Rầm rộ xới đất mặt đem bán
Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nhiều nông dân ở tỉnh Vĩnh Long thuê máy xới, máy cày cào xới lớp đất mặt ruộng lúa để bán. Ghi nhận của Báo NNVN, thực trạng này diễn ra ở nhiều nơi như: xã Song Phú, Phú Lộc, Mỹ Lộc huyện Tam Bình; xã Phú Đức, huyện Long Hồ và xã Mỹ An, huyện Mang Thít...
Những ngày này, phong trào diễn ra rầm rộ hơn cả. Chạy theo con đường từ Khu đô thị mới Song Phú (huyện Tam Bình) về chọ Cái Ngang (xã Mỹ Lộc) huyện Tam Bình sẽ thấy nhiều núi đất khổng lồ do người dân thuê máy cày, máy xới cào xới và xe tải chở từ ruộng vào chất đống dự trữ. Còn riêng tại xã Mỹ An trên đường tỉnh 909 cũng có việc nhiều người cặm cụi xúc từng cục đất bỏ vào bao, sau đó sẽ có xe chở thu gom về điểm tập kết ven lộ.
Tuỳ nơi và lớp đất sâu cạn mà giá bán có chênh lệch đáng kể. Nhìn chung người dân sẽ lấy khoảng từ 5-10 cm, ruộng cao hơn sẽ lấy sâu hơn. Đất mặt còn nguyên gốc rạ, dinh dưỡng cao. Người dân bán theo bán theo đơn vị bằng bao. Mỗi bao chứa 2 thùng đất (loại thùng nước sơn, khoảng 20 kg). Tại xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình), giá bán dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/bao. Mỗi công (1.000m2) người ta lấy được khoảng 2.000 bao. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu về khoảng 8 triệu đồng/công. Còn tại xã Mỹ An, huyện Mang Thít đất mặt nếu bán tại ruộng sẽ có giá 10.000 đồng/bao. Nếu giao ở nơi gần sẽ có giá 15.000 đồng/bao.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long đất mặt ruộng có lượng dinh dưỡng chỉ sâu khoảng 20cm. Do đó, nếu người dân cào đất mặt để cải tạo ruộng lúa thì cần tốn nhiều thời gian, bón nhiều phân mới cải thiện được chất dinh dưỡng cho mặt đất.
Sau khi lớp đất mặt nhiều chất dinh dưỡng bị lấy đi hết thì đến phần đất sinh phèn. Phần đất này có thể gây ngộ độc hữu cơ cũng như không cung cấp chất dinh dưỡng cho cây lúa phát triển được. Điều này đồng nghĩa sẽ làm năng suất bị sụt giảm nhiều và phải tốn ít nhất 5 đến 7 năm mới phục hồi lại chất dinh dưỡng cho mặt ruộng.
Theo người dân sống gần nơi diễn ra việc này cho biết: Việc này diễn ra trong những năm gần đây và chỉ diễn ra sau vụ đông xuân, thời tiết khô ráo. Những ruộng gò (cao hơn ruộng khác) được chủ ruộng thuê máy cày, máy xới để lấy đi lớp đất mặt, dự trữ để bán cho người có nhu cầu. Việc này được thực hiện nhằm 2 mục đích. Thứ nhất nhằm hạ thấp mặt ruộng cho ngang bằng với các ruộng khác để mặt ruộng giữ nước tốt hơn, tránh trường hợp bị cỏ dại và đỡ tốn kém chi phí bơm nước. Thứ hai, đất mặt ruộng lấy đi được bán cho người có nhu cầu để trồng cây kiểng, đa số ở miền Đông Nam bộ để bồi gốc mai.
Việc mua bán mặt đất ruộng đã vi phạm Luật Trồng trọt. Theo đó, tại khoản 1, điều 57 quy định: Tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước chỉ được sử dụng vào mục đích nông nghiệp; được bảo vệ và sử dụng hiệu quả. Về mặt quản lý thì giao chính quyền địa phương, cấp xã, cấp huyện sẽ xử phạt những trường hợp khai thác mặt đất ruộng nếu không được cấp phép.
Đối với những trường hợp được phép cải tạo đất ruộng, theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, người dân có thể dùng nhiều cách để cải tạo lại mặt đất ruộng.
Thứ nhất là cào hết lớp mặt đất khoảng 20cm để sang một bên, sau đó lấy phần đất phía dưới để bán hoặc dùng cho mục đích khác, sau đó làm bằng mặt ruộng như hiện trạng ban đầu.
Thứ hai là người nông dân có thể lấy 1/3 mặt đất ruộng tức là khoảng 6cm để hạ thấp mặt đất ruộng theo nhu cầu cải tạo ruộng lúa.
Thứ ba là lấy đất ở những nơi gò cao, sau đó cào bằng lại mặt ruộng.
Việc làm này thì cực và tốn nhiều thời gian cho người nông dân, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cho vụ lúa tiếp theo.
Được biết, sự việc mua bán đất mặt ruộng đang được UBND các huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long thống kê và sẽ thực hiện các bước xử lý theo quy định.
Long Hồ chấn chỉnh việc mua bán đất mặt ruộng sai quy định
Ngày 2/3/2023, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ vừa ra văn bản về việc chấn chỉnh hoạt động khai thác đất mặt, đất ruộng trên địa bàn ruộng. Hiện nay việc khai thác đất mặt (lớp mặt của đất ruộng) để vận chuyển đi nơi khác nhằm mục đích kinh doanh, cho tặng… đang diễn ra trên diện rộng ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sau vụ lúa đông xuân vừa thu hoạch. Nhằm chấn chỉnh việc này, UBND huyện Long Hồ giao UBND các xã, thị trấn tổ chức họp dân đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đang hoạt động khai thác đất mặt, đất ruộng để thực hiện công tác tuyên truyền vận động, cho ký cam kết vào biên bản làm việc. Mục tiêu là làm cho người dân hiểu được các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh đất mặt, đất ruộng là hành vi vi phạm pháp luật.
Nội dung tuyên truyền theo các điều, khoản của Luật Khoáng sản và Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Theo đó, đất mặt trên đồng ruộng là tài nguyên khoáng sản, không được tự ý vận chuyển đi nơi khác nhằm vào các mục đích cho tặng hay kinh doanh. Tùy theo khối lượng khoáng sản được khai thác, được tính bằng m3 theo quy định nêu trên sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất là 1 triệu đồng đến mức cao nhất là 50 triệu đồng và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
UBND huyện Long Hồ giao Chủ tịch UBND xã, thị trấn thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân còn cố ý vi phạm sau khi được tuyên truyền, giáo dục và đã ký vào bản cam kết; Chủ động phối hợp với Tổ công tác kiểm tra khai thác của huyện để tiến hành lập hồ sơ xử lý đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định.