| Hotline: 0983.970.780

Bình Định báo động tai nạn tàu cá

Chủ Nhật 06/11/2022 , 08:56 (GMT+7)

Từ tháng 8/2015 đến tháng 6/2021, Bình Định đã xảy ra gần 980 vụ tai nạn tàu cá; trong đó có 100 vụ chìm, cháy tàu; hơn 154 ngư dân mất tích và tử vong.

Những con số đáng sợ

Theo báo cáo điều tra tai nạn tàu cá từ tháng 8/2015 đến tháng 6/2021 của Chi cục Thủy sản Bình Định, trong giai đoạn này, ngành đánh bắt thủy sản ở Bình Định xảy ra đến 981 vụ tại nạn tàu cá; trong đó, có 496 trường hợp bị hỏng máy, 182 trường hợp bị tai nạn lao động, 126 trường hợp bị thiên tai như bão tố và áp thấp nhiệt đới, 63 trường hợp bị đâm va hoặc mắc cạn, 10 trường hợp bị cháy nổ, còn lại là những trường hợp khác.

Trong số những vụ tai nạn tàu cá nói trên, trong đó có 94 vụ chìm tàu, 6 vụ cháy tàu dẫn tới 54 ngư dân bị chết và 106 ngư dân bị mất tích. Đặc biệt nghiêm trọng có 2 vụ chìm tàu trong cùng 1 ngày 27/102020. Đó là trường hợp của tàu cá BĐ 97469 TS (730CV) do ngư dân Võ Ngọc Đô ở phường Hoài Hải (Thị xã Hoài Nhơn) và tàu BĐ 96388 TS (730CV) do ngư dân Lê Vạn ở phường Hoài Thanh (Thị xã Hoài Nhơn) làm chủ tàu.

Tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động trên biển. Ảnh: Đ.T.

Tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động trên biển. Ảnh: Đ.T.

Cả 2 tàu cá nói trên đều hành nghề lưới vây ánh sáng, đang hoạt động lại tọa độ lần lượt là 13014’N-110025’E và 12043’N-111027’E thì tàu bị phá nước, chìm. Tàu cá BĐ 97469 TS của ngư dân Võ Ngọc Đô bị mất tích 11 thuyền viên và tàu cá BĐ 96388 TS của ngư dân Lê Vạn bị mất tích 11 thuyền viên.

Trước đó, vào ngày 27/11/2017, tai nạn của tàu cá BĐ 30366 TS do ngư dân Ngô Thiên ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) làm chủ tàu hành nghề câu mực thì tàu gặp sóng to. Do tàu BĐ 30366 TS có công suất quá nhỏ, chỉ 39CV, nên bị sóng đánh vỡ lốc máy, chìm, trên tàu khi ấy có 5 thuyền viên thì 3 người bị chết, 2 người kia mất tích.

Hoặc như tai nạn của tàu cá BĐ 96665 TS (435 CV) do ngư dân Huỳnh Trung ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn) làm chủ tàu xảy ra sau đó hơn 1 tháng cũng đã 1 phen gây rúng động các làng chài ở Bình Định. Vào ngày 21/12/2017, tàu cá BĐ 96665 TS của ngư dân Trung đang hành nghề câu cá ngừ đại dương thì gặp sóng lớn đánh chìm tàu khiến 6 người mất tích.

Thực tế cho thấy, tai nạn tàu cá đã gây ra nhiều tổn thất về người và phương tiện nghề cá. Từ đầu tháng 8/2015 đến giữa năm 2021 mà trên địa bàn Bình Định đã có hơn 200 người bị chết và mất tích, hơn 50 người bị thương, gần 100 tàu cá bị chìm đắm hoàn toàn, gần 700 tàu cá khác bị thiệt hại tài sản.

Mỗi nghề đánh bắt thủy sản đều có nét đặc thù riêng, người tay ngang lớ ngớ trong lúc làm việc dễ dẫn đến sơ sót gây ra tai nạn. Ảnh: Đ.T.

Mỗi nghề đánh bắt thủy sản đều có nét đặc thù riêng, người tay ngang lớ ngớ trong lúc làm việc dễ dẫn đến sơ sót gây ra tai nạn. Ảnh: Đ.T.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn tàu cá được ngành chức năng Bình Định xác định: Do Biển Đông là luồng hàng hải quốc tế nhộn nhịp, nên nhiều tàu khai thác tại các khu vực đan xen giữa ngư trường khai thác và tuyến đường hàng hải dẫn đến dễ xảy ra tai nạn đâm va, đặc biệt là vào ban đêm. Ngư trường đánh bắt ở những vùng biển xa bờ thường xuyên phải đối mặt với bão tố và lốc xoáy.

Số lượng tàu cá được giám sát, kiểm tra an toàn kỹ thuật hàng năm trong giai đoạn (2015-2020) chiếm tỉ lệ bình quân 71,17% so với tổng số tàu thuộc diện đăng kiểm hàng năm, điều này cho thấy có 28,83% tàu cá, tương đương khoảng 1.403 tàu cá hoạt động không có sự giám sát của cơ quan đăng kiểm, đây là nguy cơ và cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn tàu cá của tỉnh Bình Định.

Một lý do khác là tàu cá Bình Định chiếm 97,75% vỏ gỗ, trong đó có 35,21% số tàu đã “cao niên”, đã có hơn 10 năm hoạt động nên đã “rệu rã”. So với tuổi giải bản của tàu cá vỏ gỗ (khoảng 12-15 năm), thì số lượng tàu cá có độ tuổi hơn 10 năm thì tiềm ẩn nguy hiểm về tính liên kết, sức bền của kết cấu thân tàu, cũng như khả năng chịu tác động của sóng gió và ngoại lực bên ngoài.

Máy chính được lắp đặt trên tàu cá tại Bình Định chiếm đến 99% là máy cũ đã qua sử dụng. Chất lượng kém của máy tàu thường gây ra những hỏng bơm cao áp, nghẹt kim phun; hỏng bơm nước biển, thiếu nhớt, lũng sơ mi, hư hỏng hộp số…

Lao động nghề cá làm việc rất nặng nhọc. Ảnh: Đ.T.

Lao động nghề cá làm việc rất nặng nhọc. Ảnh: Đ.T.

Bên cạnh đó, trình độ của thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên còn hạn chế trong hoạt động tổ chức khai thác và hàng hải dẫn đến tai nạn do thiếu hiểu biết về quy tắc tránh va, ý thức về cảnh giới an toàn hàng hải trên biển kém, sự chủ quan bất cẩn trong quá trình lao động và sinh hoạt, dẫn đến tai nạn lao động do công cụ sản xuất gây nên hoặc rơi xuống biển mất tích.

“Trong bối cảnh tàu cá khó kiếm thuyền viên làm việc trong những chuyến ra khơi đã khiến chủ tàu “tuyển” luôn cả nông dân và cả những người ở miền núi đi bạn cho tàu của mình. Trong khi mỗi nghề đánh bắt đều có nét đặc thù riêng, người tay ngang lớ ngớ trong lúc làm việc dễ dẫn đến sơ sót gây ra tai nạn”, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, giải thích thêm.

“Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định tổ chức lớp tập huấn về an toàn lao động tàu cá và tiếp cận an sinh xã hội trong khai thác hải sản.

Tại lớp tập huấn, ngư dân được trang bị các kiến thức về an toàn lao động trong khai thác hải sản; giới thiệu và hướng dẫn sử dụng, bảo quản các thiết bị an toàn trên tàu cá; hướng dẫn ứng dụng các thiết bị thông tin trên tàu cá trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; một số tình huống tai nạn và cách sơ cấp cứu trên tàu cá; các hình thức bảo trợ và tiếp cận an sinh xã hội nghề cá tại Việt Nam”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định Trần Văn Vinh chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất