| Hotline: 0983.970.780

Bạo lực học đường và ứng xử xã hội: Nâng đỡ hay vùi dập?

Thứ Tư 23/11/2011 , 09:50 (GMT+7)

Vấn đề ứng xử thế nào với hành vi bạo lực học đường mà NNVN đề cập trên số báo ra hôm qua (21/11) đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, xử lý "dứt điểm" một học sinh hư thì rất dễ dàng nhưng biến một đứa trẻ ngỗ nghịch phục thiện mới khó. 

Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học HSSV (Bộ GD-ĐT): Đừng vội đánh “dấu đen” vào học sinh

 Từ trước đến nay, việc xử lý học sinh có vi phạm được giao xuống cho các Sở và hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm. Riêng trường hợp 3 nữ học sinh đánh nhau, cắt tóc chị công nhân này tôi mới chỉ được nghe trên báo, đài. Tuy nhiên, khi kết thúc chuyến công tác này, tôi sẽ yêu cầu Sở GD-ĐT địa phương báo cáo lại vụ việc. Học sinh cũng là một công dân, việc xử lý đều phải theo pháp luật. Còn mức độ xử lý thế nào thì phải cân nhắc xem học sinh đó hành động bột phát hay có hệ thống.

Theo tôi, nếu học sinh có lỗi, đuổi học thì nhà trường sẽ rất nhàn. Thế nhưng giáo dục là phải giúp cho những đứa trẻ có lỗi biết lỗi và sửa lỗi. Chứ không thì vô tình người lớn đẩy những đứa trẻ trở thành một nhân tố không có lợi cho xã hội. Chúng ta cũng nên hiểu thêm rằng, đã là học trò thì chắc chắn chưa thể hiểu thấu đáo sự việc, nhiều em còn suy nghĩ nông nổi lắm. Nếu người lớn chúng ta không chỉ bảo mà đã sớm vội đánh dấu đen vào học sinh thì không bao giờ các em tiến bộ và trở thành người có ích được.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy chế xử lý học sinh vi phạm hiện nay là quá nhẹ. Thế nhưng, nặng hay nhẹ không nên tính toán mà quan trọng nhất là làm sao để các em nhìn thấy sai để sửa. Vì vậy, nếu giáo dục không cẩn thận, khéo léo thì hiệu quả sẽ ngược lại. Làm giáo dục cần hiểu rằng, đuổi học vĩnh viễn một học sinh thì rất dễ dàng nhưng biến một đứa trẻ ngỗ nghịch trở thành lương thiện mới khó. 

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội: Vừa biết dạy, vừa biết dỗ

Là địa bàn xảy ra khá nhiều vụ học sinh đánh nhau rồi tung video clip lên mạng khiến nhà trường đau đầu, lãnh đạo Sở vào cuộc, thế nhưng, chúng tôi chỉ xử nặng nhất là nghỉ học 1 tuần rồi phải cho các em học tiếp. Bởi vì việc cho nghỉ học hẳn càng nguy hiểm, sẽ vô tình đẩy các em thành những con người “có hại” cho toàn xã hội.

Như ở Hà Nội đấy, có Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chỉ toàn tập trung học sinh cá biệt nhưng bây giờ thì khá ngoan và quy tắc. Tất cả bởi những người làm giáo dục phải vừa biết dạy, vừa biết dỗ. Cùng lắm là cho các em nghỉ học một tuần để cảnh cáo và để các em nhìn nhận được hành vi của mình. Chứ đuổi học hẳn thì phải xem xét thật cẩn thận. Thế nhưng, việc cho nghỉ học tạm thời hay đuổi hẳn lại là nhìn nhận khác nhau của mỗi một địa phương nên không thể giống nhau được. 

Nhà giáo Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường PTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội): Đuổi học sinh, giáo dục đã thất bại

Tôi có biết vụ việc đó trên mạng và cũng thấy bất bình vì những hành vi của học sinh. Thế nhưng khởi tố hành vi đó phải xét cụ thể. Chỉ có thể xử lý nặng nếu như hành vi của học sinh đó là thường xuyên, khó có biện pháp nào giáo dục được cho dù đã kết hợp với gia đình nhiều lần. Bây giờ chúng ta đuổi học thì em học sinh đó sẽ đi đâu? Trường nào sẽ tiếp nhận em học sinh đó học trở lại. Chắc khó lắm.

Phải đuổi một học sinh, có nghĩa giáo dục chúng ta đã thất bại. Còn với bản thân em học sinh kia, tương lai sẽ càng mờ mịt. Sẽ chẳng có trường học nào dám nhận một học sinh có nhiều dấu vết “bẩn” như thế. Chưa hết. Em học sinh đó ra xã hội, chán nản sẽ gần với tệ nạn. Rồi mối lo của người lớn chúng ta càng nhiều hơn.

Chúng ta cần hiểu rằng, lứa tuổi học sinh là giao thoa giữa người lớn và trẻ nhỏ nên sẽ có nhiều suy nghĩ không chín chắn. Hiện nay, trường tôi chúng tôi luôn đặt vị trí của cô giáo là người bám sát mỗi học sinh và thông báo ngay cho gia đình nếu như học sinh đó có biểu hiện “bất thường”. Ngoài ra, chúng tôi tuyển chọn đầu vào khá khắt khe, chỉ có học sinh ham học mới có thể vào được trường. Bởi vì khi học sinh lười học, sợ học thì sẽ nghĩ ra nhiều trò ngỗ ngược để làm.

Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao PC14, Công an Hà Nội, nơi đã phá rất nhiều “án” nữ sinh đánh hội đồng rồi tung lên mạng cho hay, nhiều người yêu cầu công an đưa các học sinh phạm tội vào trường giáo dưỡng. Thế nhưng, theo quy định “rất cứng” của luật pháp, muốn vào trường giáo dưỡng, trẻ ở tuổi vị thành niên phải phạm tội ít nhất hai lần; đứa trẻ đó phải có đơn của bố mẹ nói rằng, họ không thể giáo dục được con nên nhờ nhà trường dạy hộ. Thế nhưng rất ít bố mẹ làm đơn và nghiễm nhiên, khi nhà trường đuổi học, những em phạm tội lần đầu chỉ còn mỗi cách là “tạt” ra ngoài xã hội.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.