| Hotline: 0983.970.780

Băn khoăn làm lúa 3 vụ/năm: [Bài 5] Giảm vụ chỉ ý nghĩa khi đi kèm phục hồi hệ sinh thái

Thứ Ba 24/09/2024 , 08:00 (GMT+7)

Đồng Tháp Giảm vụ, chuyển đổi sinh kế ở những vùng sản xuất lúa vụ 3 không còn hiệu quả sẽ giúp nông dân khôi phục hệ sinh thái tự nhiên mà vẫn giữ được lợi nhuận.

Thâm canh 3 vụ lúa/năm đang tạo ra những khó khăn cho nông dân khi dịch hại gia tăng, đất đai bạc màu, dẫn đến lợi nhuận dần sụt giảm…

Để tìm giải pháp cho cây lúa giúp nông dân có những định hướng sản xuất trong thời gian tới để vừa đảm bảo lợi nhuận, vừa bền vững môi trường, Báo Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL.

TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL trong chuyến công tác thực tế tìm hiểu mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL trong chuyến công tác thực tế tìm hiểu mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân hiểu rõ vì sao đất kiệt quệ

Khi hoàn chỉnh hệ thống đê bao, việc sản xuất lúa của nông dân vùng bị ảnh hưởng lũ thượng nguồn rất thuận lợi trong những năm qua. Nhưng càng về sau càng xuất hiện nhiều sâu bệnh hại, nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

Bài liên quan

Một giống lúa mà chỉ “ăn” hoài một thứ trong đất năm này qua năm kia, dĩ nhiên nó có một phần được bồi bổ lại từ không khí, vi sinh vật… nhưng không đủ. Chỉ có một phương án duy nhất là lấy từ nguồn phù sa dưới sông bồi vô mới đủ.

Ở vùng đầu nguồn, trước kia hàng năm nước thượng nguồn đổ về mang theo phù sa, nông dân lấy vào đồng ruộng, tới tháng 11 – 12 bắt đầu làm lúa. Nhưng khéo lắm cũng chỉ làm 2 vụ/năm, còn vụ 3 phải dành thời gian đó cho đất đai, môi trường phục hồi lại. Trong đó, quan trọng nhất là đất phải nạp phù sa để phục hồi dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.

Do đó, vấn đề gần như bắt buộc nếu muốn làm giống đó nhiều năm là phải cân bằng lại tự nhiên. Từ khi có hệ thống đê bao và sản xuất 3 vụ lúa/năm, những năm đầu ruộng được giữ khô, rễ lúa có thể ăn sâu xuống 2 tấc để lấy dinh dưỡng nên trúng mùa, năng suất tăng. Nhưng rồi khi lấy hết dinh dưỡng ở 2 tấc đó, đất sẽ kiệt quệ. Đó là lý do vì sao nông dân phải bón phân ngày càng nhiều để giữ năng suất, nhưng bón nhiều thì lỗ, năng suất lại đi xuống, chi phí tăng lên.

Vấn đề hiện nay là bà con nông dân đã chuyển qua hình thức canh tác 3 vụ rồi, đất đã giữ khô 10 – 20 năm, nhà cửa bà con cất thấp, rồi mồ mả, thậm chí có những chỗ bà con đã bỏ tiền bạc vô trồng cây ăn trái. Nếu xả lũ vào đồng trở lại như ngày xưa thì sẽ gây ngập, người dân không bao giờ đồng thuận, cho dù bà con hiểu rất rõ vì sao đất kiệt quệ. Chính quyền địa phương cũng không dám quyết.

Ông từng đưa ra quan điểm “không hối tiếc” khi nông dân vùng ĐBSCL, nhất là vùng thượng nguồn đẩy mạnh sản xuất 3 vụ lúa/năm. Ông lý giải quan điểm này như thế nào?

Lúc trước tôi có đưa ra khái niệm với chính quyền địa phương và cán bộ là “không hối tiếc”. Nghĩa là có những quyết định đã chọn rồi, phải chấp nhận đi theo con đường đó.

Vùng nông nghiệp ở ĐBSCL vào thời điểm hơn thập kỷ trước người dân thu nhập thấp, không bù nổi chi phí sống. Do đó, việc canh tác lúa vụ 3 đã tạo ra được kinh tế, kết nối cho cả khu vực, quyết định đó dứt khoát phải làm.

Cỏ năn tượng là một trong những cây trồng được đánh giá phù hợp làm nguyên liệu cho công nghiệp, phục vụ đời sống, giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Cỏ năn tượng là một trong những cây trồng được đánh giá phù hợp làm nguyên liệu cho công nghiệp, phục vụ đời sống, giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Khi môi trường còn phong phú, vẫn còn khái niệm sống tự do trên mảnh đất của mình, muốn trồng rau, bắp, lúa cũng được. Nhưng khi khoanh vùng, sự tự do phụ thuộc vào quyết định chung. Xung quanh trồng lúa, bón phân, bắt buộc phải trồng lúa theo.

Tài nguyên tự nhiên ngày xưa rất phong phú, con người cũng là một phần của môi trường. Khi canh tác 3 vụ liên tục, sức hấp thu của môi trường hay khả năng tái tạo lại dinh dưỡng đã kiệt.

Vùng thượng nguồn tỉnh Đồng Tháp người dân rất có kinh nghiệm, hết mùa lúa, tới mùa lũ, bà con câu cá, giăng lưới, đặt lợp lờ. Nhưng bây giờ canh tác 3 vụ, dần dần thế hệ sau sẽ mất hết kinh nghiệm sống trong mùa nước nổi. Mặc dù người dân biết rất rõ môi trường không thuận lợi trồng lúa nữa, nhưng cũng không thể trở lại như trước được nữa.

Một điều tra xã hội mà tôi từng thực hiện ở vùng thượng nguồn, 80% trẻ em không biết lội. Trong khi ngày xưa, tháng này nước lên tới mé nhà, con nít xuống vọc nước, lội bập bõm, riết biết lội.

Vài năm trước, tôi có hướng dẫn cho nông dân vùng Tân Hồng, Hồng Ngự ở tỉnh Đồng Tháp vớt cá linh non, đăng quần, cho ăn thức ăn bổ sung để dưỡng lại. Sau 2 – 3 tháng cá lớn bán được giá cao hơn. Nhưng chỉ một số hộ làm, không thể làm cả vùng hoặc khu vực.

Giảm vụ và phục hồi môi trường

Thưa ông, vậy có giải pháp nào để giải quyết những khó khăn nội tại về canh tác lúa vụ 3 ở vùng thượng nguồn hiện nay?

Bài liên quan

Tôi đang tính đến giải pháp là nên khoanh vùng lại những vùng trồng lúa không còn hiệu quả. Nhà nước đầu tư kinh phí, khoa học kỹ thuật, tìm cách sử dụng đất thân thiện với môi trường. Từ đó, thay vì trồng lúa vụ 3, bà con phát triển những cây trồng, vật nuôi không phục vụ trực tiếp làm lương thực. Có thể làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, phục vụ đời sống, giảm ô nhiễm môi trường. Trong đó cây cỏ năn tượng có nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, giải pháp giảm vụ chỉ có ý nghĩa khi đi kèm với giải pháp phục hồi lại môi trường, kết nối môi trường đó với hệ sinh thái xung quanh.

Thứ nhất, phải đạt được sự đồng thuận của cả khu vực trong đê bao. Trong thời gian giảm vụ sẽ lấy nước lũ vào đồng ở mức độ chừng mực tùy vào hoàn cảnh thực tế để tránh xung đột giữa vùng trồng lúa và cây ăn trái.

Thứ hai, trong thời gian giảm vụ, nếu kết hợp với một loại hình sinh kế tăng thu nhập cho nông dân lại càng quý. Cụ thể như mô hình dưỡng cá tự nhiên, thả thêm nguồn cá giống để tăng thu nhập cho người dân lại càng tốt, giúp tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Giải quyết đồng bộ hơn nữa là trong thời gian giảm vụ, nông dân không có việc làm, nếu giải quyết được nguồn lao động dôi dư trong thời gian này thì càng tốt.

Trữ cá tự nhiên giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Ảnh: Kim Anh.

Trữ cá tự nhiên giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Những giải pháp trên chỉ mới là giải pháp kỹ thuật, tôi quan tâm hơn giải pháp xã hội. Đó là sự đồng thuận của cộng đồng, phải được nhen nhóm lên. Đồng thời, phải có người dẫn dắt câu chuyện, làm đầu mối.

Điển hình như nông dân có nhiều đất đai nhất trong đê bao hoặc tập hợp những nông dân có nhiều ruộng đất thành nhóm quyết tâm thực hiện giảm vụ. Bản thân những nông dân có nhiều đất đai, họ quan tâm đến lợi nhuận. Nếu tác động đến nhóm này, sẽ dẫn dắt những nhóm, hộ còn lại. Đồng thời, họ cũng tích cực tìm kiếm thị trường, đầu ra, liên kết với doanh nghiệp. Rồi chính quyền địa phương, đoàn thể tham gia vào cũng dễ dàng. Tiếp theo từng bước gỡ chính sách, vai trò lan tỏa của truyền thông...

"Việc phục hồi môi trường, cái lợi không phải chỉ ngay trên miếng đất của năm đó, mà sẽ nằm ở vụ kế tiếp, giúp giảm bớt được phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí sản xuất, chất lượng hạt gạo tăng lên".

(TS Dương Văn Ni).

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giúp đồng bào nuôi gà bản địa theo hướng an toàn sinh học

QUẢNG TRỊ Sau 5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng trung bình 1,65kg/con, có thể nhân rộng để dần thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống kém hiệu quả của đồng bào.

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 4] Đảm bảo môi trường, vệ sinh chuồng trại mới tái đàn

Nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn sau mưa bão, đòi hỏi chính quyền, các cơ quan chuyên môn và người dân có những biện pháp nhanh chóng, kịp thời để ổn định sản xuất.

Dừa sáp cấy mô đầu tiên cho trái

TRÀ VINH Sau 3 năm trồng, cây dừa sáp cấy mô sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại tỉnh Trà Vinh, cho trái sáp có cơm dày, chất lượng tốt.