| Hotline: 0983.970.780

Bình đẳng giới trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Thứ Năm 08/08/2024 , 08:56 (GMT+7)

ĐBSCL Thúc đẩy bình đẳng giới, công bằng xã hội trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao để mỗi người đều phát huy năng lực, thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Hoạt động thực hành, tìm hiểu về bình đẳng giới và công bằng xã hội tại chương trình tập huấn. Ảnh: Kim Anh.

Hoạt động thực hành, tìm hiểu về bình đẳng giới và công bằng xã hội tại chương trình tập huấn. Ảnh: Kim Anh.

Từ ngày 7-9/8, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực thực hành bình đẳng giới và công bằng xã hội cho 7 điểm thực hiện mô hình của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp”, trong đó có 3 địa phương là Sóc Trăng, Trà Vinh và TP Cần Thơ.

Tại Sóc Trăng, có nông dân đặt vấn đề: Vì sao bình đẳng giới và công bằng xã hội được đề cập và trở thành một trong những yếu tố đảm bảo các tiêu chí của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao?

Đây cũng là nội dung quan trọng chương trình muốn làm rõ. Từ đó, nâng cao năng lực thực hành để nông dân, HTX và ngành nông nghiệp các địa phương, có giải pháp thúc đẩy hòa nhập trong thời gian triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Ths. Nguyễn Thị Lan Anh, Chuyên gia tư vấn về hòa nhập khuyết tật cho biết, Việt Nam đang hướng tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững và có sức cạnh tranh. Công cuộc chuyển đổi kinh tế này, ít nhiều phụ nữ và nhiều nhóm khuyết tật khác nhau sẽ bị ảnh hưởng.

Điển hình như việc phụ nữ bị hạn chế về quyền sở hữu đất đai để có thể tiếp cận tín dụng và đảm bảo sinh kế. Hay phụ nữ và các nhóm người khuyết tật thường tham gia vào các hoạt động lao động, có giá trị thấp hơn trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Ths. Nguyễn Thị Lan Anh, Chuyên gia tư vấn về hòa nhập khuyết tật làm rõ các vấn đề về hòa nhập khuyết tật. Ảnh: Kim Anh.

Ths. Nguyễn Thị Lan Anh, Chuyên gia tư vấn về hòa nhập khuyết tật làm rõ các vấn đề về hòa nhập khuyết tật. Ảnh: Kim Anh.

Riêng đối với vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, hiện nay phụ nữ được tham gia vào các quyết định của hộ gia đình về việc mua nguyên liệu đầu vào hoặc đưa ra giá bán các sản phẩm.

Tuy nhiên, quyền kiểm soát, ra quyết định của các đối tượng trên sẽ giảm đi khi các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển.

Do đó, phụ nữ thường ít tham gia vào các hoạt động đầu tư sản xuất lớn và khả năng tiếp cận với các nguồn lực khác để tận dụng cơ hội phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp cũng hạn chế.

Để lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và công bằng xã hội vào một số nội dung Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, bà Lan Anh cho rằng cần hoàn thiện các gói kỹ thuật, đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững, trong đó có vấn đề hòa nhập khuyết tật khi chuyển giao cho hộ nông dân, HTX.

Các mô hình trình diễn, tập huấn cho các hộ nông dân, HTX cần đảm bảo có đại diện người khuyết tật tham gia. Việc tổ chức lại sản xuất, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, ký kết hợp đồng liên kết cần ưu tiên cho các HTX, hộ sản xuất là người khuyết tật.

Quyền kiểm soát, ra quyết định của phụ nữ trong nông nghiệp sẽ giảm đi khi các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển. Ảnh: Kim Anh.

Quyền kiểm soát, ra quyết định của phụ nữ trong nông nghiệp sẽ giảm đi khi các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, các hợp phần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh, cần đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận. Như, đầu tư cơ giới hóa đồng bộ có tính đến giảm nhẹ lao động nặng nhọc cho người khuyết tật hoặc đối tượng suy giảm khả năng lao động.

Một vấn đề nữa được nhắc đến trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là yêu cầu của thị trường về vấn đề trách nhiệm xã hội. Như vậy, một trong những yếu tố được xét đến để đảm bảo yêu cầu này là hòa nhập khuyết tật. Thông qua việc hỗ trợ, thực hiện tốt các chính sách đảm bảo phúc lợi cho nông dân, HTX tham gia đề án về y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo nghề…

Ngoài ra, nâng cao vai trò phụ nữ, các nhóm yếu thế trong đó có người khuyết tật. Điển hình, trong sản xuất lúa, cần xét đến giới tính, người khuyết tật, người cao tuổi, người yếu thế trong xã hội, có nhu cầu và năng lực tham gia. 

Điều này sẽ tạo điều kiện để các đối tượng trên có thể hòa nhập cộng đồng, phát huy năng lực của bản thân cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...