| Hotline: 0983.970.780

Bản Đoòng ngút ngàn giữa lòng di sản: [Bài 5] Kỳ tích giữa đại ngàn

Thứ Hai 25/03/2024 , 06:30 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Năm 2015, bản Đoòng mới thành lập được chi bộ Đảng do thầy giáo Hoàng Văn Sáu làm Bí thư. Bây giờ, Chi bộ Bản Đoòng đã tạo nên nhiều nhân tố mới…

Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) Nguyễn Văn Đại cho hay, Chi bộ bản Đoòng đã hoàn thành tốt vai trò của tổ chức Đảng cơ sở trong nhiệm vụ xây dựng Đảng và lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội cho bà con. “Những năm gần đây, Chi bộ luôn đạt danh hiệu hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo nên được nhiều nhân tố mới trong cộng đồng”- Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Đại đánh giá thêm.

Rừng di sản đã được người dân bản Đoòng bảo vệ giữ gìn. Ảnh: T. Đức.

Rừng di sản đã được người dân bản Đoòng bảo vệ giữ gìn. Ảnh: T. Đức.

Những  “hạt giống đỏ” đầu tiên…

Chi bộ Đảng Bản Đoòng được thành lập để xóa “bản trắng” lúc đó. Thầy giáo Hoàng Văn Sáu được chỉ định là Bí thư Chi bộ với 3 đảng viên trong điểm trường tại đây.

Bây giờ, Chi bộ Bản Đoòng phát triển được 5 đảng viên người dân tộc Vân Kiều. Thầy giáo Hoàng Văn Sáu thôi giữ chức Bí thư chi bộ. Trong 5 đảng viên thì có 4 người là con già Tòa, gồm: Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Văn Chiều, Nguyễn Văn Chan, và Nguyễn Văn Chóc. Tròn 6 năm tuổi Đảng thì Nguyễn Văn Chóc được bầu giữ chức Bí thư chi bộ.

Bí thư Nguyễn Văn Chóc cho chúng tôi hay, Chi bộ cũng có nhiều nghị quyết về bảo vệ rừng di sản. Mỗi một đảng viên tuyên truyền vận động gia đình, hàng xóm… tích cực tham gia. Người dân của bản đã thôi không vào rừng đặt bẫy, săn thú. Cá dưới suối chỉ thả lưới bắt đủ ăn chứ không mang đi bán về dưới xuôi. Hàng ngày mọi người vào rừng kiếm củi khô chứ không chặt, đốt cây xanh… “Nhiều năm liền, cán bộ Kiểm lâm vào ra như đi chơi thăm bà con thôi chớ có ai vi phạm chi nữa đâu. Rừng được bảo vệ nghiêm lắm”- Bí thi Chóc hồ hởi nói.

Đàn trâu phát triển đã giúp bà con có được nguồn thu nhập cao. Ảnh: T. Phùng.

Đàn trâu phát triển đã giúp bà con có được nguồn thu nhập cao. Ảnh: T. Phùng.

Những năm trở lại đây, người dân bản Đoòng được giao quản lý, bảo vệ gần 800ha rừng di sản, kinh phí hỗ trợ cho bà con 80 triệu đồng/năm. Đó cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho bản, bảo đảm tốt vấn đề lương thực hàng ngày.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chia sẻ cùng chúng tôi: “Bây giờ thì bản Đoòng như một điểm sáng về bảo vệ và gìn giữ di sản. Bà con không chỉ làm rất tốt việc phát hiện, ngăn chặn người lạ vào rừng. Phát hiện những đối tượng xâm hại đến rừng để báo với cán bộ hay tự mình đến khuyên giải người là nên quay ra khỏi rừng”.

Điều lạ là đàn bò không phát triển được, nhưng đàn trâu của bản Đoòng thì tăng đàn nhanh lắm. Từ những con giống ban đầu mới mua về thì đến nay, đàn trâu của bản cùng xấp xỉ lên đến 120 con. Trâu được chăn thả theo vùng chứ không phải thả rông. Tối đến, các nhà có trâu luân phiên nhau đi lùa đàn trâu về khu vực chuồng nhốt. Gia đình Bí thư Chóc có đàn trâu nhiều nhất, lên đến gần 40 con. Bí thư Chóc bảo: ‘Trâu nuôi ở rừng nên khỏe, thịt ngon được giá lắm. Đàn trâu như của để giành đó, khi cần thì bán vài con hay chục con thì cũng thu được vài trăm triệu đồng. Thu nhập của bà con từ nuôi trâu cũng khá lắm đó”.

Để bản Đoòng có tên…

 Bản là cộng đồng chung của những người cùng huyết thống, gốc rễ nên trai gái lớn lên đến tuổi lập gia đình đều phải cắt rừng, lội suối đi “bắt” chồng, “bắt” vợ nơi khác, qua Rào Con, vào Khe Ngát, lên Tân Trạch, Thượng Trạch, đến các bản làng ở Trường Xuân, Trường Sơn… Nhờ vậy, trải qua gần 35 năm hình thành bản Đoòng, tình trạng hôn nhân cận huyết hầu như không xảy ra.

Khách du lịch nước ngoài dừng chân ăn cơm tại bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Khách du lịch nước ngoài dừng chân ăn cơm tại bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Những ngày chúng tôi trải nghiệm ở bản Đoòng, thấy những tín hiệu vui khi bà con biết rào nhà, rào vườn chắc chắn, không cho trâu bò vào phá hoại, giữ sạch nhà, sạch bản, trồng thêm sắn, ngô.

Khi Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Công ty Oxalis), mở  tour du lịch mạo hiểm khám phá hang Sơn Đoòng thì bản Đoòng như được tiếp sức vươn lên. Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis cho hay, những ngày đầu, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống nước tự chảy, đưa bồn nhựa đựng nước tặng cho bà con. ‘Chúng tôi đã ủng hộ kinh phí cho bà con xây trường học, san sẻ một phần công việc phục vụ trong tour du lịch mạo hiểm khám phá hang Sơn Đoòng cho bà con có thêm thu nhập”- ông Nguyễn Châu Á nói.

 Công ty Oxalis hỗ trợ kinh phí giúp dựng lại trường học khang trang. Nhưng đến cuối năm 2020, một trận lũ tràn qua làm hư hại toàn bộ khu trường. “Phải tìm vùng đất cao để làm trường cho com em học nhiều cái chữ và cái lũ không ghé thăm được mới bền vừng”- già Tòa nghĩ vậy và họp bản bàn bạc. Tại cuộc họp, chị Nguyễn Thị Chim (con gái thứ 5 của già Tòa), cùng chồng Trần Văn Sử đưa tay xin phát biểu: “Gia đình miềng xin hiến đất cho bản để xây trường”.

Những du khách thám hiểm hang Sơn Đoòng và khám phá cuộc sống bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Những du khách thám hiểm hang Sơn Đoòng và khám phá cuộc sống bản Đoòng. Ảnh: T. Phùng.

Huyện Bố Trạch, chính quyền xã Tân Trạch và Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và  Công ty Oxalis thống nhất quyết tâm xây lại điểm trường mới tại bản Đoòng. Từ lời kêu gọi của Quỹ hỗ trợ cộng đồng thuộc Công ty Oxalis, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhanh chóng góp kinh phí gần 1 tỷ đồng. Công ty Oxalis huy động đến 125 nhân viên porter thực hiện tổng cộng 600 ngày công ròng rã vận chuyển hơn 80 tấn thiết bị, nguyên vật liệu từ bên ngoài vào. Ngày khánh thành điểm trường mới trở thành ngày hội lớn của đồng bào Vân Kiều ở bản Đoòng. Trong niềm vui, già Tòa rưng rưng: “Rứa là từ đây, bản Đoòng bước sang trang mới. Bà con ghi sâu vào cái đầu, vào nếp nghĩ của mình ơn Đảng, Nhà nước và đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc. Bản Đoòng chưa bao giờ bị lãng quên”.

Bây giờ, bản Đoòng được xem như là trạm nghỉ chân của các đoàn khách du lịch trong vào ngoài nước trên chặng đường thám hiểm hang Sơn Đoòng. Những bữa cơm đón khách được bố trí trong những ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng đãng và sạch sẽ. Nhiều du khách nước ngoài đã có những ấn tượng đẹp khi tiếp xúc với tấm lòng thân thiện của người dân bản Đoòng. Già Tòa cười bảo: “Họ (ý nói khách nước ngoài), nói miềng không hay. Miềng nói họ chẳng biết. Nhưng cái mắt, cái miệng, cái tay nói lên điều thân thiện là họ cười vui thì miềng biết họ ưng cái bụng thôi”.

Dẫn chúng tôi sâu vào khu vực bản Đoòng, Bí thư Chóc bảo: “Trước đây còn có cái đập Đá Bạc, bản Đoòng khai hoang, trồng gần 3 ha lúa nước. Qua nhiều lần ngập lũ, đập Đá Bạc bị cuốn trôi. Ước mơ của bà con là làm sao khôi phục lại diện tích lúa nước”. Khôi phục được diện tích lúa nước, chắc chắn đồng bào no ấm hơn. Bản Đoòng trở thành một địa điểm sinh thái lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế dừng chân trải nghiệm trên hành trình khám phá hang Én, hang Sơn Đoòng.

Người dân bản Đoòng đã tự tin để chung sức xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no. Ảnh: T. Phùng.

Người dân bản Đoòng đã tự tin để chung sức xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no. Ảnh: T. Phùng.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho hay, xã cũng đang cùng một đơn vị đối tác lên dự án đưa nước về ruộng nhằm phục hồi diện tích lúa nước cho bà con. Nếu điều kiện thuận lợi thì sẽ triển khai được trong năm nay.

“Phải làm thế nào để bà con có được diện tích lúa 3 - 5 ha ruộng đảm bảo được nước tưới sản xuất 2 vụ. Đồng thời, thực hiện quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa màu, vùng nuôi nhốt chăn nuôi. Qua đó, giúp người dân tự chủ được đời sống, có thu nhập ổn định và thành điểm thu hút khách du lịch khi đến với Sơn Đoòng”- ông Nguyễn Văn Đại nói thêm.

Trong tiến trình phát triển của bản Đoòng, chính quyền xã cũng đã có kế hoạch quy hoạch vùng đất ở, mở rộng và bê tông hóa con đường đi xuyên qua bản để thuận lợi cho phục vụ du lịch, phát triển kinh tế.

“Chúng tôi cũng sẽ xây dựng mô hình bản kiểu mẫu tại đây, làm điểm cho chương trình  xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc miền núi của địa phương. Trên cơ sở đó, bản Đoòng sẽ thành một  điểm du lịch thực sự, là điểm đến thu hút khách muôn phương”- ông Nguyễn Văn Đại hy vọng.

Chúng tôi thêm một lần nữa chia tay bản Đoòng. Như mọi lần trước, già Tòa lại đứng ở bậc cấu thang cuối cùng trước nhà sàn của mình nhướng nhướng gót chân mà nói với theo: “Hầy, qua năm cái thằng nhà báo Quảng Bình lại lên với già nữa nhá. Lại phải uống đủ ba chén rượu đấy nhá”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm