| Hotline: 0983.970.780

Bao giờ người dân tái định cư thủy điện Hồi Xuân hết khổ?

Thứ Tư 14/04/2021 , 08:04 (GMT+7)

Nhà máy thủy điện Hồi Xuân có tổng mức đầu tư trên 3,3 nghìn tỷ đồng “đắp chiếu” nhiều năm do thiếu vốn. Nhiều công trình dân sinh không thực hiện đúng cam kết.

Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hồi Xuân bội tín

Nghe chúng tôi hỏi đường đến cầu bản Pan bắc qua sông Mã thuộc xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), một người đàn ông chạy theo hỏi: “Khi nào thì tiếp tục xây cây cầu này vậy các chú?”.

Cầu bản Pan chỉ mới thi công được hai mố cầu thì dừng lại nhiều năm nay. Ảnh: Võ Dũng.

Cầu bản Pan chỉ mới thi công được hai mố cầu thì dừng lại nhiều năm nay. Ảnh: Võ Dũng.

Người đàn ông này cho hay, đây là 1 trong 3 cây cầu treo do chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hồi Xuân hứa sẽ xây dựng để giúp người dân các bản Bá, Vui, Sa Lắng ở bờ hữu sông Mã không phải đi đò qua sông sang QL 15A. Tuy nhiên, đơn vị thi công chỉ xây được hai mố cầu rồi dừng lại từ mấy năm nay, sắt thép hoen gỉ để bên này sông.

Để xây dựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân, trên 50 hộ dân bản Sa Lắng đã chấp nhận di dời nhà cửa về khu tái định cư (TĐC). Đổi lại, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hồi Xuân sẽ hoàn thiện mặt bằng, xây dựng nhà văn hóa, đổ đường bê tông từ bến đò lên bản, kè mái taluy của khu TĐC, sân bóng chuyền, kênh thoát nước...

Tuy nhiên, từ hơn 10 năm nay lời cam kết vẫn chưa được thực hiện.

Sắt thép tấp bên bờ sông Mã đã hoen gỉ. Ảnh: Võ Dũng.

Sắt thép tấp bên bờ sông Mã đã hoen gỉ. Ảnh: Võ Dũng.

Bản Sa Lắng nằm sát bờ sông Mã, việc mái kè taluy chưa thực hiện khiến những hộ dân trong khu TĐC nơm nớp lo sợ mỗi khi trời mưa gió.

Theo ông Cao Xuân Thắng, dân bản Sa Lắng, lo sợ đất đá sạt lở khi mưa gió nên gia đình ông đã phải làm nhà ra phía bên ngoài để sinh sống.

Còn ông Cao Thanh Bình, trưởng bản Sa Lắng cho biết, người dân vô cùng bức xúc về việc nợ công trình và đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Hiện nay, nhiều nhà dân tại khu TĐC bản Sa Lắng có hiện tượng bị sụt lún, nứt; bể nước tập trung thấp hơn so với nhà dân, không thể đưa nước về nhà, các hộ phải tự góp tiền lại mua dây tự kéo nước từ mó về nhà để sử dụng. Người dân bản Sa Lắng cho rằng, khu tái định cư không được lu nền nên mới xẩy ra hiện tượng sụt lún.

Khu đất quy hoạch xây dựng nhà văn hóa bản Pan vẫn để trống. Ảnh: Võ Dũng.

Khu đất quy hoạch xây dựng nhà văn hóa bản Pan vẫn để trống. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Cao Hồng Được, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân xác nhận thông tin chủ đầu tư nhà mát thủy điện Hồi Xuân bội tín.

“Trước việc chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hồi Xuân bội tín, mới đây UBND huyện Quan Hóa phải bỏ tiền hỗ trợ người dân làm đường giao thông xuống bãi tha ma bản Sa Lắng. Tại nhiều cuộc họp chúng tôi cũng có ý kiến đề xuất về những hệ lụy của thủy điện trên địa bàn”- ông Được cho biết.

 “Đắp chiếu” đến bao giờ?

Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân xây dựng trên sông Mã với tổng mức đầu tư khoảng 3.320 tỷ đồng, công suất lắp máy 102 MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 432 triệu KWh.

Dự án do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO - thuộc Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam) làm chủ đầu tư, được khởi công vào năm 2007.

Nhà máy thủy điện Hồi Xuân đắp chiếu nhiều năm nay. Ảnh: Võ Dũng.

Nhà máy thủy điện Hồi Xuân đắp chiếu nhiều năm nay. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, do không đủ năng lực về tài chính, VNECO đã phải dừng thi công. Đến tháng 6/2014, Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông có trụ sở tại TP.HCM mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính nắm giữ khoảng 90% cổ phần của VNECO.

Năm 2015, dự án thủy điện Hồi Xuân được chuyển giao cho Công ty Đông Mê Kông và được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Nhờ đó, năm 2016 dự án được thi công trở lại. Tuy nhiên, từ quý II năm 2018, dự án thủy điện Hồi Xuân lại phải tạm dừng do thiếu vốn.

Theo UBND huyện Quan Hóa, hiện nay chủ đầu tư đã và đang tích cực làm việc với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, Tập Đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các ngân hàng thương mại trong nước để ký kết hợp đồng mua bán điện và vay vốn bổ sung để triển khai tiếp tục dự án.

Hệ lụy do việc chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hồi Xuân bội tín khiến người dân bản Pan rất lo lắng. Ảnh: Võ Dũng.

Hệ lụy do việc chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hồi Xuân bội tín khiến người dân bản Pan rất lo lắng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Trương Công Tuấn, Trưởng phòng TNMT huyện Quan Hóa cho biết, việc xây dựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân làm ảnh hưởng tới 500 hộ dân các xã Phú Thanh, Phú Xuân, Thành Sơn, Phú Lệ, Phú Sơn. Đến nay, dự án nhà máy thủy điện Hồi Xuân đã thi công được khoảng 90% các hạng mục nhưng đang phải dừng vì thiếu vốn.

Không chỉ cầu bản Pan, do thiếu vốn xây dựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân, chủ đầu tư đã dừng thi công từ nhiều năm nay kéo theo nhiều công trình dân sinh đã cam kết với chính quyền địa phương và người dân chưa thực hiện. 

Thông tin từ UBND huyện Quan Hóa, hiện nay, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Hồi Xuân đang nợ người dân 7 tuyến đường giao thông, 5 dự án trường học, trạm y tế tại các xã Phú Xuân, Phú Lệ, Phú Sơn; 3 cầu treo dân sinh, 1 bến đò.

Cầu dân sinh chưa được xây dựng, mái ta luy chưa thi công khiến người dân các bản Bá, Vui, Sa Lắng phải đi đò qua sông; nguy cơ sạt lở rất cao khi mùa mưa đến. Ảnh: Võ Dũng.

Cầu dân sinh chưa được xây dựng, mái ta luy chưa thi công khiến người dân các bản Bá, Vui, Sa Lắng phải đi đò qua sông; nguy cơ sạt lở rất cao khi mùa mưa đến. Ảnh: Võ Dũng.

Trước thực trạng trên, ngày 8/2/2021, Bộ Công thương đã có văn bản trả lời cử tri tỉnh Thanh Hóa. Trong đó có đoạn: “Bộ Công thương sẽ phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát nội dung liên quan đến công trình đền bù tránh ngập, TĐC thuộc dự án để yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thực hiện nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân thuộc khu vực dự án và sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiếp tục triển khai thi công dự án đảm bảo chất lượng”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất