| Hotline: 0983.970.780

Sạ cụm kết hợp bón vùi phân, kỹ thuật mới trong canh tác lúa

Chủ Nhật 27/08/2023 , 19:38 (GMT+7)

Sạ cụm kết hợp bón vùi phân, bón tập trung giai đoạn đầu là kỹ thuật hiệu quả cần được khuyến cáo nhân rộng thay dần sạ lan và bón phân vãi trên mặt ruộng.

* Mô hình giảm hẳn lượng giống gieo sạ, giảm số lần bón phân, giảm đáng kể lượng phân bón, giảm thuốc BVTV.

* Chi phí giảm gần 2,8 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng so với đối chứng trên 6,4 triệu đồng/ha.

* Liên hệ tham gia thực hiện mô hình: Ông Ngô Văn Đây, 0914083912.

Vụ Hè Thu 2023 Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Phân bón Bình Điền II và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng thực hiện mô hình “Ứng dụng thiết bị sạ cụm 3 trong 1 kết hợp sử dụng bộ sản phẩm hữu cơ thế hệ mới”.

Mô hình gồm 6 điểm, mỗi điểm 02 ha, triển khai trên địa bàn 06 huyện/thị: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn và Tân Châu.

Mô hình sạ cụm trên nền phân bón NPK phức hợp hữu cơ thế hệ mới công nghệ Eco - Nanomix tại Phú Tân - An Giang. Ảnh: Ngô Văn Đây.

Mô hình sạ cụm trên nền phân bón NPK phức hợp hữu cơ thế hệ mới công nghệ Eco - Nanomix tại Phú Tân - An Giang. Ảnh: Ngô Văn Đây.

Máy sạ cụm được sử dụng thực hiện mô hình là máy sạ cụm “3 trong 1” của Hàn Quốc do Công ty TNHH TM-DV Sài Gòn Kim Hồng nhập khẩu và phân phối (máy sạ cụm Sài Gòn Kim Hồng). Máy thực hiện đồng thời 3 chức năng: sạ cụm, bón vùi phân và phun thuốc diệt mầm cùng lúc.

Phân bón vùi sử dụng trong mô hình là phân NPK phức hợp hữu cơ thế hệ mới – Công nghệ EcoNanomix, chuyên dùng cho cây lúa do Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Phân bón Bình Điền II sản xuất và phân phối. Chất hữu cơ thế hệ mới có mặt trong phân giúp cải tạo và làm cho đất ngày càng màu mỡ tơi xốp, tránh cho đất bị thoái hóa bạc màu, giúp bộ rễ cây trồng phát triển mạnh mẽ. Công nghệ Econanomix: chứa các nano kim loại có tính chất của enzyme ngăn ngừa phân bón bị thất thoát, kích hoạt các dinh dưỡng tiềm tàng trong đất để cây trồng dễ dàng hấp thu. Phân gồm 2 chế phẩm để bón ở 2 thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây lúa: (1) Chế phẩm “lúa xanh” dùng bón thúc đẻ nhánh, với lượng khuyến cáo 240 - 260 kg/ha và (2) Chế phẩm “chắc hạt” dùng bón thúc đòng với lượng khuyến cáo 80 – 120 kg/ha.

Thông qua mô hình trình diễn, các đơn vị tổ chức muốn chứng minh trên diện tích rộng và khuyến cáo nông dân, ngoài lợi thế và hiệu quả cao của ruộng lúa sạ cụm (giảm giống, giảm phân, giảm sử dụng thuốc BVTV, tăng năng suất và chất lượng lúa, tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa cho người nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải...), thì việc bón vùi phân đồng thời với quá trình sạ cụm sẽ cộng hưởng thêm các lợi thế sau:

  • Giảm thất thoát phân, đặc biệt là phân đạm do bốc hơi hoặc trôi theo dòng nước nếu nước tràn mặt ruộng;
  • Kích thích rễ lúa ăn sâu, giúp hạn chế lúa đổ, ngã, đồng thời tăng khả năng chịu hạn cho ruộng lúa nếu gặp hạn, mặn cuối vụ (đông xuân);
  • Vùi phân kề sát khóm lúa, giúp khóm lúa tiếp cận với phân và lấy phân dễ dàng, hạn chế việc mất phân cho cỏ dại.
  • Tiết kiệm được chi phí công lao động do giảm số lần bón phân.
    Mô hình tại Châu Thành - An Giang, lúa sạ cụm đẹp như cấy, lượng giống giảm hẳn. Ảnh: Ngô Văn Đây.

    Mô hình tại Châu Thành - An Giang, lúa sạ cụm đẹp như cấy, lượng giống giảm hẳn. Ảnh: Ngô Văn Đây.

Các lợi thế trên đã được Viện Lúa ĐBSCL chứng minh thông qua thực hiện nhiệm vụ Bộ Nông nghiệp – PTNT giao trong khuôn khổ của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) giai đoạn 2, năm 2020: “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác lúa bằng máy cấy kết hợp bón phân trong sản xuất lúa bền vững tại Đồng bằng Sông Cửu Long”.

Kết quả thực hiện tại Viện Lúa ĐBSCL cho thấy:

- Cơ giới hóa bằng máy cấy kết hợp vùi phân đã làm gia tăng hiệu quả kinh tế một cách thực sự do giảm lượng phân bón, công lao động bón phân, chi phí thuốc BVTV và tăng năng suất lúa, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể giảm lượng phân bón 10 – 20N, tăng hiệu quả kinh tế hơn 6,0 triệu đồng/ha trong vụ Đông Xuân và hơn 3,2 – 4,0 triệu đồng/ha trong vụ Hè Thu so với cấy máy bón phân thông thường (bón vãi 3 – 4 lần).

- Cơ giới hóa bằng máy cấy kết hợp vùi phân giúp giảm số lần bón phân (1 – 2 lần/vụ); phân được vùi sâu trong đất đảm bảo cung cấp đủ cho cây lúa trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, cây lúa hấp thu phân hiệu quả hơn, giảm lượng phân bón thất thoát do bốc hơi, hoặc thải ra nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường.

Mô hình tại Châu Phú - An Giang. Ảnh: Ngô Văn Đây.

Mô hình tại Châu Phú - An Giang. Ảnh: Ngô Văn Đây.

Kết quả mô hình tại An Giang trên ruộng lúa sạ cụm bằng máy sạ cụm Sài Gòn Kim Hồng kết hợp bón vùi phân 2 Phong cho kết quả thực sự đáng ghi nhận:

1. Lượng giống sử dụng trong mô hình bình quân 62,5 kg/ha, chỉ bằng 1/3 lượng giống sử dụng ở ruộng đối chứng (177 kg/ha), nghĩa là ruộng mô hình đã tiết giảm 2/3 lượng giống sử dụng so với ruộng sản xuất;

2. Do bón vùi nên ruộng mô hình chủ động giảm 20% lượng phân bón “lúa xanh” so với quy trình bón vãi (bón vùi ngay khi sạ 200 kg/ha so với quy trình bón vãi 240 - 260 kg/ha), và do đó tổng lượng phân bón sử dụng trong mô hình bình quân 326 kg, giảm hơn 20% so với ruộng đối chứng 414 kg/ha;

3. Theo đó, lượng phân nguyên chất của ruộng mô hình (61 N – 37 P2O5 – 29 K2O) ít hơn nhiều so với ruộng đối chứng (108 N – 55 P2O5 – 44 K2O), nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng phát triển tốt, màu lá vàng chanh, rễ ăn sâu, thân lúa cứng cáp;

4. Tuy ruộng mô hình do sạ thưa, có số bông/m2 chỉ bằng 82% so với ruộng đối chứng sạ dày (416 bông/m2 so với 507 bông/m2), nhưng cũng chính nhờ ruộng mô hình với phương pháp sạ cụm thưa, đầy đủ ánh sáng trên nền phân bón cân đối nên có bông lúa to, số hạt chắc/bông nhiều, cao hơn 30% so với ruộng đối chứng (72/54 bằng 133%), và do đó, mặc dù lượng phân bón chỉ bằng 80% so với ruộng đối chứng nhưng năng suất lúa ruộng mô hình đạt cao: 6,82 tấn/ha, cao hơn 0,54 tấn/ha so với ruộng đối chứng: 6,28 tấn/ha;

5. Ruộng mô hình đã tiết giảm khá lớn chi phí sản xuất nhờ giảm giống (1.458.083 đồng/ha), giảm phân (1.026.917 đồng/ha), giảm sử dụng thuốc BVTV (294.750 đồng/ha)...; tổng chi phí tiết giảm 2.777.750 đồng/ha. Đây là một lợi thế trong điều kiện giá vật tư phân bón tăng cao;

6. Tổng lợi nhuận ruộng mô hình đạt 25.546.056 đồng/ha, cao hơn 6.423.792 đồng/ha so với ruộng đối chứng chỉ đạt 19.122.264 đồng/ha, tăng 33,6% lợi nhuận so với ruộng đối chứng.

7. Giá thành sản xuất lúa ruộng mô hình 3.041 đồng/kg lúa, giảm gần 20% chi phí sản xuất so với giá thành sản xuất lúa ruộng đối chứng 3.743 đồng/kg lúa.

8. Ruộng lúa mô hình nhờ sạ thưa theo phương pháp sạ cụm, ruộng lúa tiếp nhận đầy đủ ánh sáng trên nền phân bón cân đối, giúp lúa sinh trưởng tốt, nhiều chồi, thân cứng, ra rễ mạnh, lại được vùi phân giúp rễ lúa ăn sâu nên phát triển cân đối, hạn chế tình trạng đổ ngã khá tốt so với ruộng đối chứng.

Clip: Sạ cụm bằng máy kết hợp bón vùi phân tại thị xã Tân Châu, An Giang.

Tóm lại, có thể nói, sạ cụm kết hợp bón vùi phân và bón tập trung giai đoạn đầu là kỹ thuật hiệu quả cần được khuyến cáo nhân rộng trong sản xuất để thay thế dần phương pháp sạ lan và bón phân theo phương pháp vãi trên mặt ruộng nhiều lần như lâu nay. Bón vùi sâu phân bón, đặc biệt phân đạm là biện pháp hiệu quả để giảm sự bốc hơi phân bón, giảm mất đi thành phần dinh dưỡng, gia tăng hấp thụ phân bón, tăng hiệu suất sử dụng phân bón của cây trồng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn những chủng loại phân ngoài việc cung cấp dinh dinh dưỡng cho cây trồng còn giúp cải tạo đất, giúp cây trồng có cơ chế thu nhận thêm dinh dưỡng từ đất cần được ưu tiên.

Nguyên Phó Văn phòng Nam bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...