Dù đã lên phường, ngôi nhà ngói ba gian của cụ Nguyễn Thanh Luận (cựu chiến binh tham gia ba cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh Biên giới 1979) nằm lọt thỏm giữa một con ngõ nhỏ, xa đường, xa trung tâm.
Anh Đinh Tây Lâm, chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) – người dẫn chúng tôi tới nhà cụ Luận, lý giải, sau biến cố 1979, tâm lý chung của người dân vùng biên là không ai muốn làm nhà mặt đường, ai cũng vào tận sâu trong xóm… để ở.
Lý do, là để tránh cái hoạ bị phá nhà, đốt nhà vô cớ - bài học đau đớn từ chiến tranh Biên giới 44 năm trước khi quân Trung Quốc tràn sang, ngoài giết chóc vô cớ còn thẳng tay dùng súng phun lửa thiêu rụi bất kỳ ngôi nhà nào mà chúng gặp trên đường…
Quá khứ bi hùng ấy, đối với cụ Nguyễn Thanh Luận sẽ không bao giờ quên.
Bức điện khẩn và kế hoạch bảo vệ an toàn đoàn chuyên gia Liên Xô
“3h sáng 17/2/1979, đạn pháo từ Kim Bình (huyện Vân Nam, Trung Quốc) nã sang biên giới phía Bắc. Tại Phong Thổ, địa điểm quân Trung Quốc lựa chọn để phát động cuộc chiến tranh biên giới là các đồn biên phòng Pa Nậm Cúm (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng), Nậm Xe…
Tuy nhiên, từ năm 1977, những hành động khiêu khích đã bắt đầu diễn ra, và phía ta cũng đã có những sự chuẩn bị từ trước chứ không hề bị động.
Người cựu binh trải qua ba cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và Chiến tranh Biên giới bảo vệ Tổ quốc Nguyễn Thanh Luận bắt đầu câu chuyện về cuộc chiến bi hùng.
“Có ý kiến bên ngoài nói ta bị động, Trung Quốc tấn công bất ngờ, nhưng không phải, ta rất chủ động.
Từ năm 1977, Trung Quốc đã phát động các cuộc lấn chiếm đất đai, dù là nhỏ lẻ. Ở Lai Châu, chúng lấn chiếm bãi bồi bên sông Nậm Na rộng tới vài ha thuộc xã Ma Ly Pho (huyện Phong Thổ). Vành đai biên giới dài 61km từ Ma Lù Thàng lên Sỉ Lờ Lầu – Dào San, Trung Quốc đã cho người sang giả lánh nạn nhưng thực chất là gây dựng các đội quân ngầm nhằm chuẩn bị lực lượng, trinh sát, thám thính, chỉ đường cho cuộc chiến sau này.
Tiếp đó, Trung Quốc tuyên truyền, vu khống ta bài xích, khủng bố Hoa kiều để kêu gọi Hoa kiều trở về, gây ra sự kiện “nạn kiều” khiến tình hình an ninh biên giới lộn xộn. Nhiều bà con Hoa kiều tại các xã biên giới huyện Phong Thổ…, nhiều người đã bán nhà cửa, tài sản để vượt biên trái phép…
Từ tháng 10/1978, Trung Quốc tiến hành các hành động về quân sự như bắn các đội tuần tra vũ trang của các đồn biên phòng.
Ngay khi đó, Trung ương đã có nghị quyết chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ biên giới quốc gia. Ta đã có sự chủ động chuẩn bị để lên phương án bảo vệ vành đai biên giới. Cuối năm 1977 sang năm 1978, ta đã hoàn thành xong việc bố trí trận địa, lực lượng, tăng cường quân số lên cho các đồn.
3h sáng 17/2/1979, phía Trung Quốc đồng loạt nã pháo từ Kim Bình (tỉnh Vân Nam) đối diện với huyện Phong Thổ (Lai Châu) vào các đồn ma Lù Thàng, Sì Lờ Lầu. Cuộc chiến tranh Biên giới chính thức được Trung Quốc phát động. Tiếng súng đáp trả của các đồn biên phòng chúng ta đồng loạt nổ, báo hiệu cuộc chiến tranh bảo vệ vùng biên của Tổ quốc.
Trong khi địch bắn pháo, bộ binh địch đã ém sẵn, đợi ngớt pháo sẽ đánh chiếm, xoá sổ các đồn biên phòng.
Hơn một giờ nã pháo, bộ binh Trung Quốc vượt biên giới ém sẵn từ trước tràn lên các chốt của ta. Thế nhưng, chúng đã vấp phải hàng rào chiến đấu kiên cường của các đồn biên phòng.
Trong cuộc chiến này, Trung Quốc huy động hơn 60 vạn quân tương đương hơn 6 quân đoàn; vũ khí, máy bay, ngoài biển có cả tầu chiến với quyết tâm trong 7 ngày chiếm hết các huyện biên giới của 6 tỉnh biên giới. Tại Lai Châu, địch chủ trương xâm chiếm ba huyện vùng biên là Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, xoá sổ các đồn biên phòng.
Ngày đầu tiên của cuộc chiến kéo dài từ 5h sáng cho tới 18h tối ngày hôm sau, 18/2, nhưng Trung Quốc không thể tiến thêm được một mét nào. Tại đồn Ma Lù Thàng, Trung Quốc huy động hàng trung đoàn tiến lên nhưng đều bị ta đẩy lùi. Có những nơi Trung Quốc tràn lên 7 – 8 đợt, tiến sát chân đồn Ma Lù Thàng nhưng đều bị 80 cán bộ chiến sỹ của ta đánh bật trở lại. Chúng phải co cụm lại từng nơi. Ở Sì Lở Lầu chúng co cụm ở bản Xe Khâu cách đồn khoảng gần 1km đường vòng. Tại Ma Lù Thang co cụm lại về phía mé suối…
Tại Nậm Xe, địch huy động một tiểu đoàn đánh vào đồn biên phòng Nậm Xe - đồn phía Đông có nhiệm vụ quản lý 8km đường biên. Khu vực này, chúng ta có mỏ khoáng sản quý urani hiện đang có mấy trăm cán bộ, công nhân của Đoàn địa chất 35 cùng hơn 10 chuyên gia Liên Xô đang làm việc.
Mục đích đánh đồn Nậm Xe của Trung Quốc là để bắt giữ các chuyên gia Liên Xô, ngăn cản sự giúp đỡ của các chuyên gia với Việt Nam. Thế nhưng, trước đó, ngày 15/2, Thượng uý Nguyễn Thanh Luận – chính trị viên Đồn biên phòng Nậm Xe đã chủ động đánh bức điện Tối Khẩn gửi Ban chỉ huy công an vũ trang tỉnh Lai Châu, xin phép đưa các chuyên gia Liên Xô ra khỏi khu vực.
Được chấp thuận, ta cử một tiểu đội bảo vệ các chuyên gia Liên Xô từ Nậm Xe xuống Nông trường Tam Đường, rồi từ Nông trường Tam Đường sang Lào Cai, sau đó đi xe về tới Hà Nội.
Khi quân Trung Quốc đánh đồn, các chuyên gia Liên Xô đã được an toàn.
Con đường độc đạo từ biên giới xuống Nậm Xe dài 11km, ở giữa là Bản Mứn - đó cũng là con đường mà đoàn địa chất dùng xe xích chở các mẫu quặng khoan thăm dò từ trên đỉnh núi đưa xuống. Mỏ Urani Nậm Xe là mỏ đất hiếm, trong đó tỷ lệ urani rất cao. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó chỉ thị phải giữ mỏ tài nguyên này bằng được để sau này sử dụng cho công nghiệp Quốc phòng.
Quân địch vào được nửa đường đến Bản Mứn thì vấp phải hoả lực của bộ đội ta trên các triền đồi nổ súng xuống. Gặp các vết xe xích của đoàn địa chất, chúng sợ hãi nghĩ đó là vết xe xích của xe tăng ta ém bên trong nên không dám tiến tiếp. Mưu đồ đánh vào Nậm Xe của địch nhanh chóng thất bại.
Tiếp tục, phía Trung Quốc mở một đợt hành quân đánh gọng kìm qua Bản Lang đánh lên Dào San, gọi là đánh vu hồi. Chúng lên đến Dào San ngày 6/3 gặp lực lượng của ta gồm công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng ngày nay), bộ đội địa phương, dân quân du kích từ các xã, bản xung quanh kéo về hội tụ tại Dào San; lực lượng cảnh sát của Ty Công an (nay là lực lượng Công an) cơ động ở đó.
Cuộc chiến đấu tại Dào San từ ngày 6/3 đến 7 – 8/3, ta hy sinh mấy chục cán bộ chiến sỹ nhưng Trung Quốc cũng bị chết tới vài trăm người. Không thể trụ được, Trung Quốc rút quân.
Đến ngày 10/3/1979, trên mặt trận chính của toàn bộ Phong Thổ dài 61km không còn bóng quân thù.
“Ẩm hà tư nguyên”
Sinh năm 1940, quê gốc tại tỉnh Hà Nam Ninh cũ (nay là tỉnh Ninh Bình), người cựu binh Nguyễn Thanh Luận đã trải qua ba cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Chiến tranh Biên giới nổ ra, Thượng uý Nguyễn Thanh Luận khi đó là Chính trị viên đồn Nậm Xe, sau ông được tăng cường lên đồn Sì Lờ Lầu. Chiến tranh kết thúc, ông làm Chỉ huy Tiểu khu phụ trách 5 đồn biên phòng và 1 tiểu đoàn cơ động của huyện Phong Thổ. Năm 1986, ông nghỉ hưu mang quân hàm Đại uý.
Cả cuộc đời sôi nổi, trai trẻ của mình, cụ Nguyễn Thanh Luận đã chọn nhiệm vụ thiêng liêng, đó là cầm súng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vùng biên.
Chiến tranh kết thúc, cụ ở lại mảnh đất Lai Châu, trở thành một phần của vùng biên cực Bắc.
Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ đọc sách, viết văn, tham gia cộng tác với Báo Lai Châu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, viết về cuộc Chiến tranh Biên giới để nói chuyện với thế hệ trẻ về một gạch nối của lịch sử…
Trước cửa ngôi nhà ngói ba gian cũ kỹ, nằm sâu trong con ngõ nhỏ, cụ Luận treo bốn chữ “Ẩm hà tư nguyên”, có nghĩa là “Uống nước nhớ nguồn”.