Cho rằng bản án sơ thẩm chưa thỏa đáng, Cục THADS Bình Định kháng cáo và yêu cầu hủy bản án đã tuyên.
Phiên tòa xử bị cáo Nguyễn Văn Chánh 9 năm tù và buộc Cục THADS Bình Định bồi thường cho 2 DN tư nhân hơn 55 tỷ đồng. |
Liên quan đến phán quyết của Hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm chiều 18/9 trong vụ án Nguyễn Văn Chánh, buộc Cục THADS Bình Định bồi thường cho 2 DN tư nhân tổng số tiền hơn 55 tỷ đồng, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục THADS Bình Định, cho rằng, với tư cách là đơn vị quản lý công chức, nên Cục THADS Bình Định cũng là bị đơn dân sự. Theo quy định thủ tục bồi thường Nhà nước trong trường hợp phải bồi thường do hành vi của người thi hành công vụ gây ra, Cục sẽ thực hiện trách nhiệm bồi thường theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong phiên xử sơ thẩm còn nhiều chi tiết chưa được làm sáng tỏ. Vì vậy, xét thấy quyền lợi hợp pháp của mình chưa được đảm bảo, nên Cục THADS Bình Định quyết định kháng cáo. “Và để vụ việc được xét xử đúng người, đúng tội, Cục đề nghị hủy bản án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm”, ông Hồng khẳng định.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong quá trình tổ chức thi hành án, ông Nguyễn Văn Chánh, nguyên chấp hành viên, nguyên Chánh văn phòng Cục THADS Bình Định, đã thực hiện không đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Ông Chánh đã ban hành quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản sai đối tượng thi hành án, tạm giữ tài sản thi hành án trong thời gian dài, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho 2 DN Huy Phương và Phú Lợi.
Được biết, trước khi diễn ra phiên tòa xét xử công khai vào 2 ngày 17 và 18/9/2019, vụ án này cũng đã 2 lần hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cụ thể, phiên tòa diễn ra ngày 21/6/2019 đã hoãn vì lý do cả 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Chánh vắng mặt; luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là Cục THADS Bình Định vắng mặt.
Đến ngày 19/7, phiên tòa được đưa ra xét xử, tại phần xét hỏi, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Bình Định điều tra bổ sung một số nội dung liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 2 DN Huy Phương và Phú Lợi (cùng ở tỉnh Gia Lai). Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Bình Định vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố của mình.
Làm việc với báo chí, Cục THADS Bình Định đã đưa ra nhiều tài liệu nhằm chứng minh chấp hành viên đã làm đúng quy định pháp luật về thi hành án tại thời điểm vụ việc diễn ra. Với thiệt hại của DNTN Huy Phương, theo ông Hồng, việc tạm giữ tài sản khi có dấu hiệu tẩu tán và theo đề nghị người được thi hành án (Cty Thanh Phát) là đúng quy định.
Trước đó, kết quả xác minh ghi nhận lô sắn lát 2.000 tấn ở kho 2 - kho 380 là của DN tư nhân Phú Lợi, nhưng đã bán cho Cty TNHH Thành Tâm Vạn. Phát sinh tranh chấp, vì không có thẩm quyền giải quyết về quyền sở hữu tài sản, chấp hành viên hướng dẫn các bên liên quan khởi kiện ra tòa. Tháng 11/2014, vụ việc được TAND thành phố Pleiku (Gia Lai) thụ lý. Ngày 8/6/2015, TAND thành phố Pleiku ban hành bản án, công nhận 1.538,99 tấn sắn lát trong kho 2 là của DN tư nhân Huy Phương.
Ông Hồng trích Kết luận của Viện KSNDTC: “Công văn 1234/CTHADS-NV ngày 21/11/2014 của Cục THADS Bình Định trả lời đơn và hướng dẫn bà Phương khởi kiện ra tòa giải quyết tranh chấp là có cơ sở, phù hợp quy định tại điều 68, 75, Luật THADS”.
“Sau tạm giữ, kê biên lô sắn lát, vụ việc bị hoãn 3 tháng, trước khi bị tạm đình chỉ thi hành án 2 lần. Việc xét xử yêu cầu công nhận quyền sở hữu tài sản kéo dài. Tòa thụ lý ngày 18/11/2014 nhưng đến 16/3/2016, cơ quan thi hành án mới nhận quyết định có hiệu lực thi hành. Khi có đủ cơ sở xác định quyền sở hữu tài sản thì lô sắn bị giảm giá trị đáng kể. Trong bối cảnh ấy, cơ quan thi hành án vừa thực hiện khử trùng định kỳ vừa liên tục đề nghị tòa án có biện pháp xử lý”, ông Hồng bày tỏ.
Ông Hồng khẳng định việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của Công ty Thanh Phát là đúng Luật THADS năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, chấp hành viên đã xác minh kho hàng Phú Lợi tại các Khu công nghiệp Long Mỹ, Nhơn Hòa, kho 380 Binh đoàn 15; xác minh thông tin tài khoản, tiền gửi, tiền vay ở một số ngân hàng…
“Việc cưỡng chế, kê biên tài sản ông Lê Viết Chín, chủ DN tư nhân Phú Lợi không thực hiện được vì ngày 1/4/2015, Cục THADS Bình Định nhận kháng nghị của Viện KSNDTC đối với bản án 08/2014/DSPT. Bản án về sau bị hủy một phần, dẫn đến nội dung quyết định THA có thay đổi. Tài sản của ông Lê Viết Chín có tại Khu công nghiệp Long Mỹ đã được áp dụng biện pháp bảo đảm, kê biên, xử lý liên tục từ 20/3/2015, nhưng do bản án 08/2014/DSPT nhiều lẫn bị hoãn và tạm đình chỉ nên đến 21/8/2015, chấp hành viên mới thực hiện cưỡng chế, kê biên”, ông Hồng trình bày.
“Tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng: Luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt, 11 nhân chứng quan trọng được triệu tập, trong đó có 5 ngân hàng liên quan không đến tòa. Chúng tôi trông chờ một bản án nghiêm minh nhưng khách quan, công bằng. Vì vậy, Cục THADS Bình Định đề nghị hủy bản án đã tuyên, chuyển hồ sơ cho tòa sơ thẩm giải quyết lại theo trình tự pháp lý hiện hành”, ông Nguyễn Xuân Hồng đề nghị. |