| Hotline: 0983.970.780

Vụ phá rừng đặc dụng Pù Mát: 96 thân gỗ vẫn nằm giữa rừng già

Thứ Hai 30/09/2019 , 13:10 (GMT+7)

Vụ phá rừng lớn nhất huyện Con Cuông (Nghệ An) đã qua nhiều tháng trời nhưng công tác xử lý diễn ra vô cùng chậm chạp. Hiện toàn bộ 96 thân gỗ bị đốn hạ vẫn nằm nguyên vẹn giữa bốn bề xanh thẳm.

09-21-56_1
Công tác xử lý, khắc phục hậu quả đang diễn ra rất chậm.

Những năm qua trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn, nhưng xét cả mức độ lẫn tính chất khó so sánh với thực trạng diễn ra tại địa phận hành chính xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát.

Qua kiểm tra, đơn vị chức năng ghi nhận tổng cộng 54 tấm gỗ dổi xẻ vuông vắn nằm chỏng chơ nơi chốn rừng già, nghiêm trọng hơn còn có 96 cây gỗ khác, bao gồm táu, dổi, vàng dành, sú có đường kính từ 25 - 100cm bị đốn hạ, xung quanh còn vương vãi mùn cưa cùng những dấu vết chưa kịp xóa nhòa.

Sau khi sự việc được phát giác, chính quyền các cấp cùng các đơn vị liên quan đã có động thái vào cuộc tức thì. Quyết liệt là vậy nhưng quá trình xử lý đến thời điểm này không được như ý muốn, mọi thứ gần như đang ở trạng thái “đóng băng”.

Qua tìm hiểu được biết, sau một thời gian đấu tranh phía Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Con Cuông đã Quyết định “khởi tố vụ án phá rừng tại VQG Pù Mát”, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng. Danh tính những người này không được tiết lộ, nguyên nhân được cho là sẽ ảnh hưởng đến công tác điều tra.

09-21-56_3
VQG Pù Mát nhận định các đối tượng đốn hạ cây để lấy phong lan.

Bước đầu VQG Pù Mát - đơn vị chủ rừng nhận định, các đối tượng đốn hạ cây rừng chỉ với mục đích để... lấy phong lan (?!).

Trao đổi cùng PV NNVN, ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông thông tin thêm: “Hiện 54 tấm gỗ xẻ đã được cơ quan chuyên ngành vận chuyển hết ra bên ngoài, riêng 96 cây bị chặt phá vẫn nằm lại trong rừng”.

Lý giải nguyên nhân, ông Thao khẳng định vị trí khai thác nằm ở quá xa, nếu muốn đưa ra bắt buộc phải tiến hành mở đường, điều này sẽ tác động rất lớn đến môi trường xung quanh. Trước mắt buộc phải để lại tại hiện trường.

Liên hệ với các bên liên quan để nắm bắt thêm diễn tiến tình hình, tất thảy đều viện cớ chối từ bởi cùng một lý do: “Vụ việc đang trong quá trình điều tra”.

09-21-56_4
Cơ quan chức năng thu giữ được nhiều dụng cụ liên quan đến việc săn bắn động vật hoang dã trong lâm phận của VQG Pù Mát.

Qua kiểm tra, đánh giá thực tế nhiều khả năng các đối tượng “lâm tặc” xuống tay chặt phá vào khung thời gian cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 năm nay, tính ra vụ việc đã trôi qua được khoảng 4 tháng. Với tiến độ “rùa bò” như lúc này, không ít ý kiến bày tỏ quan ngại vụ án đang lâm vào ngõ cụt.

Không riêng gì vụ phá rừng quy mô “khủng” lần này, ngay trong năm 2019 trên lâm phận do VQG Pù Mát quản lý đã xảy ra nhiều vụ xâm phạm tài nguyên khác.

Chỉ riêng công tác đối phó với vấn nạn săn bắn động vật hoang dã đã khiến đơn vị này phải lao tâm khổ tứ không biết bao nhiêu bận, nhận thức hạn chế cộng với gánh nặng đói nghèo đã đẩy nhiều thành phần vào con đường phạm pháp. Hàng loạt hành vi bị phát giác sau đó, bên cạnh việc xử phạt hành chính, một số khác phải đối mặt với cảnh tù tội.

Rừng quốc gia Pù Mát vẫn chưa thể nào yên!

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.