| Hotline: 0983.970.780

Bất thường từ một vụ thi hành án dân sự: Tin bạn, mất nhà

Thứ Tư 25/07/2018 , 07:40 (GMT+7)

Tháng 3/2009, ông Lê Văn Dũng (thôn Mạc 2, xã Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) khởi công xây dựng “quần thể nhà ở gia đình cụ Lê Văn Bút”, tại địa chỉ trên.

Nhà chính công trình quần thể nhà ở gia đình cụ Lê Văn Bút

Cụ Lê Văn Bút là thân sinh của ông Lê Văn Dũng. Quần thể gồm nhà chính, nhà tả mạc, nhà hữu mạc, hai nhà bát giác, nhà lưu niệm gia đình, sân thể thao. Trong đó nhà chính rộng 660 m2, hai nhà tả mạc và hữu mạc mỗi nhà rộng 310 m2. Trừ sân thể thao, còn lại toàn bộ các công trình đều bằng gỗ lim xanh (loại lim tốt nhất trong họ gỗ lim) nhập khẩu. Toàn bộ các công trình đều là cột gỗ, chân cột kê bằng đá tảng, mái gỗ, vách gỗ, lợp ngói mũi. Toàn bộ quần thể nhà nói trên tọa lạc tại 2 thửa đất, có tổng diện tích 7.239 m2, trong đó 800 m2 là đất ở, còn lại là đất vườn.

Lúc đầu, ông Dũng thuê một đội thợ mộc người Nam Định, do vợ chồng Lan-Huế làm chủ thầu, để chế tác gỗ và san lấp xây dựng hạ tầng. Nhóm thợ này đã xây dựng xong nhà chính và một phần nhà tả mạc.

Nhưng đến tháng 8/2010 thì do nhà thầu Nam Định làm chậm tiến độ, cộng thêm giữa ông Dũng và nhà thầu có sự bất đồng về tiền công, nên ông Dũng đã chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Nam Định, và ký hợp đồng thi công tiếp công trình với Cty TNHH một thành viên Trọng Tấn (gọi tắt là Cy Trọng Tấn), có địa chỉ đăng ký tại thôn Đồng Điều, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang (cách công trình khoảng 2 km) do ông Nguyễn Văn Tạo, giám đốc Cty, làm đại diện. Giữa ông Nguyễn Văn Tạo với ông Lê Văn Dũng vốn là bạn bè.

Cty Trọng Tấn đã hoàn thành nốt nhà tả mạc và làm xong nhà hữu mạc. Lúc đó, tại quần thể công trình có 500 m3 gỗ lim xanh thành khí và 270 m3 gỗ lim xanh tròn, để trong một xưởng chế tác cạnh nhà chính. Thấy vậy, ông Nguyễn Văn Tạo đề nghị với ông Dũng cho chuyển toàn bộ 770 m3 gỗ đó về xưởng của mình tại xã Nhã Nam để chế tác cho tiện. Do cả tin, ông Dũng đã đồng ý.

Tháng 1/2012,lấy cớ cần tiền để mua vật tư thi công cho kịp hoàn thành công trình vào tháng 6 năm sau, ông Nguyễn Văn Tạo đã mang toàn bộ các công trình đã hoàn thành, sẽ hoàn thành và hơn 7.000 m2 đất tại quần thể công trình nhà ở của cụ Lê Văn Bút thế chấp cho Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Bắc Giang, để vay 15 tỷ đồng, đề nghị ông Dũng ký bảo lãnh, hẹn khi nào ông Dũng trả tiền công thì Cty Trọng Tấn sẽ trả cho Vietcombanhk để giải chấp.

Cũng do cả tin, ông Dũng đã đồng ý ký thế chấp toàn bộ quần thể công trình để bảo lãnh cho Cty Trọng Tấn, mà không biết rằng đây chính là một cái bẫy. Tại hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất lập ngày 19/1/2012 giữa Vietconbank, ông Lê Văn Dũng và Cty Trọng Tấn, ngôi nhà chính được định giá 42 tỷ đồng, nhà tả mạc được định giá 15,5 tỷ đồng và nhà hữu mạc được định giá 16,5 tỷ đồng. Toàn bộ quần thể nhà ở gia đình cụ Lê Văn Bút, gồm giá trị quyền sử dụng đất, những công trình đã hoàn thành và sẽ hoàn thành, được 3 bên định giá 136 tỷ đồng.

Số tiền vay 15 tỷ nhanh chóng được Vietcombanhk chi nhánh Bắc Giang giải ngân cho Cty Trọng Tấn. Tháng 4/2012, lấy cớ nhà hữu mạc bị lỗi, ông Nguyễn Văn Tạo cho tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà này về xưởng của mình để sửa chữa. Việc tháo dỡ có người của Vietcombank giám sát và áp giải về xưởng của Cty Trọng Tấn (Vì tài sản này đã thế chấp cho Ngân hàng). Tổng số gỗ đã làm nhà hữu mạc bị tháo là 189 m3.

Kể từ đó, ông Nguyễn Văn Tạo không sửa lỗi kỹ thuật và dựng lại nhà hữu mạc; không trả lãi và gốc cho Vietcombank, ngừng hẳn việc thi công. Cuối năm 2012, do không nhận được lãi và gốc như cam kết trong khế ước, nên Vietcombank khởi kiện Cty Trọng Tấn ra TAND huyện Tân Yên, yêu cầu tòa tuyên buộc Cty Trọng Tấn phải trả gốc và lãi của món vay trên. Ông Lê Văn Dũng cũng phải hầu tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bản án sơ thẩm số 01/2013/KDTM-ST ngày 22/5/2013 của TAND huyện Tân Yên tuyên : Buộc Cty Trọng Tấn phải trả cho Vietcombank số tiền gốc và lãi tính đến ngày 21/5/2013 là 17,537 tỷ đồng, và phải tiếp tục chịu lãi phát sinh cho đến ngày trả. Nếu Cty Trọng Tấn không trả tiền, thì Vietcombank có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp, gồm quyền sử dụng đất và toàn bộ các công trình đã hoàn thành tại quần thể nhà ở gia đình của cụ Lê Văn Bút, để thu hồi nợ.

Do Cty Trọng Tấn và ông Lê Văn Dũng kháng cáo, nên ngày 13/9/2013, TAND tỉnh Bắc Giang đã đưa vụ kiện trên ra xét xử phúc thẩm. Bản án phúc thẩm số 04/2013/KDTM-PT của TAND tỉnh Bắc Giang tuyên bác kháng cáo của Cty Trọng Tấn và ông Lê Văn Dũng, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên. Nhưng không hiểu sao Cty Trọng Tấn không bị đụng đến một cái lông chân, không phải trả đồng nào cho Vietcombank mà cơ quan thi hành án huyện Tân Yên lại tiến hành các thủ tục kê biên, phát mại toàn bộ tài sản, gồm giá trị quyền sử dụng hơn 7.000 m2 đất và các công trình đã hoàn thành trên đất của quần thể nhà ở gia đình cụ Lê Văn Bút.

Vì tin người mà ông Lê văn Dũng mất cả cơ nghiệp trị giá hàng chục tỷ đồng. NNVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.