| Hotline: 0983.970.780

Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân vụ rác thải Formosa

Thứ Hai 18/07/2016 , 08:01 (GMT+7)

Theo báo cáo bước đầu, đến thời điểm này tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện 10 điểm tập kết rác thải công nghiệp trái quy định, hầu hết đều liên quan đến Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo UBND tỉnh họp kiểm điểm nghiêm túc...

Để xảy ra chuỗi sự cố môi trường trên có một phần lớn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Vì vậy ngày 16/7, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo UBND tỉnh họp kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến quản lý, giám sát về môi trường .

2 chỉ tiêu vượt ngưỡng là gì?

Ngày 17/7, ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, hiện tỉnh đã nắm trong tay kết quả phân tích 4 mẫu bùn thải; trong đó, 3 mẫu gồm: bùn thải sinh hoạt, bùn thải hồ sinh hóa và bùn thải công nghiệp lấy trong Cty Formosa và 1 mẫu chung tại Cty CP tư vấn xây dựng và quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (Cty môi trường Kỳ Anh).

Có 13/15 chỉ tiêu dưới ngưỡng cho phép và 2 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, tuy nhiên, 2 chỉ tiêu vượt ngưỡng là gì tạm thời tỉnh chưa công bố mà chờ kết quả phân tích độc lập rất nhiều mẫu của Bộ TN-MT để đối chứng nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác.

 Ngoài điểm chôn lấp chất thải tại khu vực trang trại ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Cty môi trường Kỳ Anh, cuối tuần qua, lực lượng chức năng Hà Tĩnh tiếp tục phát hiện thêm 2 điểm khác chôn lấp 14 tấn bùn thải do Cty này thực hiện. Một điểm tại công viên Hưng Thịnh, phường Kỳ Trinh (khoảng 10 tấn) và một điểm khác ở khu xử lý rác xã Kỳ Tân, thị xã Kỳ Anh (khoảng 4 tấn).

11-46-53_1
Ảnh: Thanh Nga

 

Liên quan đến thông tin Cty TNHH môi trường Phú Hà (đóng tại thị xã Kỳ Anh) vận chuyển chất thải của Formosa ra xã Trạm Thảm, huyện Phù Ninh, Phú Thọ để xử lý, ngày 16/7 Cty này đã có giải trình cụ thể.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ 10/2015 – 6/2016 Cty Phú Hà đã thu gom, vận chuyển về nhà máy tại Phú Thọ 4/7 loại chất thải đã ký kết hợp đồng với Formosa với tổng khối lượng 142.430kg, trong đó chủ yếu là vỏ thùng sơn và vỏ thùng dầu thải (134.560kg).

Tuy nhiên, các vỏ thùng đựng sơn, đựng dầu Formosa đều đã sử dụng hết chất lỏng nên thành phần nguy hại còn bám dính rất ít, chỉ chiếm khoảng 3 – 5% (tương đương 4.036kg – 6.728kg chất thải nguy hại). Toàn bộ chất thải này được thu gom, vận chuyển bằng xe chuyên dụng và xử lý tại các hệ thống xử lý chất thải nguy hại ở Nhà máy Phú Thọ theo đúng quy định.

11-46-53_2
Ảnh: Thanh Nga

 

“Đến thời điểm này chúng tôi khẳng định chưa ký hợp đồng và chưa tiếp nhận bùn thải và dịch thải lỏng từ Formosa để xử lý tại nhà máy ở Phú Thọ và các nhà máy khác của Cty. Cty cũng không ký bất kỳ một hợp đồng nào để xử lý chất thải nguy hại cũng như chất thải công nghiệp thông thường, trong đó có bùn thải và dịch thải lỏng với Cty môi trường Kỳ Anh”, ông Hoàng Chí Thức, Phó tổng giám đốc Cty Phú Hà nói.

11-46-53_4
Một lượng lớn bùn thải của Formosa tiếp tục được phát hiện đổ tại bãi rác thải xã Kỳ Tân, thị xã Kỳ Anh

 

Như vậy, đến thời điểm này, hơn 100 tấn chất thải khai đào tại trang trại ông Hòa và các địa điểm khác do Cty môi trường Kỳ Anh chôn lấp đang được niêm phong, lưu giữ tại Cty Phú Hà chờ xử lý.

Phó Chủ tịch tỉnh nhận trách nhiệm

Trao đổi với PV, ông Dương Tất Thắng nói rằng, với tư cách là lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách ông nhận trách nhiệm đầu tiên vì để xảy ra sự cố môi trường thời gian qua. “Bây giờ tôi đang viết bản kiểm điểm đây”, ông Thắng nói, đồng thời cho biết, sự cố Formosa xả thải ra biển và sau đó là phát hiện chất thải rắn của Cty chôn ở đất liền là bài học rất lớn đối với Hà Tĩnh trong công tác quản lý môi trường và thu hút đầu tư.

Ông Thắng cũng cho biết, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm cá nhân, tập thể sau đó báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.

“Mặc dù Formosa có văn bản chối bỏ trách nhiệm liên quan đến việc ký hợp đồng với Cty môi trường Kỳ Anh vận chuyển, xử lý 267 tấn chất thải của họ chôn trái phép ở phường Kỳ Trinh. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của tỉnh Hà Tĩnh là không riêng gì Formosa, tất cả các đơn vị liên quan đến việc đầu độc môi trường đều phải chịu trách nhiệm. Tùy theo mức độ vi phạm, nếu nhẹ thì xử lý hành chính và đủ yếu tố thì xử lý hình sự”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng nói.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Vụ dưa ngọt giữa những ngày nắng nóng

QUẢNG BÌNH Vụ dưa hấu năm nay nông dân huyện Bố Trạch được mùa, được giá. Mỗi ha dưa cho lãi đến 50 triệu đồng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm