| Hotline: 0983.970.780

Bất lực trước tỷ lệ tiêm phòng vacxin đàn vật nuôi thấp

Chủ Nhật 14/05/2023 , 07:41 (GMT+7)

Kéo dài nhiều năm, tỷ lệ tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm hàng năm tại Quảng Trị chỉ đạt 60 - 65%, khiến ngành thú y địa phương hết sức lo lắng.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin trên đàn vật nuôi tại tỉnh Quảng Trị thấp, chỉ đạt 60 - 65%. Ảnh: Võ Dũng.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin trên đàn vật nuôi tại tỉnh Quảng Trị thấp, chỉ đạt 60 - 65%. Ảnh: Võ Dũng.

Tỷ lệ tiêm phòng thấp

Xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với trên 1.5.00 con trâu, bò, gần 3.000 con lợn, 17.000 - 18.000 con gia cầm và trên 550 con chó…

Sống chủ yếu bằng nghề nông, chăn nuôi tạo ra nguồn thu nhập lớn nhưng thật bất ngờ bởi tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc gia cầm ở địa phương này hàng năm chỉ đạt 63 - 65%. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Bài liên quan

Ông Trần Thọ Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền lý giải, sở dĩ tỷ lệ tiêm phòng vacxin trên đàn gia súc gia cầm ở đây đạt thấp bởi người dân địa phương có tập quán chăn thả gia súc trong rừng, đến chiến dịch tiêm phòng rất khó để lùa đàn vật nuôi về tiêm.

“Người dân ở đây có khoảng 500 con trâu, bò thả rông trong rừng. Không dễ để lùa chúng về tiêm phòng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm phòng vacxin trên đàn vật nuôi ở Cam Tuyền hàng năm đạt thấp”, ông Bình cho hay.

Nói về chế tài xử phạt theo quy định của Luật Thú y, ông Bình khẳng định, địa phương mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở chứ chưa có bất kỳ một hình thức xử lý nào đối với các trường hợp không tiêm phòng vật nuôi. Một nguyên nhân nữa khiến ông Bình cho rằng tỷ lệ tiêm phòng vacxin đàn vật nuôi ở địa phương đạt thấp là hiện nay do lực lượng thú y quá mỏng.

“Trước đây, xã có 1 thú y viên và 2 cộng tác viên thú y. Đến thời điểm tiêm phòng, việc lên kế hoạch thuận lợi, tiêm tập trung trong một khoảng thời gian ngắn nhưng vẫn đạt 70 - 80%. Còn bây giờ chỉ có 1 nhân viên thú y, họ còn đòi nghỉ việc vì phụ cấp quá thấp. Việc hợp đồng thuê thêm người để đi tiêm phòng cũng rất khó khăn”, ông Bình phân trần.

Đến tháng cao điểm nhưng tỷ lệ tiêm phòng vacxin đàn vật nuôi tại Quảng Trị mới chỉ đạt 30 - 35% diện tiêm. Ảnh: Công Điền.

Đến tháng cao điểm nhưng tỷ lệ tiêm phòng vacxin đàn vật nuôi tại Quảng Trị mới chỉ đạt 30 - 35% diện tiêm. Ảnh: Công Điền.

Ông Đào Văn An, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, theo kế hoạch, thời gian tiêm phòng vụ đông xuân tại Quảng Trị sẽ thực hiện trong vòng 3 tháng. Trong đó, cao điểm là tháng 4, 5 và tiêm vét vào tháng 6, 7.

Năm 2023, ngành thú y Quảng Trị đặt mục tiêu tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm đạt tỷ lệ 80% (đối với đàn gia súc gia cầm trong diện tiêm). Tuy nhiên, tính đến thời điểm đầu tháng 5/2023, địa phương này mới tiêm phòng được 30 - 35% diện tiêm. Tuy nhiên, cũng như những năm trước, theo ông An, mục tiêu này sẽ rất khó đạt bởi nhiều lý do.

“Những trang trại chăn nuôi lớn thường sẽ đạt tỷ lệ tiêm phòng gần như 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ tại Quảng Trị đang rất cao. Số đạt tỷ lệ tiêm phòng thấp thường rơi vào những trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngành thú y cũng chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động. Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp mới là yếu tố quyết định đến tỷ lệ tiêm phòng. Tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp sẽ gây ra những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, nhất là thời điểm giao mùa”, ông An lo lắng.

Nhân viên thú y chờ đến lượt lấy vacxin tiêm cho đàn vật nuôi. Ảnh: Võ Dũng.

Nhân viên thú y chờ đến lượt lấy vacxin tiêm cho đàn vật nuôi. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều bất cập trong công tác tiêm phòng gia súc gia cầm

Tiếp tục về câu chuyện tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị những năm qua đạt thấp, ông Đào Văn An, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Quảng Trị cho rằng, muốn nâng tỷ lệ tiêm phòng hàng năm lên cao, chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Việc tiêm phòng bắt buộc đối với một số loại vacxin đã được quy định rõ trong Luật Thú y. Vì vậy, chính quyền địa phương không nên chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà còn phải có chế tài cụ thể.

“Những năm qua, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử phạt vì không tiêm phòng gia súc gia cầm. Chính quyền một số địa phương còn có tư tưởng khoán trắng công tác tiêm phòng cho lực lượng thú y. UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu UBND các huyện, UBND các xã phải xây dựng kế hoạch tiêm phòng hàng năm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số xã còn không xây dựng kế hoạch tiêm phòng mà chỉ thông báo thời gian tiêm phòng cho người dân”, ông An chia sẻ.

Ông Đào Văn An còn cho rằng, chính việc thiếu hụt lực lượng nhân viên thú y và khi không còn duy trì cộng tác viên thú y cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác tiêm phòng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp.

Theo thống kê của ông An, hiện nay toàn tỉnh còn trên 10 xã chưa tuyển được nhân viên thú y. Nguyên nhân là bởi một số nhân viên thú y không chấp nhận phụ cấp èo uột; một số muốn tiếp tục là nhân viên thú y nhưng hiện trình độ bằng cấp không đủ điều kiện theo Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành.

Khó khăn này hiện đang rất khó tháo gỡ bởi trong kỳ họp gần đây nhất của HĐND tỉnh Quảng Trị, vấn đề này đã không được đưa ra trao đổi mặc dù ngành nông nghiệp đã có nhiều văn bản kiến nghị.

Tuy nhiên, một nguyên do nữa theo ông An ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêm phòng là đã đến thời điểm cao điểm tiêm phòng vacxin tập trung cho gia súc gia cầm nhưng đơn vị mới chỉ đấu thầu mua vacxin lở mồm long móng còn gói viêm da nổi cục hiện mới chỉ chào hàng.

Trước đây, Sở Tài Chính sẽ cấp trực tiếp kinh phí cho Chi cục Chăn nuôi Thú y để thực hiện mở thầu nhưng hiện nay quy trình dài hơn nên thời gian mở thầu bị lùi lại, phải đến giữa tháng 4, thậm chí tháng 5 mới có vacxin.

“Trước mùa vụ tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y trình Sở NN-PTNT kế hoạch tiêm phòng. Sau đó, Sở NN-PTNT gửi văn bản lên Sở Tài Chính, Sở Tài Chính trình UBND tỉnh. UBND tỉnh chuyển về Sở NN-PTNT sau đó mới phân khai tài chính cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Thủ tục qua nhiều bước lòng vòng nên kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ mua vacxin tiêm cho đàn gia súc gia cầm”, ông An chia sẻ.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin dại của Quảng Trị chỉ đạt gần 65%. Ảnh: Công Điền.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin dại của Quảng Trị chỉ đạt gần 65%. Ảnh: Công Điền.

Cũng theo ông An, đến thời điểm đầu tháng 4, các địa phương tiến hành tiêm vacxin cho gia súc gia cầm nhưng nguồn vacxin này chủ yếu là nguồn đối ứng của UBND các huyện (50%) còn vacxin từ Chi cục Chăn nuôi Thú y cấp cho các địa phương hiện vẫn chưa đủ.

“Các huyện đang đưa nguồn vacxin đối ứng ra cấp cho các xã tiến hành tiêm. Còn nguồn vacxin của Chi cục Chăn nuôi Thú y vẫn chưa đủ. Trong khi đó, đến cuối tháng 4, hầu hết đàn vật nuôi hết thời gian bảo hộ. Thời điểm giao mùa lại rất dễ phát sinh dịch bệnh. Đây là nỗi lo thường trực của ngành Thú y trong những năm qua”, ông An cho biết thêm.

Năm 2022, Quảng Trị tiêm phòng được trên 143.000 liều vacxin kép lợn (111,8%); trên 43.000 con trâu bò/vụ được tiêm vacxin lở mồm long móng (72,9%); tiêm vacxin tụ huyết trùng trâu bò gần 30.000 con (52,3%); tiêm vacxin viêm da nổi cục được trên 37.000 con (61,99%). Riêng tiêm dại chó, mặc dù mục tiêu đề ra là đạt 100% kế hoạch nhưng thực tế chỉ tiêm được gần 30.000 nghìn con (64,5%)…

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.