn mai của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Anh Bùi Đức Dũng tất bật chăm sóc vườn mai của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

 Ghé thăm vườn mai giảo (mai tự nhiên, không cấy ghép) của Anh Bùi Đức Dũng, chúng tôi cảm nhận được sắc xuân đang ngập tràn. Hơn 2.000 cây mai đủ loại kích cỡ đã nằm ngay ngắn trên các khung chậu, các công đoạn cắt tỉa cành nhánh đã xong, chỉ còn chờ đến giữa tháng 12 Âm lịch sẽ lặt lá mai để hoa bung nở. Chỉ tay vào những gốc mai lớn đang ra nhiều nụ, anh Dũng vui vẻ cho hay: “Từ nay đến tết, nếu thời tiết như những ngày này thì cây mai sẽ bung hoa đều, rất đẹp. Trước tết khoảng 15 ngày, tùy theo thời điểm cho cây mai ra hoa, chúng tôi lặt lá, chăm sóc, khi đó mai sẽ nở hoa đúng vào mấy ngày tết”.

Theo Anh Dũng, với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng mai, nông dân ngại nhất là thời tiết chuyển lạnh trong những ngày cận tết. Khi đó, quy trình chăm sóc mai sẽ bị ảnh hưởng, nụ mai không khỏe cho nên sức bung của nụ mai không đều, hoa không đẹp, màu sắc không được tươi. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch Covid -19 khiến kinh tế khó khăn, dự báo sức mua mai giảm. Thế nhưng, mai của làng nghề có tiếng về chất lượng, giá cả lại cạnh tranh từ 3 – 30 triệu đồng mỗi gốc nên không lo đầu ra.

Anh Dũng khoe gốc mai giảo hơn 50 năm tuổi của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Anh Dũng khoe gốc mai giảo hơn 50 năm tuổi của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Cách vườn mai nhà anh Dũng không xa là vườn mai ghép của nhà anh Hồ Hữu Lượng. Vườn mai này có khoảng 300 gốc mai ghép với vóc dáng nhỏ nhắn nhưng được tạo hình đẹp khiến người xem phải đắm mắt nhìn ngắm thật lâu mới thỏa mãn. Anh Lượng cho biết, làm mai ghép vất vả hơn mai giảo khá nhiều. Để tạo ra được một gốc mai ghép có sức sống tốt, dáng đẹp, hoa đẹp thì người trồng mai phải có kỹ thuật và kiến thức giỏi, đồng thời dành nhiều thời gian chăm bón và quan sát sự phát triển.

Theo anh Lượng, để có được cây mai tết đẹp phải hội tụ đủ 4 yếu tố “nhất dáng – nhì đế – tam tàn – tứ thế”. Tuy nhiên, cây mai rất khó tính, chỉ cần bỏ bê vườn mai vài hôm là dáng mai xuống rõ nét. Ghép cành, tạo dáng cho mai vất vả một thì sửa dáng mai cực gấp đôi.... “ Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tùy vào đối tượng chơi mai, ngoài mai ghép, chúng tôi còn chuẩn bị cả mai giảo, mai bon sai... để phục vụ nhu cầu tết cho bà con với giá thành phù hợp”, anh Lượng bộc bạch.

Vườn mai 300 gốc của gia đình anh Hồ Hữu Lượng. Ảnh: Trần Trung.

Vườn mai 300 gốc của gia đình anh Hồ Hữu Lượng. Ảnh: Trần Trung.

15.000 gốc mai đến với mọi nhà

Mai vàng là loại hoa kiểng không thể thiếu trong thời điểm năm hết tết đến, nhất là ở Nam bộ, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một bình mai, chậu mai đón xuân. Đời sống của người dân ngày càng nâng cao thì nhu cầu chơi mai, thưởng thức vẻ đẹp của mai ngày càng lớn. Nắm bắt nhu cầu thị trường, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2012, Tổ hợp tác “ Làng Mai An Tây” được ra đời với 19 thành viên, diện tích canh tác trên 8,6 ha.

Làng mai An Tây hối hả vào mùa làm ăn. Ảnh: Trần Trung.

Làng mai An Tây hối hả vào mùa làm ăn. Ảnh: Trần Trung.

Anh Huỳnh Ngọc Cẩn - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, việc thành lập Tổ hợp tác nhằm giúp tổ viên liên kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh; cùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tính toán đầu vào và tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Tổ xây dựng quỹ tương trợ, đoàn kết giúp nhau về vốn, cây giống… để cùng phát triển. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn được Hội Nông dân xã xây dựng dự án “Trồng và chăm sóc mai”, được Hội Nông dân thị xã Bến Cát và Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho vay vốn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.

“Nghề trồng mai tại đây có truyền thống từ lâu đời, ban đầu chỉ có dăm bảy hộ trồng chưng trong nhà vào dịp tết. Dần dần do nhu cầu lớn nên nhiều hộ tận dụng diện tích đất quanh nhà để trồng mai, sau đó tự lai giống, chăm sóc uốn tỉa cành, tạo tán, cho ra nhiều sản phẩm độc đáo. Hiện hầu hết sản phẩm bà con đều được đặt hàng, chỉ chờ đến ngày là giao cho khách”, anh Dũng tiết lộ.

Những cây mai An Tây đã sẵn sàng phục vụ tết Tân Sửu 2021. Ảnh: Trần Trung.

Những cây mai An Tây đã sẵn sàng phục vụ tết Tân Sửu 2021. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Cẩn, tết Canh Tý 2020 vừa qua, do thời tiết không thuận lợi, cây mai trổ hoa sớm nên làng mai chỉ kịp cung ứng cho thị trường trên 10.000 gốc. Tuy nhiên, tết Nguyên đán năm nay tình hình thời tiết khả quan hơn, làng mai sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 15.000 cây mai các loại, thu về hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn phát triển thêm dịch vụ nhận dưỡng và chăm sóc mai cho các hộ dân, các cơ quan, công ty… Dự kiến đợt tết này sẽ đem lại lợi nhuận không dưới 400 đến 500 triệu đồng mỗi tổ viên. 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm