| Hotline: 0983.970.780

Bảo Yên và mục tiêu 5.000ha quế đạt chuẩn hữu cơ

Thứ Hai 22/08/2022 , 09:45 (GMT+7)

LÀO CAI 'Thủ phủ quế' Bảo Yên (Lào Cai) đang triển khai nhiều giải pháp để có 5.000ha quế đạt chuẩn hữu cơ vào năm 2025, đồng thời gắn với thu hút doanh nghiệp chế biến sâu.

Huyện Bảo Yên là thủ phủ quế của tỉnh Lào Cai với diện tích trồng lên tới 23.527ha. Cây quế đang mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân, nhưng việc trồng quế của bà con vẫn theo kinh nghiệm truyền thống. Các sản phẩm chế biến từ cây quế còn hạn chế, chủ yếu người dân bán nguyên liệu thô nên giá trị không cao.

Những năm gần đây, với sự vào cuộc của ngành nông nghiệp địa phương cũng như các doanh nghiệp, bà con trồng quế ở Bảo Yên đã có nhiều thay đổi trong sản xuất theo hướng hữu cơ. 

Empty

Cây quế được trồng bạt ngàn ở huyện Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng.

Bà Đỗ Thị Hương, thôn Bản Kẽm, xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên) cho biết, nhà bà không phun thuốc diệt cỏ trên rừng quế vì rất độc hại, thay vào đó, bà thuê người làm cỏ. Tuy nhiên, do phải thuê người làm cỏ nên chi phí chăm sóc cũng tốn kém. Việc thay đổi làm quế hữu cơ mang lại giá trị cao hơn, tuy nhiên có hộ vẫn dùng thuốc trừ cỏ, lâu dài sẽ phải thay đổi.

Ông Hoàng Văn Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên) cho biết, xã hiện có 21 thôn bản, tất cả đều trồng quế, với tổng diện tích quế khoảng 2.500ha, chiếm 70% diện tích cây trồng trên địa bàn xã. Tuy vậy, trên địa bàn xã hiện chưa có cơ sở chế biến, mặc dù 2 xã liền kề có tới 2 nhà máy thu mua lá quế chế biến tinh dầu. 

"Xuân Hòa hiện đã đăng ký sản xuất 500ha quế hữu cơ. Tuy nhiên, 70% cư dân của xã là đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ hạn chế; không phải hộ nào cũng biết cách áp dụng phương thức canh tác mới, tiếp cận với khoa học để nâng cao giá trị sản phẩm quế; một bộ phận người dân vẫn đang phun thuốc trừ cỏ, sử dụng phân hóa học… Do vậy, thời gian tới xã tiếp tục vận động, tuyên truyền để bà con tuân thủ các quy trình ngay từ khâu làm đất trồng quế, không sử dụng phân, thuốc hóa học trong chăm sóc cây quế... Qua đó, chuyển đổi dần sang sản xuất hữu cơ để cây quế mang lại giá trị cao hơn", ông Hoàng Văn Nhâm nói.

Ông Lò Văn Khôi, xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên) cho biết, qua các cuộc hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền của chính quyền địa phương, người dân đã từng bước tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện sản xuất quế hữu cơ.

Anhque 8

Người dân Bảo Yên có thu nhập ổn định từ cây quế. Ảnh: Hải Đăng.

"Quế hữu cơ tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, trong khi người dân lâu nay canh tác theo truyền thống nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác rất hạn chế. Tuy vậy, khi người dân tiếp cận được đúng quy trình đảm bảo quế hữu cơ và được các cấp chính quyền, chuyên gia, doanh nghiệp hướng dẫn cách thức, phương thức canh tác thì quế Bảo Yên sẽ xuất khẩu được sang thị trường EU, Mỹ, mang lại giá trị cao", ông Lò Văn Khôi khẳng định.

Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết, cây quế trên địa bàn huyện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhưng để phát triển được bền vững, huyện mong muốn phát triển thương hiệu quế hữu cơ Bảo Yên.

Với diện tích 23.500ha quế, huyện đã mời các doanh nghiệp vào nghiên cứu, thực hiện quy trình quế hữu cơ. Huyện định hướng từ nay đến 2025, xây dựng 5.000ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Huyện Bảo Yên cũng đang xây dựng quy hoạch phát triển cho cây quế, tránh việc người dân phát triển ồ ạt không đúng quy hoạch, xâm lấn vào diện tích rừng khác. Cũng từ các chính sách hỗ trợ của huyện, một số doanh nghiệp đã tìm đến đầu tư lâu dài với mục tiêu chế biến sâu các sản phẩm từ quế.

Ông Lê Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hagimex cho biết, Hagimex chế biến sâu các sản phẩm về quế, đặc biệt trong mảng gia vị, với tốc độ tăng trưởng 40% mỗi năm. Trong quá trình khảo sát vùng nguyên liệu đặt nhà máy, huyện Bảo Yên có định hướng phù hợp với việc phát triển của công ty. 

“Chúng tôi ấn tượng về tăng trưởng sản lượng quế của huyện, từ 2016 đến nay tăng 5 lần. Việc hình thành các vùng quế mới, tập trung sẽ thuận lợi hơn trong việc tổ chức sản xuất đáp ứng các yêu cầu trong chế biến, xuất khẩu, nhất là việc phải đảm bảo đa dạng, cân bằng sinh học là yêu cầu mà thị trường EU, Mỹ rất quan tâm. Những thị trường này có tiêu chuẩn khắt khe và để thành công, cần có sự bắt tay giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân, chính quyền địa phương”, ông Lê Tuấn Hùng nhấn mạnh.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất