Ban mới không tiếp nhận, không trả lương, trong khi công việc tại ban cũ người lao động vẫn phải thực hiện.
Quyết định một đằng, thực hiện một nẻo
Để hiện thực hóa chủ trương giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, ngày 18/10/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định 3027/QĐ-UBND thành lập “BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh” trên cơ sở tổ chức lại 3 BQL gồm: BQL dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng hệ thống kênh mương công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (trực thuộc UBND tỉnh); BQL các dự án XDCB ngành NN-PTNT và BQL các dự án ODA ngành NN-PTNT (trực thuộc Sở NN-PTNT).
Theo ông Nguyễn Xuân Hành, Trưởng BQL các dự án XDCB ngành NN-PTNT (viết tắt là BQL dự án ngành): “Chủ trương sáp nhập là rất đúng đắn. Tuy nhiên, quyết định chỉ đạo của tỉnh một đằng, cấp dưới tổ chức thực hiện lại một nẻo, gây bức xúc, hoang mang cho công chức, viên chức, người lao động”.
Ông Nguyễn Xuân Hành bức xúc cho rằng BQL dự án đầu tư không thực hiện đúng theo Quyết định 3027 của UBND tỉnh Hà Tĩnh |
Cụ thể, tại mục 1, điều 3 quyết định 3027 nêu rõ: “Chuyển giao nguyên trạng các công trình, dự án, hồ sơ tài liệu của các BQL dự án được tổ chức lại quy định tại Điều 1 quyết định này cho BQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh (viết tắt là BQL dự án đầu tư). BQL dự án đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân và con dấu của mình để kế thừa và tiếp tục triển khai thực hiện đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, các dự án đang thực hiện, các dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán xong (chưa kết thúc đầu tư)”.
Căn cứ vào điều khoản này, đáng lẽ BQL dự án đầu tư phải tiếp nhận toàn bộ các dự án từ mới đến cũ của BQL dự án ODA và BQL dự án ngành. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hành bức xúc cho hay, BQL dự án đầu tư chỉ nhận những dự án thuận lợi, còn dự án cũ đã hết tiền thì không chịu tiếp nhận.
“Những dự án đang dang dở như nâng cấp đê La Giang; xây dựng trụ sở ngành; hệ thống đường lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng... họ (BQL dự án đầu tư - PV) yêu cầu chúng tôi phải tiếp tục thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không hoàn thành nhưng lại không trả lương cho chúng tôi. Còn những dự án mới, hay nói đúng hơn là “ngon ăn” như dự án khu neo đậu tránh trú bão thị xã Kỳ Anh (giai đoạn 2) 100 tỷ đồng; đầu tư, xây dựng trụ sở Chi cục Kiểm lâm 30 tỷ; dự án đầu tư tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ 800 tỷ đồng... họ yêu cầu chuyển sang hết”, ông Hành nói.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hành, gần 15 năm hoạt động, BQL dự án ngành đã hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, thực hiện 26 dự án lớn nhỏ, đóng góp lớn cho ngành NN-PTNT, cho tỉnh, giúp bà con nông dân sản xuất có hiệu quả.
Đặc biệt, Ban không để lại sai phạm nào lớn ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh và ngành nhưng nay, khi thực hiện sáp nhập thì vai trò của Ban gần như bị “xóa sổ”. Công chức, viên chức, lao động BQL dự án ngành vẫn phải làm việc, thậm chí thực hiện rất nhiều nhiệm vụ nhưng chế độ lương thì không được cấp, không biết ai quản lý, ai chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho lao động? “Kể từ ngày Chủ tịch tỉnh ra quyết định đến nay, BQL dự án đầu tư thực hiện hoàn toàn không đúng theo chỉ đạo của tỉnh”, ông Hành thẳng thắn.
81 lao động đi về đâu (?)
Ngoài thực hiện sai điều khoản về chuyển chủ đầu tư các dự án, theo chỉ đạo của tỉnh, người đứng đầu BQL dự án đầu tư cũng không thực hiện đúng quy định về tiếp nhận nhân sự quy định tại mục 3, điều 3 quyết định 3027. Theo đó, quyết định nêu: “Bàn giao nguyên trạng công chức, viên chức, lao động hợp đồng của các BQL dự án được tổ chức lại quy định tại điều 1 Quyết định này cho BQL dự án đầu tư”, nhưng tính đến nay đã hơn 5 tháng, 81 công chức, viên chức, người lao động tại các ban cũ đang đứng giữa “hai dòng nước”, không biết đi đâu về đâu.
|
Quyết định của tỉnh chỉ đạo sáp nhập nguyên trạng từ dự án đến nhân sự, tuy nhiên sau gần 5 tháng mọi thứ vẫn nguyên như cũ |
Chị Trần Thị H., Kế toán BQL dự án ngành là viên chức nhà nước gần 25 năm. Trước đây chị công tác tại Chi cục Đê điều Hà Tĩnh, năm 2013 theo sự phân công điều động của cấp trên chị về làm kế toán tại BQL dự án ngành. Trong quá trình công tác, chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. “Kể từ ngày có chủ trương nhập các ban ngành NN-PTNT lại với nhau chúng tôi không có lương, công việc chưa biết có được sắp xếp hay không. Tâm lý tất cả anh em đều rất lo lắng, xáo trộn”, chị H. nói.
Theo chị H. hiện tại chị và anh em trong Ban vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ còn dang dở. Trong khi đó, cá nhân chị đang bị nợ 2 tháng lương từ năm 2016, lương tháng 2/2018 cũng chưa thấy đâu. “Chúng tôi mong cấp trên ổn định tổ chức, sắp xếp công việc cho chúng tôi an tâm công tác”.
Chung lo lắng, anh T., phòng Kế hoạch - đấu thầu cho rằng, từ khi tỉnh ban hành quyết định sáp nhập đến nay BQL dự án đầu tư chưa thực hiện được gì; dự án cũ người lao động vẫn phải làm trong khi tiền không có, cán bộ công nhân viên không có lương.
Được biết, vì không có kinh phí nên năm 2016, BQL dự án ngành vẫn đang nợ lương của 17 lao động; 2017 nợ 18 lao động với tổng số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài không có tiền trả lương, mọi hoạt động như đi lại, trà nước... của ban này cũng bị “đóng băng” hơn 1 năm qua.
Kể từ khi thành lập đến nay, BQL các dự án thuộc ngành NN-PTNT Hà Tĩnh đã thực hiện tách, nhập 3 lần. Lần thứ nhất tách ban vào năm 2007 (BQL các dự án ODA và BQL các dự án XDCB ngành); lần 2 nhập 10 ban hoạt động trong lĩnh vực NN-PTNT vào 2 ban trên vào năm 2012 và lần 3 thực hiện năm 2017. |