Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, hiện nay dịch bệnh than tại Lào diễn biến phức tạp.
Tại Lào, tính đến nay, tại tỉnh Champasak và Salavan đã có 121 trường hợp nhiễm dịch bệnh than; thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Bolikhamsai đã xuất hiện các trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Lào chưa có văn bản cấm vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc từ vùng nhiễm bệnh sang các khu vực khác hoặc xuất khẩu đi nước ngoài.
Vì vậy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị trên tuyến biên giới đất liền tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, biên giới, cửa khẩu; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý người, phương tiện xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc không có nguồn gốc xuất xứ qua biên giới.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ công dân đi, ở, về từ Lào có dấu hiệu mắc bệnh liên quan đến ăn thực phẩm là động vật không rõ nguồn gốc và động vật chết; kịp thời thông báo các trường hợp có dấu hiệu mắc dịch bệnh đến trung tâm y tế huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để điều tra, xử lý.
Bệnh than là bệnh truyền nhiễm cấp tính do khuẩn than (Bacillus – Antharacis) gây ra; gồm các thể như thể da (chiếm 95% bệnh nhân), thể nhiễm khuẩn huyết, thể dạ dày - ruột, thể phổi. Ổ chứa bệnh than thường là động vật ăn cỏ. Ở trong đất, nha bào than tồn tại rất lâu, kể cả môi trường khắc nghiệt.
Bệnh than lây qua nhiều đường như da, niêm mạc, máu, tiêu hóa, hô hấp; gây ra các vụ dịch lớn ở động vật rồi lây sang người. Những người làm nghề chăn nuôi, tiếp xúc với lông, da, xương động vật hoặc những người giết mổ, ăn thịt động vật bị bệnh, chết có nguy cơ mắc bệnh than.