Quốc lộ 12 từ thành phố Lai Châu lên Phong Thổ những năm gần đây được đầu tư nâng cấp, mặt đường trải nhựa phẳng lỳ như bất kỳ những con đường dưới xuôi. Nhiều đèo, dốc đã được hạ độ cao, giảm độ dốc. Những cánh đồng trồng hoa hồng của các nhà dân hai bên đường nhấp nhô những nụ hồng nhọn hoắt, được bọc trong một lớp ni lông hay giấy báo để ủ giữ…
Sẩm chiều, những chiếc xe khách về xuôi chậm chạp dừng lại những điểm hẹn trước, nhấc từng bó hồng đã được quấn buộc kỹ. Những cánh hồng từ vùng cực Bắc sẽ có mặt tại thành phố vào sớm mai...
Anh Đinh Tây Lâm (SN 1972), Chủ tịch hội cựu chiến binh phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) dẫn chúng tôi đến xã Ma Ly Pho - xã tột cùng của huyện Phong Thổ. Đây là địa danh diễn ra những trận chiến khốc liệt vào 3h sáng ngày 17/9 của 44 năm về trước, mở màn cho cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 tại mặt trận tỉnh Lai Châu.
3h30 sáng 17/2/1979, Trung Quốc với lực lượng chính là Quân đoàn 11 chiếm đánh dọc biên giới dài gần 60km từ bản San Cha, xã Sì Lở Lầu, bản Huổi Luông của huyện Sìn Hồ và chia làm hai mũi tấn công vào Sì Lở Lầu và Pa Nậm Cúm, Nậm Cáy, Nậm Xe (huyện Phong Thổ), với mục tiêu chính là chiếm đóng huyện lỵ Phong Thổ.
Trải qua 17 trận chiến đấu, quân và dân Lai Châu đã tiêu diệt hàng nghìn quân địch, trong đó lực lượng biên phòng địa phương đã tiêu diệt hơn 2.400 tên, đốt phá 2 xe tăng, buộc ngày 11/3 quân xâm lược phải rút khỏi khu vực biên giới trên địa bàn.
Anh Lâm người gốc Lào Cai, lên Lai Châu từ năm 2000, là giáo viên cắm bản. Trường Tiểu học Lản Nhì Thàng nơi anh dạy học nằm trên con dốc sát Quốc lộ 4D. “Ngày đó, lên được tới trường mất cả giờ đồng hồ vì đường khó đi quá. Giờ, từ thành phố chạy xe lên Ma Li Pho chỉ chừng hơn một giờ đồng hồ, nhanh lắm”, anh Lâm kể chuyện.
Sau gần chục năm làm giáo viên cắm bản, anh Lâm chuyển công tác sang Huyện đội, rồi tham gia Hội Cựu chiến binh của phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu). Đoàn Kết là phường trung tâm, phường “gốc” tập trung đông dân nhất của thành phố trẻ.
Điều may mắn, theo cách nói của anh Lâm, là phường có hai “pho sử sống” - hai cựu chiến binh, hai chính trị viên đồn Nậm Xe và đồn Ma Lù Thàng trực tiếp tham gia chỉ huy các trận đánh bảo vệ biên giới 1979 tại các điểm cao Phong Thổ đang sinh hoạt trong Hội cựu chiến binh phường Đoàn Kết, nơi anh làm chủ tịch hội. Đó là cụ Nguyễn Thanh Luận và cụ Nguyễn Giang Lam.
Thời điểm xảy ra chiến sự, anh Lâm mới 7 tuổi. Khi lực lượng của ta tại đồn Ma Lù Thàng rút lui an toàn, để lại cho chúng đồn không nhà trống, quân Trung Quốc bắt đầu tràn xuống Mường So - trung tâm huyện lỵ Phong Thổ, cách đường biên giới 28km.
“Trước đó, người dân các xã, bản… nhận được chỉ thị di tản về sâu bên trong để đảm bảo an toàn tính mạng, bà con di dời xuống nông trường Tam Đường (nay là thành phố trẻ Lai Châu), nhiều người chạy sang Lào Cai, nhiều người về xuôi…
Quân Trung Quốc tràn xuống Phong Thổ, dùng hỏa lực san bằng trụ sở huyện là khu nhà hai tầng vừa được xây dựng kiên cố. Chúng tiếp tục phá hủy đường sá, cầu cống… dọc đường đi nhằm phá hoại kinh tế của ta…
Chị Nguyễn Thị Cúc, vợ anh Lâm, sinh đầu năm 1979. Khi đó chị mới chào đời, còn đỏ hỏn. Chiến tranh nổ ra, chị được mẹ cho vào chiếc thúng, bọc chăn bên dưới để tản cư chạy giặc. Bố chị, ông Nguyễn Văn Thành - một trong số hàng ngàn chiến sỹ của Sư đoàn 316 (Sư đoàn được mệnh danh là “Quả đấm thép” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ) - sau khi giải ngũ, lên Phong Thổ làm công nhân Lâm trường Pa So (huyện Phong Thổ).
Đồng đội của ông Thành, ông Đỗ Quốc Trụ cũng là cựu binh Sư 316, quê gốc Nam Định, là công nhân nông trường sau giải ngũ. Đi qua bao năm tháng lửa đạn, các ông ở lại, trở thành thế hệ cắm rễ để xây dựng, giữ đất Phong Thổ từ đó tới nay.
“Bất ngờ. Đó là cảm nhận chung của bà con khi tiếng pháo khai mào cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới 1979 được Trung Quốc phát động. Khi đó, nông trường Pa So cách vùng chiến sự gần 30km mà tưởng như vẫn thấy mặt đất rung chuyển, bầu trời sáng rực vì lửa pháo. Chúng tôi là lính chống Mỹ, vào sinh ra tử không biết bao mà vẫn thấy thực sự dữ dội, khốc liệt”, ông Trụ cho hay.
Rồi, sau trận mở màn rạng sáng 17/2, chục ngày tiếp sau, mỗi ngày Trung Quốc lại chia thành 2 cữ nã pháo sang ta, vào buổi sáng sớm và chiều muộn, không ngày nào chệch ngày nào. Sau khi chiếm được đồn Ma Lù Thàng mà ta bỏ lại, quân Trung Quốc theo đường bộ tràn xuống huyện lỵ, tiến sâu thêm được 28km. Khi đó, các bản làng đã được lệnh tản cư an toàn…
Xanh dòng Nậm Na
Con suối Nậm Na chạy song song Quốc lộ 12, điểm cuối là cửa khẩu Ma Lù Thàng. Đứng bên này nhìn sang bên kia nước bạn, xã Na Pha (huyện Kim Bình, Vân Nam, Trung Quốc) cũng có con đường trải nhựa chạy men theo sông, nhà tiếp nhà, núi đồi trùng trùng nối nhau, gần tới mức tưởng như có thể nhìn rõ mặt người…
Tháng 7/2022, cửa khẩu Ma Lù Thàng được nâng cấp lên thành Cửa khẩu Quốc tế, trở thành cửa ngõ thông thương tại huyện Phong Thổ. Điều này được kỳ vọng sẽ là “cú hích” để phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
Nằm giữa Cửa khẩu Quốc tế và Đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hướng ra sông Nậm Na. Trên tấm bia đá, những dòng tên liệt sỹ hy sinh trong trận chiến bảo vệ biên giới vào ngày 17/2/1979 tại Ma Lù Thàng được khắc đậm…
Nhà bia tưởng niệm là sự chung tay của chính quyền xã Ma Li Pho; Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng; Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng và Chi cục Hải quan cửa khẩu Ma Lù Thàng được khánh thành vào tháng 4/2021.
Đây là “địa chỉ” để các cựu chiến binh Đồn 33 năm xưa trở lại thăm đồng đội cũ đã hy sinh, là minh chứng lịch sử để nhắc nhớ thế hệ trẻ về sự hy sinh của cha anh, nhắc nhớ về một giai đoạn lịch sử bi hùng.
4 năm trước, ngày 16/2/2019, Ban Liên lạc cựu chiến binh biên phòng thành phố Lai Châu đã tổ chức gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu năm 1979.
Các cựu binh năm xưa hầu hết đã nghỉ hưu, phục viên, đều ở tuổi xưa nay hiếm. Họ thêm một lần nữa khẳng định, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của chúng ta là tự vệ chính nghĩa.
Thủ phủ của huyện Phong Thổ ngày trước có tên Mường So. Địa danh ấy gắn với những huyền thoại về cái nôi đất xòe của người Thái, với những tiệc xòe thâu đêm bên dòng Nậm Na trữ tình, làm mê đắm lòng người.
Mùa này, dọc đường vào Phong Thổ, những bản làng bừng sáng bởi những cây đào nở muộn. Và, hoa mận trắng tinh khôi cũng bắt đầu rộ vụ…
Bà Đèo Thị Ly (SN 1947), là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Mường So thời điểm ngày 17/2/1979 khi quân Trung Quốc tấn công vào Phong Thổ nhớ lại: "Năm ấy, khi người dân vừa đón Tết xong, vào sáng sớm có tiếng pháo từ phía Trung Quốc bắn sang, ban đầu mọi người nghĩ đó là tiếng sấm báo hiệu bắt đầu mùa mưa. Song có điều lạ là tiếng sấm ấy lại xuất hiện quá sớm ngay trong tháng Giêng đầu năm, tiếng sấm cứ vang liên tục mà chẳng có mưa rồi dồn dập kéo dài. Mãi đến khi trời sáng hẳn, có người báo tin, mới biết phía Trung Quốc bắn pháo sang tấn công…
Ngày thứ 3 sau khi bị tấn công, chính quyền xã sơ tán toàn bộ người dân vào tránh, trú tại các hang núi phía trên bản. Ngày thứ 4, khi chúng tấn công bắn pháo đốt cháy hầu hết các bản, phá trụ sở UBND huyện và cướp, đốt kho lương thực của xã, chúng tôi lại tiếp tục di tản bà con đi theo hướng ra xã Thèn Sin hiện nay rồi tiến ra San Thàng đến Bình Lư. Cuộc di tản ấy vô cùng vất vả với hàng trăm hộ dân và hàng nghìn con người".