Anh hy sinh ngay trong buổi sáng ngày 17/2, sau đó được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong trận chiến mở màn sáng ngày 17/2/1979, Đồn biên phòng Ma Lù Thàng (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) ở vị trí tiền tiêu, là đồn hứng chịu trận mưa đạn pháo của quân Trung Quốc.
Tại đây, 80 cán bộ, chiến sỹ đã ngoan cường cố thủ, cầm cự hàng ngàn lính Trung Quốc ở giáp biên gần một ngày trời, khiến địch không tiến sâu được vào đất liền.
Giống như cụ Nguyễn Thanh Luận - chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Xe năm 1979, người cựu chiến binh ngoài tuổi 80 - đại uý Nguyễn Giang Lam, chính trị viên đồn biên phòng Ma Lù Thàng, sau chiến tranh cũng ở lại mảnh đất Tây Bắc, coi Lai Châu là quê hương thứ hai của mình.
"Thế trận đón địch" ở Ma Lù Thàng
“Sáng sớm 17/2, quân Trung Quốc mở màn bằng trận pháo kích dày đặc kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Sau đợt mưa pháo, địch chuyển làn, nã pháo xa hơn.
Chỉ huy đồn đều là những người dày dặn kinh nghiệm chiến trường, đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên đều hiểu, địch sẽ tấn công bộ binh trực diện. Từ đó, chiến sỹ được lệnh ra công sự đã chuẩn bị trước để chặn địch”, cụ Nguyễn Giang Lam nhớ lại.
Đồn biên phòng Ma Lù Thàng là đồn trọng yếu bảo vệ đường biên giới của huyện Phong Thổ. Từ đây, có đường bộ dẫn vào Mường So - trung tâm huyện lỵ Phong Thổ lúc bấy giờ. Nếu vượt qua được “cửa ải” này, chúng sẽ chọc sâu vào trong đất liền, thốc qua Pa So để xâm chiếm các bản làng, rồi từ đó theo đường bộ đánh lấn sang các huyện khác của Lai Châu.
Xác định được tầm quan trọng của Đồn Ma Lù Thàng, gần một tháng trước khi trận chiến được Trung Quốc khai mào, đại úy Nguyễn Giang Lam được cấp trên gọi về phổ biến kế hoạch tác chiến.
“Cấp trên tăng cường cho đồn Ma Lù Thàng gấp hai quân số, từ 40 người lên 80 người, tăng cường thêm hỏa lực, vật tư, thiết bị, toàn đồn đều được vũ trang súng AK, trung liên, đại liên chứ không dùng súng trường.
Dưới sông Nậm Na có ba xuồng máy, trên bộ có 2 xe xit-đờ-ca, 3 cảnh khuyển nghiệp vụ… Thông tin ta nhận được, Trung Quốc sẽ đánh toàn tuyến, đánh lớn là một Sư đoàn, đánh sâu vào hai cây số.
Ngoài ra, Bộ chỉ huy tỉnh cũng cử một tiểu đoàn công binh vào Ma Lù Thàng trước một tuần để gài mìn xung quanh đồn.
Khi đó, Ma Lù Thàng còn có một đồn Tây do Pháp để lại, có lô cốt, giao thông hào... đủ điều kiện chiến đấu. Ta xây dựng thêm đồn mới thứ hai nhưng dâng đồn lên cao hơn giáp với đường biên, xây kiên cố bằng tường gạch, lợp mái pro-ximang chứ không như các đồn khác dựng bằng vách gỗ, lợp tranh.
Thời điểm đó, đồn của ông được đánh giá là đồn hiện đại nhất so với các đồn khác ở dọc tuyến đường biên giới Lai Châu, được trang bị điện đài, liên hệ chỉ huy bằng dây thép nội tuyến…”, cụ Giang Lam nhớ lại.
Công tác chuẩn bị đón địch đã sẵn sàng. Chỉ huy đồn cho cán bộ chiến sỹ ban ngày đào trận địa giả, mục đích đánh lạc hướng để thám báo Trung Quốc quan sát, vẽ sơ đồ chiến trận và rơi vào bẫy nghi binh của ta.
Ban đêm, cả đồn mới đi đào hầm công sự thật. Trước khi cuộc chiến nổ ra 10 ngày, toàn bộ cán bộ chiến sỹ đồn Ma Lù Thàng đều chuyển hết xuống hầm công sự ăn ngủ, sinh hoạt, làm quen với vị trí chiến đấu. Đồn chính bên trên chỉ để lại vài người trông giữ, ban đêm vẫn bật đèn sáng để nghi binh.
Và, đúng như dự tính, quân Trung Quốc đã rơi vào bẫy. Đồn Ma Lù Thàng chủ động đợi địch, cầm chân chúng trọn vẹn gần một ngày, sau đó rút lui an toàn khỏi trận địa theo lệnh của cấp trên với quân số thương vong thấp nhất, chỉ bằng 1% so với thương vong của địch.
Người anh hùng để vợ trẻ, con thơ ở hậu phương lên giữ chốt
Chiến tranh Biên giới tại mặt trận Lai Châu kết thúc nhanh chóng sau chưa đầy 3 tuần được địch khơi mào. Trung tuần tháng 3/1979, quân Trung Quốc bị đẩy lùi khỏi vành đai biên giới Lai Châu dài 61km, bị tiêu diệt hơn 2.400 tên.
Kế hoạch “lấy thịt đè người” thôn tính 3 huyện biên giới Phong Thổ - Mường Tè - Sìn Hồ của Lai Châu trong 7 ngày, từ đó làm bàn đạp đánh thốc sâu vào đất Việt Nam của Trung Quốc bất thành.
Đồn Ma Lù Thàng sau đó được Đảng, Nhà nước trao tặng Đơn vị Anh hùng, các chiến sỹ hy sinh được phong tặng liệt sỹ, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Văn Hiền được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Những người còn sống được phong quân hàm vượt cấp, từ hạ sỹ, binh sỹ… lên thiếu uý.
“Trong những tấm gương chiến đấu ngoan cường, chúng tôi không thể quên sự hy sinh của thiếu uý, anh nuôi Nguyễn Văn Hiền”, Đại uý Nguyễn Giang Lam xúc động.
Sáng sớm 17/2, màn sương đêm trùm kín như đóng bang cả vùng biên. 80 cán bộ, chiến sỹ đồn Ma Lù Thàng bị đánh thức bởi tiếng loa công suất lớn từ bên kia dội sang. Trung Quốc dùng loa chiêu hàng, kêu gọi chỉ huy đồn cùng chiến sỹ ai theo sẽ được hưởng nhà cao cửa rộng, và đe dọa “đã bị bao vây tứ phía, nếu không đầu hàng sẽ bị xóa sổ”... Nếu không vững lập trường, chắc chắn sẽ bị “rụng” ngay khi nghe loa phát thanh của địch.
Phát loa xong thì địch bắt đầu nã pháo. Pháo dập như mưa đá dội từ bên kia sang, xé tan cả màn sương mù dày đặc.
Được chừng hai giờ thì đạn pháo chuyển làn. Anh Trục, anh Năm - hai chỉ huy Đồn dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, tham gia chiến trường từ những năm 1950, bảo: “Chắc chắn nó tiến công, các đồng chí ra vị trí chiến đấu”.
Rồi, bộ binh địch có xe tăng yểm trợ tràn qua biên giới, nhắm thẳng Đồn Ma Lù Thàng. Vấp phải bãi mìn ta gài sẵn trước đó, địch thiệt mạng vô số nhưng lính Trung Quốc vẫn tràn qua, hết lớp này đến lớp khác. Một xe tăng yểm trợ bị trúng mìn định hướng, khựng lại.
Khi trời tang tảng sáng, nhìn ra đúng là quân địch bao vây dày đặc chân đồn, chỉ chừa lại khoảng 200m tiếp giáp phía mặt suối.
Chiến sỹ ta yên vị trí trong các công sự, khai hỏa chặn địch. Từ hầm công sự, chiến sỹ ta chỉ giơ tay ném mìn về phía địch, bởi nếu nhô đầu lên là bị lính bắn tỉa Trung Quốc nã đạn...
Đến khoảng gần trưa, chiếc xe tăng còn lại của địch bị ta dùng B40 bắn cho đứt xích.
Thiếu úy Nguyễn Văn Hiền phụ trách quân nhu, là “anh nuôi” của cả đồn. Lúc chiến tranh chưa nổ ra, vợ anh - chị Đường vừa sinh con đầu lòng. Cấp trên cho phép anh về Nậm Cắn chăm sóc vợ trẻ, con thơ nhưng anh kiên quyết ở lại.
Ba đồng chí khác bị sốt rét ác tính, trên cho xe đón về tuyến sau điều trị nhưng cả ba anh đều ở lại bám đồn.
Khoảng hơn 9h sáng, địch tràn sang áp sát chân đồn. Lúc này, đồng chí Hiền chưa kịp mặc quân phục, vẫn giữ nguyên bộ quần áo đông xuân (còn gọi là bộ quần áo vệ sinh) cầm AK chiến đấu.
Bắn hết cơ số đạn, anh Hiền bị thương nhưng bảo “anh em đồng đội rút đi, tớ đi sau vì bị thương ở chân. Anh ấy còn bảo, chúng mày còn súng bỏ đây tao mấy khẩu”, rồi ở lại cố thủ, kìm chân cho anh em rút”.
Thiếu úy Nguyễn Văn Hiền hy sinh khi địch dội pháo đánh sập công sự, ở tuổi 30 - độ tuổi trẻ trung, sung sức nhất.
Đến gần trưa, chúng tôi nhận được chỉ thị của cấp trên yêu cầu rút khỏi đồn. Nhưng, rút làm sao được khi bốn bên quân địch vây kín. Thế là cả đồn tiếp tục chiến đấu. Địch cũng không tiến lên thêm được chút nào, chỉ tiếp cận đến chân đồn vì hỏa lực của ta cầm chân.
Chiều tối, ta chia ra từng tốp nhỏ để lựa thế rút lui. Chiến sỹ Tao Văn Nó, người Hà Nhì có ngoại hình giống hao hao người Trung Quốc, biết tiếng Quan Hỏa bèn giả tiếng Trung Quốc hô: “Xung phong”. Địch tưởng thật, tập trung về hướng Tao Văn Nó hô, nhờ thế mà ta mới rút được an toàn, sau đó tìm cách đưa thương binh, chiến sỹ bị thương ra khỏi chiến trường.
Địch chiếm được xác đồn “vườn không nhà trống”, điên cuồng nã đạn đánh sập, và dùng súng phun lửa thiêu rụi cả đồi chè bên hông đồn. Kiểm kê lại quân số, ta thiệt hai 28 đồng chí hy sinh - con số rất nhỏ so với thiệt mạng gấp trăm lần của địch.
“Nguyễn Văn Hiền tuân theo lệnh rút lui về tuyến sau, anh vẫn xứng đáng được phong anh hùng, bởi anh là anh nuôi nhưng vẫn cầm súng chiến đấu. Hiền cố thủ, kìm chân địch cho đồng đội rút lui an toàn.
Sau này, chúng tôi đào xới công sự, rà đi soát lại rất nhiều nhưng không tìm được hài cốt của anh, chỉ thấy lớp đất đen sì, đặc quánh…”, người cựu binh già trầm tư.
Cụ Nguyễn Giang Lam quê Phúc Thọ (Hà Tây cũ, bây giờ là Hà Nội), đi hoạt động cách mạng từ năm 1950, làm liên lạc cho Ủy ban kháng chiến lâm thời của huyện Phúc Thọ. Đến tháng 9/1953, ông được điều động đi học 3 tháng Tại trường Quân chính Ba Vì. Ngày 18/11/1953 bổ sung về đơn vị 186, chiến đấu chống Pháp, tiếp đó ông chuyển về Sư đoàn 350. Ngày 10/10/1954, ông về tiếp quản Thủ đô.
Năm 1959, Tây Bắc có phỉ nổi loạn, ông Giang Lam được bổ sung lên Quân khu Tây Bắc. Năm 1967, ông về lực lượng Công an vũ trang tham gia 3 chiến dịch giải phóng miền Nam. Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, ông quay về Lai Châu làm chính trị viên của đồn Nậm Xe. Năm 1978, tình hình biên giới căng thẳng, ông bổ sung vào đồn Ma Lù Thàng, làm chính trị viên tham gia chỉ huy cuộc chiến tranh Biên giới 1979. Đến 1980 ông về công tác tại Tỉnh đội Lai Châu, đến khi nghỉ hưu vẫn mang quân hàm đại úy.
Nghỉ hưu, ông Giang Nam ở lại chiến trường nơi ông cùng đồng đội đổ máu để giữ từng tấc đất biên cương.
“Cuộc đời binh nghiệp của tôi, khởi đầu là bộ đội, giai đoạn giữa là công an vũ trang - bộ đội biên phòng, sau đó lại quay về bộ đội. Lai Châu tuy nghèo nhưng tình cảm" - người cựu chiến binh già nói về quê hương thứ hai mà ông chọn ở lại.