| Hotline: 0983.970.780

Bất cập việc cấp bò sinh sản cho hộ nghèo nhưng chỉ nhận được bê con

Thứ Tư 27/12/2023 , 13:34 (GMT+7)

KONTUM Theo chương trình hỗ trợ giảm nghèo, người dân xã Ngọk Wang (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) được cấp bò cái sinh sản, nhưng thực tế chỉ là bê con gầy gò, ốm yếu.

Cấp bò cái sinh sản nhưng người dân nhận được lại là bê con. Ảnh: Tuấn Anh.

Cấp bò cái sinh sản nhưng người dân nhận được lại là bê con. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân từ chối nhận bò dự án

Ngày 26/12, Phòng NN-PTNT huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã có báo cáo kết quả kiểm tra về việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 tại xã Ngọk Wang (huyện Đăk Hà).

Theo chương trình, xã Ngọk Wang có 108 hộ dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được thụ hưởng dự án hỗ trợ bò cái sinh sản. Theo đó, mỗi hộ được nhận 1 con bò cái sinh sản trị giá 16,5 triệu đồng với trọng lượng từ 1,4 -1,5 tạ, theo hình thức đối ứng 35% (5,7 triệu đồng) và sẽ trả lại nhà nước trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, khi nhận bò thì người dân cho rằng đó chỉ là bê con, thậm chí có hộ còn kiên quyết không nhận vì bò quá nhỏ và gầy yếu.

Ngay khi nhận được phản ánh của các hộ dân, phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã ghi nhận thực tế cho thấy, những hộ dân đã được hỗ trợ nhận bò từ đơn vị cung ứng là Cơ sở Sản xuất và Kinh doanh Nhân Phát (TP. Kon Tum). Tại đây, người dân nhận bò quá bất ngờ khi không phải là bò cái sinh sản mà lại là những con bê con. Một số hộ thấy vậy đã kiên quyết không nhận vì chê bò quá nhỏ, gầy yếu.

Nhiều hộ dân quyên quyết không nhận bò dự án. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều hộ dân quyên quyết không nhận bò dự án. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia đình anh A Trương (thôn Đăk Duông) thuộc diện hộ mới thoát nghèo. Cuối tháng 11 vừa qua, khi UBND xã Ngọk Wang tổ chức trao bò sinh sản của Dự án nhưng gia đình anh Trương kiên quyết không nhận. Với lý do, con bò được cấp giá rất cao nhưng khi nhận thì chỉ là con bê con. Sau đó, gia đình anh được xã cấp 9 triệu đồng để tự tìm bò trong làng để mua.

“Khi được thông báo đến nhận bò hỗ trợ, vợ chồng tôi thấy bò quá nhỏ nên kiên quyết không nhận. Sau đó, cán bộ xã trực tiếp đến nhà đưa vợ chồng tôi 9 triệu và bảo mua bò khác. Vợ chồng tôi chọn mua 1 con bò ở trong thôn với giá 8 triệu đồng nhưng vẫn to hơn so với bò của các hộ khác đã nhận”. anh Trương chia sẻ.

Là một trong những hộ dân vừa được chính quyền địa phương đổi lại con bò khác, gia đình chị Y Si (thôn Đăk Duông) đã không giấu được niềm vui mừng.  Trước đó, vào tháng 11/2023, vợ chồng chị Si cùng các hộ dân háo hức lên thôn để nhận bò. Tuy nhiên, gia đình bất ngờ khi thấy con bò gia đình nhận quá nhỏ, ốm yếu, lộ xương chậu và xương sườn. Gia đình chị nghĩ đó chỉ là con bê chứ không phải bò. Theo chị Si, với số tiền 16,5 triệu đồng gia đình có thể tự mua được 2 con như thế.

“Miễn cưỡng chấp nhận, gia đình đem về nuôi với hy vọng nếu chăm sóc tốt bỏ sẽ nhanh béo khỏe trở lại. Nhưng đưa về nuôi một thời gian, thể trạng nó vẫn ốm yếu, lười ăn và hoảng loạn. Thấy vậy, gia đình phản ánh lên trưởng thôn để được giải quyết”, chị Si chia sẻ.

Bị phản ánh, chính quyền cấp lại bò mới cho người dân

Theo tìm hiểu được biết, xã Ngọk Wang có hơn 80% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng), đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ bò sinh sản được kỳ vọng sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thể phát triển sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Tuy nhiên, khi nhận bò hỗ trợ thì các hộ dân đều cho rằng bò quá nhỏ không thể có tiền để trả lại trong vòng 2 năm. Thậm chí, có 4 con bò được cấp trong đợt vừa qua, người dân vừa nhận về đã đổ bệnh chết.

Gia đình anh A Thuật (làng Kon Gu 2) vừa nhận bò về gần 1 tháng thì lăn đùng ra chết. Không khỏi lo lắng khi bò bị chết, anh A Thuật đã nhiều lần lên thôn hỏi nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng

“Thà bò nhận về nuôi 1 năm rồi chết thì mình chịu trách nhiệm chứ mới nhận về chưa được một tháng đã chết nên mình lo lắm”, anh A Thuật chia sẻ.

Cấp bò mới cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh.

Cấp bò mới cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh.

Là người chịu trách nhiệm ghi chép danh sách các hộ dân nhân bò, ông A Hoàng, Trưởng thôn Kon Gu 2 cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân thì thấy, đơn vị cung ứng bò các hộ nghèo không được đồng đều, có con nhỏ như bê, nếu mua trong làng thì khoảng dưới 10 triệu đồng.

"Sau khi ý kiến lên xã, 2 hôm trước đơn vị cung ứng đã đổi lại 15 con bò giống cấp cho bà con trong làng. Không như những lần trước, người dân nhận bò lần này sẽ được nhận ở trạm cân, nếu bò đủ trọng lượng trên 1,7 tạ các hộ mới ký nhận”, ông A Hoàng thông tin.

Ông Ngô Tấn Khoa, Chủ tịch UBND xã Ngọk Wang cho biết, sau khi rà soát bò cấp ở 5 thôn không đủ trọng lượng, chính quyền phối hợp đơn vị cung ứng cấp đổi 23 con bò giống cho 23 hộ và đang tiếp tục rà soát.

Việc cấp bò giống được đảm bảo theo đề án phê duyệt, trọng lượng từ 1,4 đến 1,5 tạ. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến bò cấp không đạt chuẩn" do quá trình thực hiện, đơn vị đã thiếu chặt chẽ, sơ suất trong quá trình xác định trọng lượng những con bò. Ngoài ra, trong quá quá trình chăm sóc, chuồng trại của người dân chưa đảm bảo, dẫn đến việc bò chậm phát triển, sụt cân.

Theo ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, sau khi nhận được thông tin, huyện đã có văn bản giao Phòng NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra làm rõ việc hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận là bê con.

Đồng thời, chỉ đạo Công an huyện Đăk Hà vào cuộc kiểm tra, làm rõ nội dung người dân phản ánh. Bước đầu, các đơn vị báo cáo việc cấp bò sinh sản đúng quy trình, một số hộ được cấp bò chưa đúng tiêu chuẩn đã được khắc phục, cấp bò mới cho dân.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.