"Bến tàu đã bị hư hỏng nặng. Các phần của bến tàu cần được sửa chữa và xây dựng lại", Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết hôm 28/5. Bà Singh cũng cho biết bến tàu sẽ được di dời đến cảng Ashdod của Israel trong 48 giờ, nơi Bộ Chỉ huy Trung Tâm Mỹ (CENTCOM) sẽ tiến hành sửa chữa. Việc sửa chữa bến tàu sẽ mất hơn 1 tuần.
Trước đó, 4 quan chức Mỹ nói với hãng tin CNN rằng bến tàu bị vỡ do biển động mạnh.
Bến tàu này trị giá 320 triệu USD và bắt đầu hoạt động từ ngày 17/5. Việc vận chuyển hàng viện trợ phải dừng lại sau một tuần hoạt động do biển động mạnh vào ngày 24/5, 2 ngày trước khi một phần của bến tàu bị vỡ. Hiện chưa rõ khi nào hoạt động vận chuyển hàng viện trợ sẽ được nối lại.
Bến tàu quân sự của Mỹ, còn được gọi là Hậu cần chung ngoài khơi (JLOTS), đòi hỏi điều kiện biển rất tốt để hoạt động. Theo báo cáo trước đó của CNN, JLOTS chỉ có thể được vận hành an toàn trong điều kiện sóng cao tố đa 1m và sức gió không đến 24 km/h.
Trước đó, biển động đã khiến việc triển khai bến tàu bị trì hoãn trong vài tuần, buộc phải neo đậu tại cảng Ashdod của Israel để chờ điều kiện thuận lợi. Mỹ nhấn mạnh rằng bến tàu tạm thời chỉ nhằm mục đích hỗ trợ vận chuyển nhiều hàng viện trợ nhân đạo vào khu vực và không nhằm thay thế các hoạt động vận tải qua các cửa khẩu trên bộ giữa Israel và Gaza.
Hôm 23/5, phó chỉ huy CENTCOM Brad Cooper cho biết 820 tấn hàng viện trợ đã được chuyển qua bến tàu đến bãi biển Gaza, nơi Liên hợp quốc chịu trách nhiệm phân phối cho người dân Palestine. Lầu Năm Góc cho biết rằng hơn 1.000 tấn viện trợ đã được chuyển vào Gaza trước khi bến tàu tạm thời phải ngừng hoạt động.
Daniel Dieckhaus, giám đốc Nhóm Quản lý Ứng phó Levant của USAID, nói với các phóng viên rằng có "hàng nghìn tấn" viện trợ đang chờ ở Cyprus để chuyển đến Gaza bằng đường biển. Tuy nhiên, số hàng chưa thể được chuyển đi do bến tàu tạm thời dừng hoạt động.