| Hotline: 0983.970.780

Bí ngô vụ đông giá cao

Thứ Sáu 03/12/2021 , 15:30 (GMT+7)

HƯNG YÊN Sau 80 ngày từ đặt bầu đến thu hoạch, hộ trồng ít bí ngô nhất cũng dư ra được 12 - 15 triệu đồng. Hộ trồng nhiều chắc chắn có dư trên 30 triệu đồng.

Ông Trần Đình Toại, Trưởng thôn Giang, xã Nhân La (Kim Động, Hưng Yên) cho biết: Vụ đông này, toàn xã gieo trồng 80 mẫu (30 ha) bí ngô. Năm nay, diện tích bí ngô giảm so với vụ đông năm trước do nông dân sợ ảnh hưởng dịch Covid-19, sản phẩm không bán được. Tuy nhiên hiện nay, nhờ hết giãn cách xã hội nên thương lái về mua bí tấp nập. Bình quân mỗi sào bí ngô sau 80 ngày từ trồng đến thu hoạch, cho lãi được 2,5 - 3 triệu đồng.

Nhà nông phấn khởi được gia bí ngô non. Ảnh: H.Tiến.

Nhà nông phấn khởi được gia bí ngô non. Ảnh: H.Tiến.

Ông Trần Đình Hiển (thôn Giang) trồng 1,2 mẫu bí, vừa qua thu lãi ngót 30 triệu đồng. Ông Hiển bảo: Lúc mới xuống giống, ông cũng lo lắm. Bán hết bí rồi ông mới thấy an tâm. Bởi chỉ cần một thương lái hay ai đó trong làng “dính” Covid-19, cũng khiến việc thu mua rau quả bị ảnh hưởng.

Anh Hà Văn Thanh ở cùng thôn trồng 1,2 mẫu bí, hiện đã cho thu nhập trên 32 triệu đồng. Ngoài thu hái bí quả, anh Thanh còn “gặt” thêm được các cành rau, nhánh và nụ hoa, cắt bán cho nhà hàng, quán ăn.

Theo anh Thanh, cành, mầm bí phát sinh từ thân chính, nhất là các nụ hoa chưa nở, được ví như rau xanh đặc sản, bán tại ruộng cũng được 15.000 đồng/kg cành rau nhánh, 20.000 đồng/kg nụ hoa. Tới tay người tiêu dùng có thể cao gấp bội.

Nhân La là xã có truyền thống trồng bí vụ đông từ trước năm 2000. Ban đầu, cơ bản chỉ gieo bí xanh. Do bí xanh vụ đông cũng bị sâu bệnh hại, khả năng sinh trưởng kém, thu nhập không cao bằng bí ngô nên bà con đã chuyển sang trồng bí ngô kể từ năm 2008 đến nay.

Cây bí ngô ngoài khắc phục được các nhược điểm của bí xanh, còn rất dễ bán sản phẩm, bộ phận cho thu hoạch cả quả, rau và nụ hoa. Bí ngô cũng không phải phun thuốc phòng trừ nấm bệnh như gieo trồng bí xanh.

Thu tỉa những cành nhánh phát sinh từ thân chính để bán, tăng thêm thu nhập. Ảnh: H.Tiến.

Thu tỉa những cành nhánh phát sinh từ thân chính để bán, tăng thêm thu nhập. Ảnh: H.Tiến.

Đa số các hộ ở thôn Giang đều trồng từ 5 - 6 sào bí ngô vụ đông. Nhiều hộ trồng trên 1 mẫu (10 sào). Theo đó năm nào cũng vậy, nhà trồng ít bí nhất cũng dành ra được 12 - 15 triệu đồng.

Để gieo trồng bí ngô đông đạt hiệu quả. Ngay khi bước vào vụ sản xuất lúa mùa, địa phương phải xây dựng kế hoạch gieo trồng bí. Bao gồm lựa chọn xứ đồng chủ động tưới tiêu. Trong đó, cơ cấu các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao; chia ruộng lúa thành từng ô thẳng hàng; mỗi ô rộng 7 - 8m, dài từ bờ bên này tới bờ đối diện; tạo lối công tác giữa các ô rộng 0,6 - 0,7m để trồng bí vào 2 bên sau này.

Thời vụ trồng: Khi lúa mùa chín đỏ đuôi, tiêu rút nước triệt để trên ruộng. Đặt bầu trồng cây giống trước thu hoạch lúa khoảng 12- 15 ngày (đầu tháng 8 âm lịch). Làm bầu gieo cây giống (cuối tháng 7 âm lịch) như làm bầu gieo ngô đông hoặc bí xanh đông trồng trên đất 2 lúa.

Chọn hạt bí chắc mẩy, ngâm trong nước ấm 2-3h, vớt ra đãi chua, ươm hạt trong cát ẩm tới nhú mầm, gieo ươm hạt mầm trong các bầu giá thể. Khi cây bí có từ 2-3 lá thật, bứng ra trồng xen giữa các khóm lúa, tại 2 mép lối đi công tác của ruộng lúa đã quy hoạch hoạch trồng bí ngô trước đó.

Mật độ trồng 300 - 350 cây/sào. Cây cách cây 30 - 35cm. Bón lót (khi đặt bầu cây giống): 300kg phân chuồng mục + 1kg đạm Urê + 3kg Lân super. Bón thúc (sau trồng 20-25 ngày): 15kg đạm Urê + 20kg lân super.

Chú ý chia phân bón cho bí làm 5 - 6 lần theo phương châm “nhẹ đầu, nặng cuối”. Có nghĩa, những lần đầu bón ít, sau tăng dần phân bón tương ứng với sự sinh trưởng, phát triển ruộng bí. Tốt nhất hòa tan phân đạm với phân lân rồi mới tưới cho cây.

Pha loãng đam, lân trước khi bón cho cây bí. Ảnh: H.Tiến.

Pha loãng đam, lân trước khi bón cho cây bí. Ảnh: H.Tiến.

Sau bí ra hoa đậu quả, định lượng mỗi cây chỉ thu hoạch 3 - 4 quả sinh trưởng khỏe, phát triển cân đối, các quả khác phải vặt bỏ sớm. Thu hoạch trái non, khi quả bí đạt khối lượng 0,3 - 0,4kg, vỏ quả đang còn mềm. Trong quá trình sinh trưởng của cây bí, cho phép thu hái các cành rau phát sinh từ thân chính và các nụ hoa ra sau, khi đã định quả thu hoạch nhằm tăng thêm thu nhập và tập trung dinh dinh dưỡng cho nuôi cây.

Để giống: Chọn những quả bí to, mập, cân đối, sạch bệnh. Thu hoạch quả già khoảng cuối vụ, khi vỏ quả cứng, chuyển từ màu xanh nhạt sang hanh vàng. Sau để quả giống lên giàn nơi thoáng mát, cách biệt với nền nhà.

Từ tháng 3 năm sau, bổ trái cây lấy hạt, phơi khô trên khay hoặc mẹt tre/nứa. Hạt bí khô đóng trong lọ nắp kín, có thể đựng trong túi nilon, rồi lưu trong ngăn mát tủ lạnh, cho trồng vụ kế tiếp. Lượng hạt của 5 - 7 quả có thể đủ trồng cho 1 sào 360 m2 bí ngô.  

Dù phải cạnh tranh gay gắt với nhiều loại rau có lợi thế cao cho trồng vụ đông, như cải bắp, su hào, sup lơ, cải canh, cải ngọt… nhưng rau quả bí ngô vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Vì rau bí ngô vụ đông luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quá trình canh tác không cần sử dụng thuốc BVTV hay chất kích thích sinh trưởng.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.