Dịch bệnh xuất hiện nhỏ lẻ ở nhiều nơi
Theo báo cáo tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, những năm trở lại đây tình hình tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh chỉ đạt trên 80%.
Cụ thể, năm 2022, tiêm phòng vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo được 33.724/39.000 liều (đạt 86%); Vắc xin lở mồm long móng trâu, bò được 62.422/75.350 liều (đạt 83%); Vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò được 62.288/75.350 liều (đạt 83%); Thấp nhất là vắc xin viêm da nổi cục trên trâu bò, chỉ đạt được 4.980/15.000 liều, tương đương với 33%.
Điều này là một trong những nguyên nhân xuất hiện nhiều loại bệnh dịch nhỏ lẻ trên đàn vật nuôi ở tỉnh Bắc Kạn. Trong đó, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 119 hộ ở 57 thôn của 30 xã (thuộc 07 huyện khác nhau). Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 635 con với khối lượng 22.452kg. Hiện nay bệnh đã được khống chế trên địa bàn tỉnh (30/30 xã đã công bố hết dịch).
Bệnh lở mồm long móng gia súc có 01 ổ dịch xảy ra trên đàn trâu tại thôn Thẳm Ông, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn làm 19 con trâu bị nhiễm bệnh (trong đó 06 con nghé và 01 con trâu cái bị chết). UBND huyện Ngân Sơn đã triển khai tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng bao vây ổ dịch được 423 liều và đến nay đã công bố hết dịch.
Bệnh dại động vật xuất hiện 01 ổ dịch xảy ra tại thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, làm tổng số con chó mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 13 con.
UBND huyện Chợ Đồn đã triển khai tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch được 1.544 liều vắc xin tại xã Bằng Lãng có dịch và các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp (gồm các xã Đại Sảo, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Yên Thượng, Yên Phong và Thị trấn Bằng Lũng).
Ngoài ra, một số địa phương xuất hiện một số ổ dịch nhỏ trên đàn vật nuôi như: bệnh tụ huyết trùng trâu, bò, lợn, newcastle trên gà... UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương, cùng hộ chăn nuôi phát hiện, điều trị kịp thời và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Nhiều nguyên được chỉ ra
Đến với Nghiên Loan, xã có quy mô chăn nuôi đại gia súc lớn nhất tỉnh Bắc Kạn, cũng là nơi có chợ trâu bò lớn nhất miền Bắc. Mỗi phiên chợ có hàng ngàn con trâu bò được mang từ nhiều nơi về đây bán và ngược lại, nhưng việc tiêm phòng dịch ở đây không cao, thậm chí là nói không với tiêm phòng dịch.
Anh Lý A Siêng, một người chăn nuôi bò khi được hỏi về tiêm phòng dịch không liền trả lời là không tiêm. A Siêng cho rằng, mình chọn con bò khoẻ về nuôi vỗ béo nên tiêm vào sẽ làm cho bò bị chậm lớn, giảm hiệu quả vỗ béo. Thêm nữa là chỉ nuôi 1 vài tháng là bán kiếm lời, nên tư thương mua về dưới xuôi làm thịt không thích, biết là bò mới tiêm phòng sẽ không mua.
Ngoài ra, còn nhiều lý do khác khiến cho việc tiêm vắc có tỷ lệ đạt thấp được ngành Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn chỉ ra. Chủ yếu do các hộ chăn nuôi chưa có ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chưa chấp hành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi
Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn nói thêm, nguyên nhân về vấn đề nhân sự chuyên môn: Công tác tiêm phòng cho động vật chủ yếu giao cho lực lượng thú y viên cơ sở thực hiện, trong khi đó thú y viên phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác.
Một số thú y viên kiêm nhiệm còn thiếu trình độ chuyên môn. Từ những lý do đó dẫn tới việc triển khai thực hiện còn sao nhãng, từ công tác tuyên truyền đến triển khai tiêm phòng còn hình thức, qua loa.
Tại một số huyện chưa kiện toàn được nhân viên thú y cấp xã. Cụ thể: huyện Pác Nặm có 3 xã (gồm xã Nhạn Môn, Bộc Bố và Cao Tân); huyện Ngân Sơn có 02 (xã Vân Tùng, Thượng Quan); huyện Na Rì có 02 (xã Văn Minh, Dương Sơn); huyện Ba Bể có 01 (xã Phúc Lộc).