| Hotline: 0983.970.780

Bấp bênh thoả thuận khí hậu Paris

Thứ Hai 10/07/2017 , 11:10 (GMT+7)

Với việc Tổng thống Donald Trump khăng khăng không đổi ý, thoả thuận khí hậu Paris đang đứng trước dấu hỏi về tính khả thi trong thực tế, cũng như quyết tâm của các quốc gia còn lại trên thế giới.

Thế giới có lẽ sẽ không thể trông đợi một thái độ tích cực hơn từ Washington đối với vấn đề này.
 

Chịu thua ông Trump

Hội nghị thượng đỉnh G20 đã kết thúc tại thành phố Hamburg với nhiều lời khen ngợi dành cho Thủ tướng Angela Merkel và nước chủ nhà Đức. Berlin, như đánh giá của giới quan sát quốc tế, đã vận dụng một cách khéo léo các kỹ năng đàm phán và ngoại giao để thuyết phục các thành viên đưa ra một thông cáo chung, tránh cho G20 một cuộc khủng hoảng mini, như từng xảy ra ở Hội nghị thượng đỉnh G7.

Các nhà lãnh đạo thế giới dự Hội nghị G20 chụp ảnh lưu niệm cùng với phu nhân, phu quân của họ tại Hamburg.

Tuy nhiên, vấn đề khí hậu vẫn là điểm chốt Đức và các thành viên G20 thất bại khi không thuyết phục được Tổng thống Donald Trump và Mỹ đổi ý. Thậm chí, việc G20 chấp nhận đưa vấn đề sử dụng năng lượng hoá thạch vào thông cáo chung theo yêu cầu của Washington bị đánh giá là một sự nhân nhượng của châu Âu trước ông Trump. “Ở mọi nơi, luôn có sự bất đồng song hành với những đồng thuận. Nhưng tôi rất vui mừng khi lãnh đạo các quốc gia đều ý thức được Thoả thuận Paris (về chống biến đổi khí hậu) là không thể đảo ngược”-DW dẫn lời bà Angela Merkel cho biết.

Trên thực tế theo Thestar, các thành viên G20 đã thất bại trong việc thuyết phục ông Trump thôi ý định rút Mỹ khỏi thoả thuận khí hậu Paris. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh tại Hamburg, một số lãnh đạo châu Âu đã có ý định trông cậy vào Thủ tướng Canada Justin Trudeau, người có mối quan hệ thân thiện với Tổng thống Trump, tác động tới Tổng thống Mỹ.

Tại G20, Thủ tướng Trudean không có cuộc gặp chính thức nào với ông Trump, nhưng hai nhà lãnh đạo gặp nhau khá nhiều lần ngoài lề, và vấn đề biến đổi khí hậu cũng được đưa ra để bàn thảo. Ông Trudean, theo Thestar, đã chấp nhận lùi một bước khi chia sẻ với ông Trump, rằng tăng trưởng kinh tế khó có thể song hành cùng việc bảo vệ môi trường, để đổi lại sự nhân nhượng từ Tổng thống Mỹ. Nhưng cũng không xong!
 

Chưa có kế hoạch cụ thể

Thoả thuận khí hậu Paris được ký hồi tháng 12/2015, với gần 200 quốc gia tham gia trong đó có Mỹ. Các nước nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ nhiên liệu hoá thạch, nhằm kiềm chế việc tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời tiền công nghiệp (khoảng những năm 1850). Theo hiệp định, Mỹ cam kết cắt giảm lượng khí thải xuống 26%-28% tới năm 2025 (so với năm 2005).

Việc Mỹ, nước trong tốp đầu xả thải trên thế giới rút lui, khiến thoả thuận Paris trở nên khó có khả năng hoàn thành mục tiêu đặt ra. Các vòng đàm phán liên hoàn ở Hội nghị thượng đỉnh G20, hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở Hamburg nhằm phản đối Mỹ, đã không khiến Tổng thống Donald Trump chùn bước.

Theo giới phân tích, việc Mỹ (xếp thứ 2 về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính) đứng ngoài thoả thuận Paris không chỉ khiến mục tiêu của nhóm khó hoàn thành, mà còn ảnh hưởng tới tâm lý nhiều quốc gia khác. Minh chứng rõ nhất là việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây cho biết, sẽ cân nhắc lại thoả thuận Paris. Lý do bởi theo ông Erdogan, khi Mỹ rút lui, việc đền bù tài chính cho thiệt hại của các nước đang phát triển tham gia thoả thuận sẽ gặp khó khăn. Theo ông Erdogan, khi Ankara ký hiệp định Paris, cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cam kết sẽ xếp Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm nước đang phát triển, đồng nghĩa nước này sẽ nhận được một khoản bồi thường. Với động thái của Mỹ, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có thể có xu hướng không thông qua thoả thuận Paris. Ông Erdogan đồng thời cảnh báo, nhiều quốc gia có thể có quyết định tương tự. 

Theo AFP, kết thúc hội nghị G20, các nước có lẽ cũng chưa biết sẽ bắt đầu triển khai thoả thuận Paris ra sao, khi mà nhóm các nước lớn chưa thể đi tới một quyết định cuối cùng.

(Theo AFP, Thestar, DW)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.