| Hotline: 0983.970.780

Bệnh nhân ung thư có nguy cơ tắc mạch cao hơn người bình thường

Chủ Nhật 22/09/2019 , 15:38 (GMT+7)

Theo BS Nguyễn Thanh Liêm, bệnh nhân ung thư là nhóm bệnh nhân có khả năng bị tắc mạch cao hơn người bình thường do những đặc điểm riêng biệt của bệnh lý ung thư.

Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Khoa học Bệnh viện năm 2019 do Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức.

TS.BS Nguyễn Thanh Liêm (Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) chia sẻ về "Điều trị tắc mạch trong ung thư".

BS Liêm cho biết, đối với bệnh nhân ung thư, cơ hội kéo dài sự sống ngày càng tăng cao nhờ những phương pháp điều trị mới.

Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư có nguy cơ tắc mạch và xuất huyết cao gấp 5 lần so với người bình thường, đây là biến chứng thường xảy ra cao, lên đến 20% ở bệnh nhân ung thư.

Thêm vào đó, bệnh nhân ung thư thường có thêm những vấn đề khác như suy thận, giảm tiểu cầu hoặc dùng các thuốc tương tác với các thuốc kháng đông.

Tắc mạch bao gồm tắc động mạch và tắc tĩnh mạch. Trong đó, tắc động mạch thường hiếm xảy ra (chỉ khoảng 1%) chủ yếu xảy ra ở những trường hợp ung thư tụy di căn, vú đại tràng và phổi; còn tắc tĩnh mạch có tỷ lệ cao hơn (lên đến 20%) ở nhóm người bệnh ung thư đang tiến triển và thường không được nhận biết, thường xảy ra ở người bệnh ung thư nằm viện lâu ngày, kém vận động, phải vào hóa chất gây tổn thương tĩnh mạch.

Ngoài ra, bản thân ung thư gây ra tình trạng tăng đông thông qua các yếu tố tăng đông và các yếu tố viêm, rối loạn nhịp… Đặc biệt, nguy cơ tắc tĩnh mạch tái phát cao nhất ở nhóm bệnh lý ung thư máu, phổi, tiêu hóa (dạ dày, đại tràng), tụy, thận, xương, ung thư có rối loạn tăng sinh tủy, ung thư di căn xa. Nguy cơ tắc tĩnh mạch càng cao nếu bệnh nhân có các rối loạn đông máu đi kèm.

“Tắc mạch có thể gây ra cho người bệnh bị thuyên tắc phổi, suy giảm tĩnh mạch, tai biến mạch máu não và đột quỵ tim. Việc điều trị cho nhóm bệnh nhân này cũng phức tạp hơn do những đặc điểm riêng biệt của bệnh lý ung thư gây ra. Chính vì vậy, việc phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ Khoa Ung Bướu và Khoa Tim Mạch, Huyết học là điều rất quan trọng để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất trong quá trình điều trị cho bệnh nhân”, BS Liêm nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, 21 đề tài nghiên cứu về “các phương pháp điều trị mới, cập nhật phác đồ tầm soát và điều trị, nâng cao an toàn người bệnh, giảm sai sót và biến chứng trong điều trị” liên quan những bệnh lý về tiêu hóa, ung thư và chấn thương chỉnh hình nhằm cải thiện chất lượng sống và hiệu quả điều trị cho người bệnh như “Điều trị tắc mạch trong ung thư”, “Hiệu quả phẫu thuật STARR điều trị sa trực tràng kiểu túi”, “Điều trị gãy xương đùi bằng phương pháp thay khớp háng chuôi dài”, “Hiệu quả điều trị nhồi máu não cấp bằng tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch”…

Xem thêm
Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

Lá lốt có tác dụng gì với sức khoẻ?

Lá lốt không chỉ giúp hương vị của món ăn thêm thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và còn có tác dụng điều trị một số loại bệnh.