Thanh Hóa có gần 4 triệu người dân, phân bố ở 27 huyện, thị, thành phố. Việc quản lý nhà nước đặt ra nhiều giải pháp tối ưu để nhân dân cảm nhận được sự gần gũi và hạnh phúc khi tiếp xúc với cán bộ.
“5 biết, 3 không, 4 thể hiện”
Thực hiện kế hoạch của Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã hưởng ứng phong trào thi đua. Sau hơn 1 năm triển khai, bước đầu, các mô hình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm chuyển biến tác phong, lề lối làm việc của cán bộ công chức xã, phường, thị trấn trong thực thi công vụ.
Phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) là một trong số các đơn vị điểm trong xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Đây cũng là đơn vị có nhiều cách làm hay, sáng tạo được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng thuận, hưởng ứng.
Tại "Bộ phận một cửa", phường Điện Biên đã niêm yết, thực hiện nội dung “5 biết”, “3 không”, “4 thực hiện”; niêm yết bảng nội quy, quy định về thu phí; in ấn các phiếu khảo sát, phiếu đánh giá mức độ hài lòng của người dân trước và sau khi thực hiện mô hình; phiếu khảo sát lấy ý kiến của cá nhân, người đại diện tổ chức sau khi trả kết quả của "bộ phận một cửa"; gửi thư chúc mừng khai sinh, thư chia buồn, thư xin lỗi, thư cảm ơn…
Ngoài ra, phường Điện Biên còn công khai quy định về trách nhiệm, thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân; quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ để nhân dân biết, giám sát, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, phục vụ nhân dân của cán bộ công chức.
Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Điện Biên đã giải quyết đối với hơn 6.000 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 100%. UBND phường đã trao 132 “thư chúc mừng”, khai sinh và kết hôn; 36 “thư chia buồn” tới công dân phường…
Trong năm qua không có công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống hoặc vi phạm kỷ luật; kịp thời xử lý dứt điểm phản ánh, kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân.
Mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ tại phường Điện Biên trong thời gian qua đã làm thay đổi lề lối làm việc của cán bộ thực thi công vụ, chuyển từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”, được người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Chị Dương Thị Diệp, công dân phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tuy không phải công dân phường Điện Biên, nhưng khi tôi đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để thực hiện công chứng giấy tờ, đều được cán bộ phường hướng dẫn nhiệt tình. Các thủ tục, hồ sơ công chứng chỉ mất khoảng 15 phút chờ đợi”.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân, phường Điện Biên đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu làm việc, giao dịch của cán bộ và người dân. Sử dụng các tiện ích số như: thanh toán không dùng tiền mặt; đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử; nộp thuế điện tử. Năm 2022, bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phường Điện Biên đã giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 100%.
Bà Vương Thị Điểm, cán bộ Tư pháp phường Điện Biên, cho biết: “Trước đây, công dân thường phải nộp hồ sơ trực tiếp để giải quyết thủ tục hành chính, thì nay việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các giao dịch trực tuyến đã giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho các tổ chức, cá nhân. Có những thủ tục rút ngắn một nửa thời gian”.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số trên địa bàn đạt cơ bản 30 tiêu chí về lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thúc đẩy mọi hoạt động lên môi trường số, được thành phố xếp hạng đơn vị dẫn đầu về mức độ chuyển đổi số.
Bà Lê Thị Quỳnh Thơ, Chủ tịch UBND phường Điện Biên cho biết, việc thực hiện mô hình giúp mối quan hệ giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng cởi mở; dân chủ, công khai minh bạch, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ở chính quyền cơ sở. Đặt sự hài lòng của người dân lên trên hết vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là mục tiêu phấn đấu của hệ thống chính trị.
“5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn), “3 không” (không phiền hà, sách nhiễu; không né tránh trách nhiệm; không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc), “4 thể hiện” (tôn trọng trong giao tiếp; văn minh, văn hóa, lịch sự trong giải quyết công việc; lắng nghe đầy đủ, hướng dẫn tận tình quy trình xử lý công việc và gần dân; giải quyết kịp thời những thắc mắc, kiến nghị chính đáng của người dân).
Phát huy quyền giám sát của người dân
Việc thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” tại phường Điện Biên nói riêng, phường, xã trên địa bàn TP Thanh Hóa nói chung giúp người dân thực hiện tốt hơn vai trò giám sát phản biện xã hội; tích cực tham gia đóng góp ý kiến về một số nội dung cách thức để mô hình phát huy hiệu quả hơn, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Để phát huy quyền giám sát của cử tri, nhân dân trong việc thực hiện “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, UBND phường Điện Biên đã lập 10 hòm thư “góp ý xây dựng thành phố” đặt tại các nhà văn hóa, tổ dân phố và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại công sở phường, nhằm tiếp thu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng kiến nghị đề xuất chính đáng của nhân dân.
Bên cạnh đó, MTTQ phường Điện Biên phối hợp với UBND phường, định kỳ (1 năm 2 lần) tổ chức lấy ý kiến của người dân về hoạt động của mô hình “Chính quyền thân thiện phục vụ nhân dân”. Ngoài ra, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phường đã tổ chức hàng trăm lượt tiếp dân, đối thoại với công dân.
Thông qua đó, mọi kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp trong năm 2022. Đặc biệt, năm 2022 có 100% phiếu khảo sát đều phản ánh sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cán bộ công chức UBND phường.
Ông Lê Tánh, công dân phường Điện Biên cho biết: “Nếu như trước đây, người dân, doanh nghiệp muốn phản ánh, kiến nghị tới chính quyền thì phải trực tiếp tới công sở hoặc chờ đến kỳ tiếp xúc cử tri, thì nay mọi “rào cản” được xóa bỏ. Người dân vừa đỡ tốn công sức vừa thực hiện được quyền giám sát cán bộ công chức”.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Ban dân vận Thành ủy TP Thanh Hóa cho biết, hòm thư góp ý giúp cán bộ công chức nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức trong hoạt động công vụ và tăng tương tác giữa cơ quan công quyền với người dân. Bên cạnh đó, với cách làm này, người dân được phát huy hơn nữa quyền làm chủ của mình.
Việc xây dựng mô hình đã thực sự có tác động mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang; sự đồng tình, tin tưởng, đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Ông Trương Công Tuấn, Trưởng phòng Tổng hợp và Dân vận chính quyền (Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa) cho biết, sau 2 năm triển khai thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 200 mô hình, trong đó có gần 30 mô hình cấp tỉnh và nhiều mô hình cấp huyện.
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có từ 50% số xã (phường, thị trấn) trở lên và đến năm 2030 có 100% xã (phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công mô hình "Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ".