Theo BS.TS Hoàng Kim Ước thì bệnh bướu cổ mắt lồi (bệnh Basedow) là do cơ thể người bị bệnh sản xuất ra một kháng thể chống lại tổ chức (cơ quan) của chính mình. Trong trường hợp bệnh Basedow thì cơ thể người bệnh sản xuất ra kháng thể chống lại tuyến giáp của chính bản thân họ (thực chất là kháng thể kích thích tuyến giáp hoạt động và phát triển).
Đây là một hiện tượng bất thường của cơ thể và chỉ xảy ra trong các điều kiện sau: Người bị bệnh có những khiếm khuyết trong kiểm soát hệ thống miễn dịch (khiếm khuyết gen) dẫn tới việc để hệ thống miễn dịch sinh ra kháng thể chống lại tổ chức của chính mình.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người có những khiếm khuyết về gen nêu trên đều bị bệnh mà chỉ có một số người, trong một số điều kiện thuận lợi mới phát sinh bệnh. Những điều kiện thuận lợi dễ làm bệnh phát sinh đó là tình trạng nhiễm khuẩn (nhiễm vi khuẩn hoặc virus), các sang chấn tâm lý, giới tính nữ, đặc biệt trong các giai đoạn có những thay đổi về hormon nữ như dậy thì, sau đẻ, tiền mãn kinh,... hút thuốc lá.
Hiện nay các chuyên gia trên thế giới đều thống nhất iốt không phải là yếu tố trực tiếp gây bệnh Basedow, tuy nhiên những người đang được điều trị bệnh Basedow mà dùng thêm iốt thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn do iốt làm hạn chế tác dụng của thuốc điều trị. Những phụ nữ đang bị bệnh Basedow thường giảm khả năng phóng noãn (trứng) mà biểu hiện bên ngoài là vô kinh hoặc kinh không đều, vì vậy thường rất khó có thai.
Tuy nhiên, phụ nữ khi đang điều trị bệnh vẫn nên chủ động phòng tránh thai; khi bệnh đã được điều trị ổn định (toàn bộ thời gian điều trị kéo dài khoảng 18-24 tháng hoặc hơn), bác sĩ sẽ kiểm tra lại toàn diện tình trạng bệnh để quyết định xem đã có thể ngừng thuốc điều trị được chưa và theo dõi thêm trong vòng vài tháng sau khi ngừng thuốc, nếu bệnh thực sự ổn định (khỏi) và nồng độ kháng thể trong máu mẹ thấp thì người bệnh có thể tính chuyện sinh con; trong trường hợp đang điều trị bệnh mà có thai hoặc khi có thai thì bị bệnh, bác sĩ điều trị sẽ có những quyết định ưu tiên khác nhau tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể của người bệnh.
Để bảo đảm an toàn cho mẹ và bào thai, bác sĩ điều trị sẽ lựa chọn các thuốc ít qua rau thai và dùng liều thấp để điều trị, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ quá trình đẻ cũng như đứa trẻ được sinh ra. Người mẹ bị bệnh Basedow sẽ không di truyền bệnh cho con, nhưng có thể di truyền nguy cơ dễ mắc bệnh cho con và nếu như người con “được” di truyền nguy cơ này mà gặp những yếu tố thuận lợi như đã nêu trên thì cũng có thể bị bệnh.
Trong trường hợp bệnh của mẹ chưa ổn định mà có thai và sinh con thì con rất có thể bị bệnh do kháng thể của mẹ đi qua rau thai sang con gây bệnh, tuy nhiên quá trình bị bệnh ở con chỉ thoảng qua và mất đi sau vài tháng khi kháng thể của mẹ trong cơ thể con hết đi; khi bị bệnh Basedow, người bệnh có thể bị suy giảm trí nhớ do giảm khả năng tập trung và mất ngủ. Khi bệnh ổn định thì trí nhớ sẽ được hồi phục trở lại. Bệnh Basedow có thể điều trị bằng phẫu thuật (các cách thức điều trị khác là điều trị bằng nội khoa hoặc điều trị bằng iốt phóng xạ) và có thể khỏi bệnh.
*Tôi định gây dựng một vùng chuyên canh bưởi vậy nên chọn giống bưởi gì? (Nguyễn Đình Phong, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng)
Theo thông tin trên mạng (www.longkhanh-dongnai.gov.vn) thì để nhằm phát hiện, tuyển chọn những cây bưởi đầu dòng trái ngon, giống tốt đang hiện diện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tỉnh đã tổ chức Hội thi chọn giống bưởi, qua đó khích lệ nông dân quan tâm đầu tư công tác giống trong sản xuất nông nghiệp. Vòng chung khảo đã diễn ra ngày 21/12/2007 tại văn phòng Trung tâm khuyến nông Đồng Nai. Bạn muốn biết kết quả Hội thi về giống nào tốt nhất (trong nhóm giống bưởi da xanh, Năm Roi, bưởi lông) xin liên hệ trực tiếp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai. Theo tôi, nên tìm mua giống bưởi lông hồng của HTX Mỹ Lương, Cái Bè, Tiền Giang. Loại bưởi này có trọng lượng 900-1.400g/quả và có sản lượng cao, chất lượng ngon.