| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre tập trung phát triển bền vững nghề nuôi tôm

Thứ Ba 30/04/2024 , 09:16 (GMT+7)

Năm 2024, tỉnh Bến Tre có kế hoạch phát triển thêm 500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025. Đến nay, mô hình này đang phát triển tốt tại các địa phương ven biển.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre phát triển tốt. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre phát triển tốt. Ảnh: Minh Đảm.

Hiệu quả cao, bền vững

Theo Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Phú, đến năm 2025 huyện được giao phát triển 1.500ha diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, địa phương đã vận động bà con phát triển được 1.247ha, đạt 83%. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu phát triển thêm 130ha, qua đó đã giao chỉ tiêu cho 9 xã có vùng nuôi. Kế hoạch năm 2025, tiếp tục phát triển thêm khoảng 123ha và hoàn thành chỉ tiêu được giao trong 6 tháng đầu năm.

Theo ngành chức năng và nông dân thực hiện mô hình, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả tốt và bền vững hơn so với các mô hình nuôi trước đây. Ưu điểm của mô hình này là cách ly được dịch bệnh giai đoạn đầu, quản lý chặt chẽ yếu tố thủy lý, thủy hóa.

Ông Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú là một trong những nông dân điển hình của Bến Tre đạt được thành công trong nuôi tôm công nghệ cao. Các đây hơn 10 năm, ông Sấm đã chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm truyền thống sang mô hình công nghệ cao với quy mô 5ha.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Lê Văn Sấm tại xã Thạnh Hải. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Lê Văn Sấm tại xã Thạnh Hải. Ảnh: Minh Đảm.

Ông cho xây dựng nhiều ao nuôi có diện tích khoảng 1.000m2, được chia thành chuỗi các ao liên hoàn như: ao nuôi tôm post (tôm ươn), ao nuôi giai đoạn 2, giai đoạn 3 và ao lắng. Ông lót đáy ao bằng bạt, thay nước thường xuyên để tạo môi trường nước trong sạch cho tôm phát triển. Nguồn nước cũng được xử lý kỹ lưỡng trước khi đưa vào ao và khi thải ra. Theo ông Sấm, nuôi nhiều giai đoạn và ứng dụng công nghệ cao đã giúp tiết kiệm chi phí lao động, điện, nước và giảm thiểu rủi ro về mầm bệnh.

Năm 2023, ông Sấm đã thả nuôi được 3 vụ với tổng sản lượng khoảng 900 tấn, doanh thu đạt 100 tỷ đồng, lợi nhuận trên 40 tỷ đồng. Hiện nay, ông cũng đang thu hoạch lứa tôm đầu tiên của vụ nuôi đầu năm.

Giá cả những ngày đầu năm này nhìn chung ổn định khá so với năm ngoái. Mỗi ao có sản lượng khoảng 10-11 tấn, tôm size 30kg/kg có giá bán trên 140.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/ha/vụ. Theo ông Sấm, bí quyết để thực hiện mô hình thành công nằm ở con giống chất lượng tốt (chiếm 60%), còn lại là quản lý môi trường.

Ông Sấm đang kiểm tra tôm trước khi thu hoạch. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Sấm đang kiểm tra tôm trước khi thu hoạch. Ảnh: Minh Đảm.

Thực tế, sự phát triển của các trang trại (farm) nuôi tôm công nghệ cao đã góp phần giải quyết việc làm hiệu quả, mang lại thu nhập khá ổn định cho người lao động địa phương. Tại farm nuôi của ông Sấm đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng và khoảng từ 60-80 lao động thời vụ mỗi kỳ thu hoạch tôm, dọn dẹp ao nuôi.

“Đối với kế hoạch phát triển 4.000ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, ở góc độ nông dân tôi thấy chủ trương này hoàn toàn đúng. Cái khó ở thời điểm này là hạ tầng như lộ giao thông nông thôn, điện chưa được đầu tư xứng tầm. Ngoài ra, ở đây không có nhà máy thu mua chế biến tôm, phải bán qua trung gian đầu ra bấp bênh”, ông Lê Văn Sấm nói.

Thạnh Phú tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, địa phương được giao chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ, năm 2025 đạt 250ha và hiện nay đã đạt được 200ha. Năm qua, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, giá cả cũng đảm bảo nên lợi nhuận của người nuôi đạt khá cao.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả cao và bền vững. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả cao và bền vững. Ảnh: Minh Đảm.

Cụ thể, tại hộ ông Lê Văn Sấm có nhiều kinh nghiệm nuôi, trong năm qua lợi nhuận được đánh giá đã đạt gần 50 tỷ đồng. Còn tại trang trại của bà Phan Thị Mỹ Linh lợi nhuận cũng khoảng 40 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm cho bà con trên địa bàn xã cũng như thúc đẩy sự phát triển của mô hình này.

“Thạnh Hải cố gắng tranh thủ các nguồn vốn đầu tư về đường sá, điện. Bên cạnh đó, UBND xã sẽ kết nối các hộ nuôi có khó khăn về nguồn vốn với các ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ có điều kiện phát triển nuôi tôm công nghệ cao”, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết.

Theo ông Lê Văn Tiến, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạnh Phú, trong năm 2024 huyện tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm tại huyện đảm bảo bền vững, tăng nhanh năng suất, sản lượng và chất lượng.

Cụ thể, quan tâm xây dựng và phát huy chứng nhận sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, huyện tập trung phát triển đối với các vùng có cơ sở hạ tầng tốt để phát triển vùng nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, chế biến liên kết đầu vào, đầu ra giữa các doanh nghiệp và hộ nuôi.

Nuôi tôm công nghệ cao có mái che giúp quản lý tốt dịch bệnh, tránh tác động của thời tiết. Ảnh: Minh Đảm.

Nuôi tôm công nghệ cao có mái che giúp quản lý tốt dịch bệnh, tránh tác động của thời tiết. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng theo ông Tiến, mô hình này mang lại hiệu quả cao, bền vững hơn các mô hình trước đây. Tuy nhiên, địa phương cũng chưa có vốn để đầu tư hạ tầng cho 5 khu nuôi tập trung.

“Cái này huyện cũng kiến nghị tỉnh tranh thủ các nguồn vốn của Bộ NN-PTNT để đầu tư các tuyến giao thông, thủy lợi, điện. Đang làm việc với ngành điện để đầu tư cho các cụm này, đảm bảo thuận lợi cho việc phát triển các khu nuôi tập trung”, ông Tiến nói.

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho biết thêm, hiện nay đã có 2 doanh nghiệp dự kiến đầu tư về địa phương dự án nhà máy chế biến tôm. UBND huyện đang trình UBND tỉnh xem xét giao một phần đất trong khu Cảng cá An Nhơn và cũng đang xúc tiến đấu giá giao các doanh nghiệp sớm triển khai dự án giải quyết đầu ra cho bà con.

Bến Tre phát triển 500ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao

Không riêng Thạnh Phú, mô hình nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao được đánh giá mang lại hiệu quả cao và phát triển tốt tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Đến cuối năm 2023, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đạt 3.110 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Đại 1.551 ha và huyện Thạnh Phú 1.179ha. Năng suất bình quân 60-70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu đồng/vụ nuôi. Sản lượng đạt trên 49.000 tấn chiếm 50% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao giúp giải quyết việc làm cho địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao giúp giải quyết việc làm cho địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Năm 2024, ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền người nuôi phát triển tăng thêm 500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Ba Tri (70ha), Bình Đại (230ha) và Thạnh Phú (200 ha).

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Ngành tiếp tục triển khai thực hiện đăng ký nuôi đối tượng thủy sản chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) theo đúng quy định hiện hành. Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá định kỳ an toàn thực phẩm và kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống, ương dưỡng giống thủy sản.

Sở NN-PTNT tập trung phối hợp địa phương hỗ trợ công tác vận động, thành lập Hợp tác xã trong chuỗi giá trị tôm biển. Đặc biệt chú trọng đến các hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, hỗ trợ hướng dẫn hoạt động Ban Quản lý vùng nuôi tại các xã, thị trấn nhằm phát huy trách nhiệm cộng đồng quản lý tốt môi trường vùng nuôi không xả nước thải, chất thải và các bệnh nguy hiểm chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên. Phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu kết nối và xây dựng các vùng nuôi tôm theo các tiêu chuẩn đặt hàng của các nước nhập khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định đầu ra cho người nuôi như BAP, ASC...

Trong năm 2024, phối hợp với Công ty CP thủy sản Cửu Long triển khai cấp chứng nhận tiêu chuẩn BAP khoảng 200ha tại huyện Bình Đại.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.