| Hotline: 0983.970.780

Bế tắc vì 'có tiếng mà không có miếng'

Thứ Tư 16/12/2015 , 09:31 (GMT+7)

Cháu có hai đứa con phải nuôi và phải thuê người giúp việc nữa. Không tháng nào trong túi cháu dư được chừng năm trăm ngàn đồng. Cháu thường xuyên phải cầu viện mẹ mà vợ cháu đâu có biết.

Cô Dạ Hương kính!

Cháu và vợ cưới nhau cũng đã 15 năm. Mười lăm năm ấy chưa dài nhưng cháu thấy nó thăm thẳm. Cháu quá khâm phục những người sống với nhau năm bảy chục năm như ông bà nội cháu.

Ba mẹ cháu cũng có đám cưới vàng rồi đó cô. Chị gái cả của cháu năm nay cũng gần năm chục tuổi.

Là đàn ông tuổi sắp trung niên nhưng còn phải ca cẩm chuyện vợ con thì cũng kém thật, đúng không cô? Nhưng cháu không thể nói với các chị, càng không thể tâm sự với ba mẹ được. Bạn bè cũng không.

Cháu làm ở một nơi có tiếng mà không có miếng đó cô. Chức vụ thì nghe oai nhưng thu nhập quá thấp.

Cháu có hai đứa con phải nuôi và phải thuê người giúp việc nữa. Không tháng nào trong túi cháu dư được chừng năm trăm ngàn đồng.

Trong khi đó vợ cháu làm việc nhẹ nhàng hơn ở một cơ quan mà thu nhập khá cao. Cô sẽ bảo sao không chia sẻ với chồng?

Đúng, tiền của phụ nữ là của họ, trong mắt họ đàn ông phải tháo vát, giỏi giang, đem lại phong lưu cho vợ con. Cháu nghĩ vậy và vợ cháu cũng luôn nghĩ vậy nên cháu mới khó xử.

Vợ cháu lại có tính là hay lục lạo ví của chồng. Cháu trả tiền ô-sin, đóng tiền học chính, rồi học thêm cho đứa con đang học cấp II, rồi bao nhiêu thứ quan hệ của một gia đình phải cáng đáng, nhất là mùa cưới và mùa tết thì “viêm màng túi” luôn.

Nói thật với cô làm gã đàn ông ít tiền vừa khổ vừa nhục nhưng biết sao bây giờ.

May mắn có mẹ cháu rất thương cháu, đứa con trai út khó khăn của bà. Cháu thường xuyên phải cầu viện mẹ mà vợ cháu đâu có biết.

Cô ấy bình thản dành dụm tiền, tài khoản này sổ tiết kiệm nọ trong khi mẹ cháu thì lặng lẽ bù đắp cho con cho cháu. Mẹ cháu không kể lể gì với nàng dâu, mẹ sợ gia đình cháu lục đục.

Cháu thấy cuộc sống thật là nặng nhọc. Vợ cháu thì hay cho tiền ba mẹ và các em của cô ấy sau lưng cháu, còn mẹ cháu thì lén san sẻ cho cháu, thật ngược đời.

Cháu cần cô mấy lời khuyên, cảm ơn cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Như đã nhiều lần viết cho các bạn trẻ có hoàn cảnh như cháu, cái khó cho các cặp vợ chồng thời nay là thu nhập của ai thì vào túi của người đó. Mọi thứ đi con đường tài khoản hết. Vậy thì công thức chung ở đây là gì?

Là phải có sự thỏa thuận tế nhị. Vì sao phải tế nhị? Vì tiền bạc là chuyện khó nói nhất với nhau, tình dục còn dễ trao đổi thẳng thắn hơn.

Phải có qui ước bất thành văn với nhau, ví như anh những khoản nào và em chia sẻ những khoản nào. Và những dịp cuối năm hay giỗ tết, hiếu hỉ hai bên, phải căng nhau ra gánh vác.

Dĩ nhiên đàn ông thì phải lo cho gia đình. Nhưng không có nghĩa vợ làm được bao nhiêu thì thủ túi bấy nhiêu, rồi shoping, rồi dấm dúi cho bên mình, vân vân và vân vân.

Mô hình chồng đi cày nuôi gia đình chỉ yên ổn khi vợ ở nhà làm nội tướng, nội trợ. Ở đây vợ cũng viên chức, may mắn được vào ngành thu nhập cao mà để chồng gánh phần hơn thì tức là cô vợ thuộc loại tính toán, ít yêu chồng, không có phẩm chất tận hiến.

Cháu thấy cuộc hôn nhân 15 năm của mình thăm thẳm không sai. Ấm ức vì chuyện tiền nó đầu độc cuộc sống của cháu. Có nên làm thêm, hùn hạp bạn bè gì đó để vững vàng thu nhập?

Hay cố gắng dạy cho con ở nhà, toán, văn, Anh văn, nếu cháu đều giỏi thì cần gì đưa cho thầy cô để tốn kém quá?

Nuôi một đứa con bây giờ quá nhiêu khê, ăn uống sữa bánh, học chính học phụ và người giúp việc, rồi bao nhiêu thứ đám tiệc trời ơi nữa, tiền ít thì bó tay chịu mặc cảm thôi.

Còn một cách nữa là có gan chống lại các loại tiệc mời không chính đáng, có gan từ chối bạn bè chèo kéo nhậu nhẹt, có gan vợ chồng căng nhau việc nhà, giản lược một người phải nuôi là ô-sin.

Tính mọi cách để tiết kiệm đi xem sao, càng làm càng giỏi thay vì đi làm về, nhà có người làm nên chồng ôm ti-vi, con bắt chước theo, tiền bạc đội nón ra đi nhưng sự lười nhác sẽ ở lại và ảnh hưởng đến sức khỏe, lối sống và hạnh phúc gia đình.

Một đời hôn nhân như ông bà và ba mẹ cháu như cháu thấy thì họ đã đi qua bao nhiêu sóng gió và biến cố mà cháu không biết hết đó thôi.

Đừng nản, thuế làm trai cao lắm, nợ áo cơm phải trả đến hình hài đấy nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.